V-League khô hạn ứng viên
Căn cứ vào các con số thống kê trong 20 năm lịch sử V-League, thì nếu muốn dự báo về cơ hội vô địch chúng ta sẽ nhìn vào số lượng trận thắng. Ngược lại, để biết đội nào không thể vô địch, con số cần tham khảo là các trận thua.
Cân bằng hay yếu ớt?
Đội bóng đang đứng áp chót bảng xếp hạng là Sài Gòn FC hiện có 13 điểm, tức là kém đội nhì bảng Viettel đến 13 điểm, vậy nhưng số trận thua của họ chỉ là 7 trong khi của Viettel là 6. Con số này thực sự là một nghịch lý vì rõ ràng không hề có sự chênh lệch nào giữa 2 đội cả.
Thông thường, một đội bóng bị xem là yếu sẽ nhận khá nhiều trận thua, nhưng ở đây, vấn đề của Sài Gòn FC là họ hòa đến 6 trận trong khi Viettel chỉ 1 trận mà thôi. Nói Viettel mạnh nên thắng nhiều trận cũng được, mà nói Sài Gòn FC kém may mắn khi không thể chuyển được nhiều trận hòa thành 3 điểm cũng được.
Trong suốt 20 năm lịch sử V-League, chỉ có 2 mùa giải mà đội để thua đến 8 trận vẫn lên ngôi vô địch, đó là Gạch Đồng Tâm Long An (2006) và Hà Nội T&T (2016). Tuy nhiên, đó là 2 mùa giải có sự cạnh tranh cực kỳ khốc liệt, phải đến tận vòng đấu cuối cùng mới biết ai sẽ đăng quang.
Năm 2006, đội bóng của Calisto chỉ hơn đội bóng xếp hạng 5 là SLNA có 4 điểm mà thôi. Còn năm 2016, Hà Nội T&T đăng quang khi cùng điểm với Hải Phòng và hơn đội hạng 3 là SHB Đà Nẵng chỉ 1 điểm.
Nhìn chung, nếu đội bóng nào để thua quá 6 trận thì gần như không còn khả năng vô địch. Tất nhiên, đó là con số sau khoảng 24-26 vòng đấu theo thông lệ. Vậy mà ở mùa giải năm nay, dù chỉ mới đá có 16 vòng, Viettel đã đạt đến con số 6 còn Bình Định cũng đã thua 5 trận.
Đây là 2 đội bóng được xem sẽ thách thức Hà Nội FC, nhưng với số trận thua nói trên thì nếu muốn vô địch, cả 2 đội đều buộc phải thắng hầu hết các trận còn lại. Mùa này V-League chỉ có 13 đội nên mỗi CLB chỉ đá 24 trận thay vì 26, nghĩa là cơ hội của Viettel và Bình Định chỉ còn trong 8 trận đấu nữa. Đó là chưa tính đến một điều kiện quan trọng: Hà Nội FC phải thua ít nhất 4 trong 8 trận còn lại.
Chuyện Hà Nội FC mạnh thì không cần phải bàn, vì họ chưa từng thực sự yếu đi một cách rõ rệt kể từ khi lên chơi V-League đến nay. Vấn đề nằm ở chỗ bao nhiêu năm qua, không có nhiều đội bóng đủ khả năng vượt qua họ về mặt năng lực.
Các chức vô địch của Quảng Nam (2017) hay Viettel (2020) trong thời gian gần đây chủ yếu đến từ sự suy yếu ngắn hạn của Hà Nội FC. Người ta đã kỳ vọng thời gian trôi qua, sẽ có các ứng viên thực sự nhưng thực tế lại trái ngược.
Lấy ví dụ Viettel, đâu có hơn gì Sài Gòn FC? Trong khi đó, đội có số trận thua khá thấp là HAGL (3 trận) thì lại chỉ mới đạt 22 điểm, kém đến 12 điểm so với Hà Nội FC. Đây là 2 đội bóng từng đua tranh chức vô địch mùa giải dang dở năm trước, thời điểm mà Hà Nội FC suýt phải đi chung kết ngược nếu V-League không bị hủy bỏ.
