V-League 2022 và giới hạn
(Thethaovanhoa.vn) - Như vậy, vòng 4 của V-League đã kết thúc, “ai về nhà nấy”, nhường chỗ cho các ĐTQG đến gần 4 tháng.
V-League vẫn nếp cũ
Khổ thân các CLB phải gánh chịu bao hệ lụy trong quãng nghỉ dài lê thê, nhưng đành phải chấp nhận truyền thống hy sinh tất cả cho màu áo quốc gia. Đành phải chờ đợi những người có trách nhiệm với nền bóng đá khai phóng giới hạn trong tư duy ứng xử với giải chuyên nghiệp, với quyền lợi CLB mà thôi.
Nhìn lại 4 vòng đấu qua, có thể thấy V-League vẫn diễn ra ở chất lượng trung bình. Những hệ lụy do dịch Covid-19 thể hiện rất rõ trên đôi chân và cái đầu cầu thủ. Ngoại binh chất lượng cũng không cao mà bằng chứng đội hình tiêu biểu vòng 3 chỉ mỗi Geovane của Viettel có tên.
Nhìn chung, sẽ rất khó xảy ra đột biến với V-League khi các trật tự đã có dấu hiệu “ngay hàng, thẳng lối”. Giới hạn của HAGL xem ra đã đạt ngưỡng ở mùa giải năm ngoái. Sau 4 vòng đấu năm nay rất kém cỏi, khả năng cạnh tranh ngôi vô địch gần như không còn. Đáng lo cho hàng loạt trụ cột của “Gỗ” đang gặp vấn đề, có vẻ không đơn thuần là chuyên môn!?
Đến đây, không khó để cảm nhận nhóm ứng cử viên vô địch sẽ lại là Viettel, Hà Nội, có thể thêm Hải Phòng và SLNA khi tính truyền thống của họ rất đậm đặc. Bình Định cũng đang gây chú ý, nhưng có lẽ giới hạn của họ là cố gắng xây dựng hình ảnh “ngựa ô” tươi tắn, khỏe mạnh để nuôi dưỡng mộng lớn cho các mùa sau.
Vậy nên, 4 tháng nghỉ để các đội “ngậm sâm”, bồi bổ cơ thể là quá đủ, nhưng để tạo giá trị gia tăng cho hệ thống giải chuyên nghiệp thì thời gian không giải quyết được. Chúng ta đã có 22 năm làm bóng đá chuyên nghiệp. Thành ra, cách mạng “cái đầu” mới đáng phải hành động. Nó cần quyết tâm cao độ cùng cả hệ thống VFF, VPF, các CLB vào cuộc, thì mới thay đổi được cái nếp cũ của V-League.
Ông Park cũng cần làm mới
Khán giả cũng bắt đầu quan tâm đến câu hỏi: Giới hạn của HLV Park Hang Seo, của ĐTQG và U23 quốc gia? Chúng ta có thể vui với chiến thắng trước Trung Quốc ngày mồng 1 Tết Nguyên đán, những đừng quên chuỗi 7 trận thua, trước khi trắng tay ở AFF Cup. Cũng đừng quên câu nói đầy trách nhiệm của bầu Hiển: “Ông Park có dấu hiệu bảo thủ, lười làm mới đội tuyển”.
Rõ ràng, những công lao mà HLV người Hàn Quốc mang đến cho bóng đá Việt Nam là rất lớn. Dù thế, nói như bầu Hiển, “Thành tích của quá khứ không đảm bảo cho tương lai”, nên sau thất bại của ĐTQG tại AFF Cup 2021 với lực lượng tinh hoa nhất, chúng ta có quyền yêu cầu ông Park phải làm mới các ĐTQG, không được phép để lặp lại thất bại cay đắng như AFF Cup.
Danh sách đội tuyển quốc gia đã có. Nếu như tiêu chuẩn cầu thủ phải đạt phong độ tốt nhất, thì việc HAGL đang đứng thứ 2 về quân số với 6 tuyển thủ tập trung lần này, thật khó nghĩ. Ai cũng có quyền đặt nghi vấn ông Park quá ưu tiên cho “gà” nhà bầu Đức. Với những gì đã thể hiện qua 4 vòng, nhiều cầu thủ khác còn xứng đáng hơn những Công Phượng, Tuấn Anh, Hồng Duy, Văn Thanh, Văn Toàn, Xuân Trường.
Môi trường các ĐTQG cần phải luôn tạo được sự cạnh tranh công bằng, động lực để bất cứ cầu thủ nào có năng lực chuyên môn, giàu khát khao cống hiến đều được gọi lên các đội tuyển. Không thể vì “quân anh, quân tôi”, cầu thủ đã thành danh, mà ưu ái gọi lên đội tuyển.
Trong bối cảnh ông Park gần như “bất khả xâm phạm”, tiếng nói của bầu Hiển là rất đáng lưu tâm.
Sau thất bại AFF Cup 2021, VFF bị áp lực thành tích đè rất nặng, nhất là Đại hội nhiệm kỳ sẽ diễn ra vào cuối năm nay. Nhưng vì thế mà sự chuẩn bị cho các ĐTQG quá dài hơi, nhiều khi chỉ cho một giải đấu tầm khu vực Đông Nam Á như SEA Games, mà hy sinh nhiều quyền lợi của CLB, là chưa hợp lý.
Sau những chiến tích đạt được, người hâm mộ rất mong muốn bóng đá Việt Nam duy trì và vượt giới hạn, nhất là giải chuyên nghiệp. Trách nhiệm đó không thể đặt hết lên vai HLV Park Hang Seo, hay sự hy sinh của các CLB.
Ngọc Trinh