V-League 2023 bước vào cao trào, chia nửa buồn vui
Night Wolf V-League 2023 đang bước vào thời điểm cao trào với những cuộc chiến ở "đỉnh" và "đáy". Cuộc chiến đó cũng đã phản ánh rõ nét cách làm bóng đá tương phản hiện nay: Vung tiền mua quân và gây dựng bản sắc.
Cũng phận tân binh nhưng Khánh Hòa đang lo trụ hạng là chính còn CAHN thể hiện rõ khao khát "xưng vương". Nguồn lực tài chính mạnh giúp họ đưa về hàng loạt cầu thủ chất lượng từ đầu mùa giải như Đoàn Văn Hậu, Vũ Văn Thanh, Phan Văn Đức, Hồ Tấn Tài. Chưa dừng lại ở đó, 2 bản hợp đồng giữa mùa đình đám với thủ môn Filip Nguyễn cùng Nguyễn Quang Hải đã tạo ra "cơn sốt" cho V-League.
Việc vung tiền mua quân chất lượng của CAHN đã mang đến những tín hiệu tích cực tại V-League 2023. Rõ ràng, sự đầu tư cũng như khát khao của CAHN đã giúp cuộc đua vô địch năm nay trở nên hấp dẫn hơn khi không còn là câu chuyện của riêng Hà Nội FC nữa. Dù vậy, người hâm mộ vẫn lăn tăn liệu rằng CAHN sẽ giữ vị thế của mình bao lâu khi chọn cách đầu tư "đi tắt đón đầu" trong năm đầu tiên lên chơi V-League.
Dễ thấy, những CLB thành lập mới hoặc có nhà đầu tư mới đều vung tiền mạnh tay để nâng cấp đội hình của mình khi họ chưa có "chân đế" vững từ đào tạo trẻ. Tuy nhiên, để duy trì việc cạnh tranh danh hiệu qua các mùa giải là không dễ dàng chứ chưa nói đến chuyện tạo dựng bản sắc riêng.
Những gì đã nhìn thấy từ Bình Định thời gian qua là ví dụ điển hình. Ở mùa giải 2022, đội bóng đất Võ này nổi lên như một "đại gia" ở V-League. Thời điểm đó, Bình Định đã bạo chi để mang về 13 tân binh với những cái tên nổi bật của bóng đá Việt Nam để nâng cấp đội hình.
Sự đầu tư lớn đó đã mang về thành tích gần như tức thì cho Bình Định. Họ luôn theo sát Hà Nội FC và Hải Phòng trong cuộc đua vô địch để cuối mùa cán đích ở vị trí thứ 3. Tuy vậy, ở mùa giải năm nay, với phong độ trồi sụt liên tục, đội bóng đất Võ chỉ kịp chen chân vào nhóm A 8 đội ở vòng đấu cuối cùng giai đoạn 1.
Sự trỗi dậy của tân binh CAHN đã khiến cho các đội bóng giàu truyền thống như SLNA, HAGL, SHB Đà Nẵng dần thất thế. Đây là điều dễ hiểu khi các đội bóng chú trọng việc xây dựng bản sắc bằng việc trao cơ hội cho các cầu thủ trẻ của địa phương khó lòng cạnh tranh với những đội bóng có nhiều cầu thủ danh tiếng.
HAGL đã đi gần hết cả một thế hệ tài năng nhưng họ gần như chẳng thu về được gì từ khía cạnh thành tích. HLV Kiatisuk vừa nhắc đến một chi tiết, đó là hiện tại đội bóng phố Núi đá theo kiểu "tiết kiệm tiền cho bầu Đức". Vì thế, không mấy bất ngờ khi những tên tuổi lẫy lừng HAGL, Đà Nẵng, B.Bình Dương rơi vào "vòng xoáy" đua trụ hạng.
Trong lịch sử của V-League không ít đội "sớm nở tối tàn" theo đúng nghĩa đen. Nhiều đội bóng thi đấu ở V-League đã chi tiền rất lớn để nhanh chóng nâng cấp đội hình ngay mùa đầu tiên dự V-League hay có nhà tài trợ mới.
Tuy vậy, sau những kết quả không như mong muốn, họ sa sút cả tinh thần cùng sự nhiệt tình đầu tư. Đấy không phải là cách làm bóng đá "thật". Rất nhiều địa phương đã phải trả giá đắt do giao phó hết cho các ông bầu nhảy vào tài trợ, không chịu đầu tư đào tạo trẻ. Khi doanh nghiệp đột ngột quay lưng thì mọi chuyện đã muộn.
Tóm lại, cách làm bóng đá "thật" cần được cổ xúy bởi như thế các đội bóng sẽ luôn tồn tại, dù trước mắt có thể không đạt thành tích cao. Không thể mãi vung tiền để mang về thành tích nhất thời, đánh mất bản sắc vốn là thứ quý giá nhất mà nhiều địa phương đã nhọc công gây dựng cho đội bóng mình suốt chiều dài lịch sử.
V-League đang chia nửa buồn vui với những "giằng co" như thế.