Ủng hộ và băn khoăn xung quanh quy định 'cởi trói' các cuộc thi sắc đẹp
(Thethaovanhoa.vn) - Những điểm mới trong Nghị định 144 về Nghệ thuật biểu diễn vừa mới ban hành đang khiến nhiều người quan tâm, đặc biệt là các quy định được cho là "cởi trói" các cuộc thi nhan sắc..
Cụ thể, với các cuộc thi sắc đẹp trong nước, Nghị định 144 nêu rõ:
"Điều 14. Hình thức tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu
1. Cuộc thi dành cho tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nội bộ của cơ quan và tổ chức, thực hiện thông báo theo quy định tại Điều 15 Nghị định này.
2. Cuộc thi khác không thuộc hình thức quy định tại khoản 1 Điều này, thực hiện quy định tại Điều 16 Nghị định này.
3. Cuộc thi không trực tiếp trước công chúng được đăng tải trên hệ thống phát thanh, truyền hình và môi trường mạng do người đăng, phát chịu trách nhiệm.
Một điểm mới quan trọng là Nghị định bỏ khái niệm "cấp phép" và thay bằng việc "thông báo" với cơ quan chức năng.
Điều 15 ghi rõ thủ tục này:
"Thông báo tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu
1. Cơ quan, tổ chức thực hiện hoạt động quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định này thông báo tới Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi tổ chức cuộc thi trước khi tổ chức. Người đứng đầu chịu trách nhiệm thực hiện theo kế hoạch đã phê duyệt.
2. Trình tự tiếp nhận thông báo:
Cơ quan, tổ chức gửi thông báo bằng văn bản (theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này) trực tiếp; qua bưu chính hoặc trực tuyến tới cơ quan tiếp nhận thông báo ít nhất 10 ngày làm việc trước ngày dự kiến tổ chức cuộc thi".
Xung quanh những quy định mới này, nhà thơ - nhà báo Dương Xuân Nam - “cha đẻ” của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam cho rằng: "Chủ trương thông thoáng về quản lý là điều tốt, chắc sẽ được dư luận đồng tình".
Tuy nhiên, ông Dương Xuân Nam cho rằng: "Việc Bộ VH,TT&DL giao cho các địa phương cấp phép cho tất cả các cuộc thi sắc đẹp là chưa đúng. Nếu cuộc thi mang tính quốc gia thì Bộ phải cấp phép. Nếu cấp tỉnh, thành, ngành, thì địa phương hay ngành cấp phép. Nếu không thì bỏ hẳn việc cấp phép chỉ đăng ký với bộ hay địa phương. Nhưng Bộ phải có hậu kiểm nghiêm ngặt sau cuộc thi và xử phạt nghiêm minh. Như vậy mới không xảy ra "loạn" các cuộc thi sắc đẹp, hay bị thương mại hóa...".
Trong khi đó, quy định "mở" về việc cử người đẹp dự thi quốc tế cũng đang được dư luận quan tâm. Cụ thể, theo Điều 19 của Nghị định 144/2020/NĐ-CP: “Điều kiện đối với cá nhân Việt Nam ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu” chỉ yêu cầu: 1. Có giấy mời của tổ chức, cá nhân tổ chức cuộc thi; 2. Không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự; 3. Không trong thời gian bị đình chỉ hoạt động biểu diễn nghệ thuật theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Về thủ tục, cá nhân muốn ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu sẽ phải đề nghị cơ quan chuyên môn về văn hóa thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi cá nhân cư trú cấp văn bản xác nhận dự thi người đẹp, người mẫu ở nước ngoài.
Ngoài ra, Nghị định 144/2020/NĐ-CP cũng không có quy định cấm thí sinh thi sắc đẹp phẫu thuật thẩm mỹ.
- Hoạt động nghệ thuật biểu diễn 'nhiều trái ngọt nhưng không thiếu trái đắng'
- Bất cập trong xử lý vi phạm quyền tác giả trong nghệ thuật biểu diễn
- Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn: tranh luận gay gắt về phân cấp quản lý cấp phép cho địa phương
Chia sẻ với PV báo Thể thao & Văn hóa "bà trùm hoa hậu" Nguyễn Thị Thúy Nga - TGĐ Elite Việt Nam rất ủng hộ những điểm mới trong nghị định này.