Loay hoay chuyển đổi
Các nhà quản lý bóng đá Việt Nam đang có ý tưởng để nâng số lượng ngoại binh tại V-League lên con số 4, bao gồm 1 cầu thủ châu Á. Như vậy, sau một thời gian hạn chế ngoại binh thì xu hướng sắp đến buộc V-League phải mở rộng nếu muốn tăng chất lượng của giải đấu.
Trong số 10 chân sút tốt nhất V-League tính đến thời điểm này thì chỉ có 2 nội binh, đồng thời cũng là bộ đôi tiền đạo của đội tuyển quốc gia, là Nguyễn Tiến Linh, Nguyễn Văn Toàn. Tuy nhiên số lượng bàn thắng mà họ ghi được vẫn khá hạn chế.
Có một chi tiết thú vị, đó là Hà Nội FC không hề có chân sút có mặt trong tốp 10, cho dù họ đang là đội bóng ghi nhiều bàn nhất của V-League. Ngược lại, có đến 2 ngoại binh của Hải Phòng với tổng cộng 18 bàn thắng.
Cần nhớ là sau 16 vòng đấu, đội bóng của Chu Đình Nghiêm chỉ mới ghi có 25 bàn, nghĩa là nếu không có ngoại binh thì Hải Phòng sẽ chẳng thể có được vị trí thứ 3 như hiện nay.
Nói cách khác, bóng đá Việt Nam vẫn đang lệ thuộc ngoại binh dù muốn hay không. Không có họ, chắc chẳng có cuộc đua vô địch nào cả khi Hà Nội vẫn đang sở hữu dàn nội binh chất lượng quá cao.
Điều này cũng đồng nghĩa, khả năng cung cấp cầu thủ tại chỗ vẫn chưa hề được cải thiện, một dấu hiệu không vui vẻ gì cho tương lai của bóng đá Việt Nam. Càng ít sự cạnh tranh ở V-League thì càng khó cho công tác phát triển nhân tài của HLV Park Hang Seo hay Gong Oh Kyun.
Một vấn đề khác: Mùa trước Hà Nội chơi khá tệ, nhưng chẳng hiểu sao chỉ sau gần một năm họ kịp trở lại khá dễ dàng. Họ làm được thì tại sao các CLB khác không làm được, kể cả những đội giàu tiềm lực tài chính như Viettel, Bình Định hoặc có “thâm niên” như HA.GL hay Bình Dương.
Phải chăng vấn đề nằm ở chỗ các đối thủ của Hà Nội quá dễ dàng đánh mất động lực, khi những ông chủ tham gia làm bóng đá một cách “miễn cưỡng” hoặc “cho vui”?
Với chỉ 13 đội bóng, V-League là giải VĐQG có số lượng rất ít nếu căn cứ theo các quy chuẩn thông thường. Dù đã tinh gọn như vậy, nhưng số CLB có khả năng vô địch vẫn rất ít ỏi, đó không thể là một yếu tố thúc đẩy sự phát triển của bóng đá nước nhà.
đội tuyển quốc gia trên thế giới chủ yếu sử dụng các tuyển thủ quốc gia thuộc những CLB tốp đầu, đang đá tranh đua vô địch chứ không ai tuyển cầu thủ suốt mùa chỉ đá trụ hạng. Nhưng như đã phân tích, khi đa số các CLB tham gia một mùa giải chỉ với mục tiêu trụ hạng thì rất khó để tăng được số đội tham gia V-League, bởi nói cho cùng làm sao có thể thu hút đầu tư cho bóng đá khi bỏ ra cả trăm tỷ đồng mỗi năm rốt cục cũng chỉ đạt được mục tiêu cơ bản.
Long Khang