V-League 2023-2024: Gập ghềnh bóng đá miền Trung
Ngoại trừ Thanh Hóa và Bình Định đang ở nửa trên BXH V-League 2023/24, những đội bóng miền Trung còn lại đều gặp khó khăn. Bóng đá dải đất "đòn gánh cong hai đầu đất nước" đang gập ghềnh tại đấu trường V-League.
Khánh Hòa cùng SLNA đang đứng ở những vị trí cuối trên BXH, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh cũng không khá hơn. Quảng Nam và HAGL mới chỉ tạm thoát đi chứ chưa thể nói đã nằm trong vùng an toàn. Cho nên mọi thứ vẫn đầy gian truân với các đại diện của miền Trung. Họ đã xác định rằng mình sẽ ở vào cuộc chiến trụ hạng từ khi giải đấu mới ở chặng khởi động.
Khánh Hòa từng được xem như "hình mẫu" của bóng đá miền Trung vượt khó. Những năm qua, xuống hạng rồi lên hạng được xem là chuyện thường ngày của bóng đá phố biển Nha Trang. Mùa giải trước, Khánh Hòa chật vật trụ hạng, còn năm nay, họ đã nghèo còn gặp eo. Lý do vẫn là chuyện nợ lương, nợ tiền lót tay cầu thủ âm ỉ, kéo dài, lâu lâu lại bùng lên.
Lãnh đạo địa phương đã trực tiếp đứng ra kêu gọi sự đóng góp, hỗ trợ kinh phí từ các nguồn lực xã hội cho đội bóng. Những gỡ rối bước đầu của địa phương cũng chỉ như biện pháp "chữa cháy", còn về lâu dài, chưa thấy lối ra. Chính vì nguồn lực kinh tế không mạnh, thực lực của Khánh Hòa FC chỉ được đánh giá tầm trung. Do vậy, những điểm số của Khánh Hòa FC có được mùa này không hẳn đến từ thực lực, mà phần lớn nhờ vào tinh thần quyết tâm của các cầu thủ, cộng thêm chút may mắn.
Sức mạnh tinh thần là điều mà Khánh Hòa trông đợi trong cuộc chiến trụ hạng nhưng xem ra điều đó cũng quá khó bởi đá hoài mà không thắng, dựa vào đâu để khơi dậy "ngọn lửa" tinh thần. Đã 11 trận liền chỉ hòa và thua, với Khánh Hòa, hình như đường xuôi về hạng Nhất gần hơn lúc nào hết.
Chuỗi 8 trận không thắng liên tiếp đã khiến cho SLNA bị bỏ lại trên BXH. Nếu phong độ cứ theo cái đà này thì việc lún sâu ở vị trí phải đá play off khó tránh khỏi. Không nhiều người nghĩ, SLNA lại lao đao như thế ở mùa giải năm nay nhưng đó là sự thật. SLNA từng được xem như "cái nôi" của bóng đá Việt Nam.
Có một thời, nhiều địa phương, nhiều CLB "cắp cặp" đến xứ Nghệ học cách làm bóng đá. Những tưởng khi được chuyển giao cho nhà đầu tư mới, mọi thứ sẽ xông xênh hơn nhưng rồi khó khăn đang bủa vây đội bóng xứ Nghệ.
Cũng bởi vì khó khăn về tài chính nên ngay khi chuẩn bị mùa giải, bóng đá xứ Nghệ đành ngậm ngùi nhìn những cầu thủ tốt nhất của mình lần lượt ra đi. Ở phía ngược lại, họ không mua bất kỳ cầu thủ nào mà chủ trương chỉ dùng cầu thủ "cây nhà lá vườn".
Những ngày này, với người hâm mộ xứ Nghệ, hẳn đã đau đáu với nỗi niềm về thực trạng, định hướng hay con đường đi tiếp cho tương lai. SLNA, cái tên mà ai cũng biết đến như một trong những đội bóng giàu truyền thống bậc nhất Việt Nam nhưng giờ đây, màu áo vàng "Nghệ" đó đang phải chật vật để đá trụ hạng quả là nỗi niềm đầy cám cảnh. Câu hỏi đặt ra cho SLNA: vì đâu nên nỗi!?
Ở 11 mùa giải gần nhất (2013-2023), bóng đá miền Trung chỉ duy nhất xuất hiện 1 nhà vô địch V-League. Vinh dự đó gọi tên CLB Quảng Nam năm 2017. Còn lại, 7 chức vô địch thuộc về các đội bóng phía Bắc, 2 cho CLB B. Bình Dương, 1 giải không có nhà vô địch (2021) vì hủy bỏ.
Trong khi đó, từ năm 2013 trở về năm 1980, đã có 8/29 mùa, các CLB miền Trung vô địch (3 lần cho SLNA, 3 của bóng đá Quảng -Đà và 2 thuộc về HAGL). Nhìn con số thống kê như thế mới thấy nhớ và tiếc cho giai đoạn huy hoàng của bóng đá miền Trung. Và cũng nhận ra rằng bóng đá ở "khúc ruột" ngày càng đi xuống so với 2 đầu đất nước.
Có nhiều nguyên nhân, nhưng nếu chia các giai đoạn mang tính cột mốc, có thể thấy sự xuống cấp của các đội bóng miền Trung thể hiện rõ nhất khi giải VĐQG chuyển sang chuyên nghiệp. Một trong những yếu tố cốt lõi nhất vẫn là nguồn lực đầu tư hạn hẹp.
SLNA, HAGL, SHB Đà Nẵng nổi tiếng với công tác đào tạo nhưng thành tích chỉ nổi bật ở các giải trẻ. Còn hơn 10 năm nay, các CLB luôn trong tình cảnh lo chuyện trụ hạng. Mùa giải năm nay cũng chẳng khác mấy. Không biết bao giờ bóng đá miền Trung mới hết gập ghềnh.