"Cá nhân tôi rất ủng hộ việc bỏ quy định số lượng cuộc thi trong năm. Bởi việc tổ chức một cuộc thi sắc đẹp phụ thuộc vào năng lực tổ chức của công ty. Nếu họ thật sự có tiềm năng tài chính, đủ năng lực để tổ chức cuộc thi có chất lượng, có uy tín, thu hút được thí sinh có chất lượng, thu hút khán giả, truyền thông thì cứ để những công ty đó tổ chức cuộc thi.
Việc không giới hạn số lượng cuộc thi sẽ để các công ty tổ chức phải nâng cao năng lực cạnh tranh, đó là xu hướng tất yếu của thị trường. Nếu sản phẩm tốt sẽ ngày càng phát triển, và nếu cuộc thi không có uy tín, chất lượng sẽ bị khán giả, nhãn hàng tẩy chay và tự đào thải. Tổ chức các cuộc thi nhan sắc cũng giống như nhiều sản phẩm giải trí khác trên thị trường, sẽ có cạnh tranh, đào thải, vì vậy chúng ta ko cần lo việc loạn Hoa hậu" - bà Thúy Nga cho biết.
"Về việc đưa cấp phép các cuộc thi về UBND tỉnh cũng là một bước tiến rất cởi mở cho các công ty tổ chức biểu diễn. Việc chấp thuận của UBND tỉnh sẽ giúp các doanh tổ chức rút ngắn thời gian xin cấp phép, chủ động hơn trong công việc. Tôi cũng mong Bộ sẽ có những chỉ dẫn cụ thể chi tiết hơn cho các dịch vụ tổ chức" - bà Nga chia sẻ.
Về việc bỏ cấp phép người đẹp thi quốc tế, bà Thúy Nga cho hay: "Tôi đã nhiều lần có ý kiến đóng góp về vấn để này, bởi chính bản thân BTC các cuộc thi Hoa hậu lớn trên thế giới cũng kiểm soát chất lượng thí sinh rất chặt chẽ. Ví dụ như Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ chỉ đồng ý tiếp nhận thí sinh là giải Nhất hoặc trong top 3 của cuộc thi quốc gia.
Các cuộc thi uy tín khác như: Hoa hậu Quốc tế, Hoa hậu Hòa bình Quốc tế, Hoa hậu Siêu quốc gia... cũng đưa ra những tiêu chí khắt khe đối với thí sinh tham dự. Như vậy họ đã làm thay cơ quan quản lý việc kiểm soát chất lượng thí sinh đại diện quốc gia tham gia cuộc thi. Những cuộc thi không uy tín, không chặt chẽ với danh hiệu thí sinh thì bản thân những cuộc thi đó cũng không gây được ảnh hưởng trong xã hội, khán giả, truyền thông cũng không biết đến. Giống như bất kể sản phẩm nào trên thị trường chúng ta cũng phải chấp nhận sản phẩm với nhiều loại chất lượng khác nhau, khán giả, người tiêu dùng tự quyết định việc sử dụng sản phẩm nào tuỳ vào thị hiếu của họ".
Về việc không cấm phẫu thuật thẩm mỹ, bà Thúy Nga cho rằng: "Vấn đề này thực sự rất nhạy cảm và khó khăn cho cơ quan quản lý. Bởi nếu cấm phẫu thuật thẩm mỹ thì sẽ có một số trường hợp bị thiệt thòi vì chỉ nhấn nhá một chút trên khuôn mặt như nhấn mí, niềng răng... nhưng quy định là quy định nên vẫn phải chấp hành. Còn nếu không cấm thì BGK sẽ phải là những người có chuyên môn trong lĩnh vực này, và thực sự có tâm để chấm điểm một cách nghiêm túc"
"Trên thế giới, những cuộc thi lớn như Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ... đều không cấm phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng BGK đều có luật ngầm là những thí sinh đã chỉnh sửa nhiều, thay đổi hẳn sắc vóc thì sẽ gần như không có cơ hội vào Top cao, trừ khi thực sự rất xuất sắc. Và trên thực tế, tôi chưa thấy thí sinh nào vào Top 3 hay đăng quang mà phẫu thuật thẩm mỹ nhiều, làm thay đổi hẳn nhan sắc" - bà Thúy Nga nói thêm.
Hoài An