V-League bắt đầu đáng xem
V-League 2022 đã trở lại đầy hứng khởi khi từ trên khán đài đến dưới các mặt sân đều sôi động, đầy sức sống mới.
1. Những nỗ lực của tất cả các bên đã giúp V-League ngày càng đi vào quỹ đạo chung, tạo ra sự hứng khởi cho người hâm mộ. Chất lượng của các trận đấu chưa cao như mong muốn nhưng tính so kè quyết liệt, đầy căng thẳng có thể cảm nhận được.
Cho đến lúc này, những hạn chế triền miên trước đây như bạo lực, hay tranh cãi trọng tài đã lắng dịu. Hy vọng, ở trong bất cứ tình huống, giai đoạn nào của giải đấu, những điều này sẽ bị “triệt tiêu” từ trong suy nghĩ để hình ảnh V-League ngày càng chuyên nghiệp.
Rất dễ nhận ra, người xem đã đến các sân đông hơn, đấy là tín hiệu đáng mừng. Vòng 5 V-League trong những ngày cuối tuần qua nắng nóng khắp vùng miền đất nước. Tuy nhiên, khán giả vẫn nhiệt thành đến các sân cỗ vũ cho các đội bóng. Hiệu ứng sôi động từ SEA Games 31 ở Việt Trì, Cẩm Phả, Thiên Trường đã kéo khán giả đông đầy cho V-League. Thành công của ĐTQG, U23 Việt Nam giống như chất xúc tác tạo ra cảm hứng mãnh liệt cho người xem.
Vì thế, lúc này V-League cần trân quý điều đó đồng thời phải làm sao tạo ra được sức hút của chính giải đấu để níu chân người hâm mộ. Phải làm sao để mỗi cuối tuần đến các sân bóng xem cầu thủ thi đấu thật sự là niềm vui cho khán giả. Làm được không? Câu hỏi rất rõ ràng dành cho nhà tổ chức cùng các đội bóng như thế. Bóng đá cần khán giả, vì khán giả và sống nhờ khán giả. Khán giả đến sân nhiều hay ít, đong đầy hay lạnh nhạt phải bắt nguồn từ thứ bóng đá sạch, tử tế và ở trong mối quan hệ có đi có lại với nhau.
Ở chiều ngược lại, người hâm mộ đến sân cũng phải thể hiện cung cách ứng xử, cổ vũ đúng mực. Những hình ảnh pháo sáng, pháo nổ mịt mù ở Lạch Tray trong giải giao hữu mới đây đã phần nào cho thấy văn hóa xem bóng đá của bộ phận không nhỏ khán giả ta rất có vấn đề. Họ đến sân không hẳn vì tình yêu, mà còn để thể hiện cá tính lệch chuẩn mực. Tựu trung lại, bóng đá phải tử tế và cần người hâm mộ chân chính.
2. Được chơi bóng với những khán đài sôi động cùng sự dõi theo của người hâm mộ, rõ ràng kích thích cho cầu thủ rất nhiều. Câu chuyện cầu thủ trẻ liệu có cơ hội thi thố ở sân chơi khốc liệt như V-League hay không cũng nhận được nhiều quan tâm. Thực tế, cũng đã có đội bóng tạo điều kiện cho cầu thủ trẻ được thử sức nhưng không nhiều. Rõ ràng với tính chất khốc liệt của V- League khiến các HLV không dám mạo hiểm.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, việc cầu thủ trẻ có ra sân thi đấu nhiều hay không, chưa hẳn ở chuyện các HLV ưu tiên dùng hay không dùng. Vẫn biết tạo điều kiện cho cầu thủ trẻ phát triển nhưng chính mỗi cầu thủ phải biết cách nắm bắt cơ hội, nỗ lực hết mình để chứng tỏ bản thân. Ở đây sẽ có một sự cạnh tranh lành mạnh, sòng phẳng chứ không phải một mặc định phải sử dụng quân số từ U23 trở về. Các cầu thủ trẻ phải hiểu rằng, mọi thứ không có sẵn, không tự nhiên mà đến. Mọi thứ xuất phát từ chính tài năng của lứa cầu thủ mới hiện tại, họ phải có khát khao chiến thắng cùng sự nhiệt huyết của tuổi trẻ.
Thực tế, đã có những bước chuyển mình tích cực cho câu chuyện đang “nóng” này. Tất nhiên, điều này chưa thể diễn ra một cách thường xuyên và rộng rãi. Trên sân Quy Nhơn khi HAGL đang bế tắc, HLV Kiatisuk đã quyết định tung 2 cầu thủ U23 Vũ Đình Lâm, Nguyễn Thanh Nhân vào sân. Lý giải về việc tung các cầu thủ trẻ như Bảo Toàn, Thanh Nhân, Đình Lâm vào sân ở cuối hiệp 2 trận đấu, HLV Kiatisuk cho biết, ông vẫn luôn giữ cơ hội vào sân cho các cầu thủ trẻ. “Trong tương lai không xa, các cầu thủ trẻ sẽ là các nhân tố cho đội tuyển Việt Nam. Khi có cơ hội, tôi sẽ tung họ vào sân để rèn giũa và trưởng thành từng bước một”.
Hay ở Hòa Xuân, Lương Duy Cương, cầu thủ chơi rất hay, phát lộ tài năng trong màu áo U23 Việt Nam đã được HLV Phan Thanh Hùng tin dùng cả trận. Không phụ lòng, Lương Duy Cương đã chơi chững chạc khi “bắt chết” chân sút Siladi Vladimir của Hà Nội FC.
Với những tín hiệu đầy hứng khởi như thế trong ngày V-League trở lại, VFF, VPF cùng mỗi đội bóng phải biết trân trọng và cùng thúc đẩy V-League tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn nữa.
Trần Tuấn