Ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực văn hóa – một số thách thức lớn
(Thethaovanhoa.vn) - Hiện nay ở nước ta, ngành văn hóa chủ yếu thừa hưởng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư dưới dạng nghiên cứu các công nghệ mới để ứng dụng và tiếp nhận chuyển giao công nghệ của bên sở hữu hoặc bên có quyền chuyển giao công nghệ.
Việc nghiên cứu các công nghệ mới (là công nghệ lần đầu tiên được tạo ra hoặc ứng dụng tại Việt Nam hoặc trên thế giới, có trình độ cao hơn trình độ công nghệ cùng loại hiện có tại Việt Nam, thân thiện với môi trường, có tính ứng dụng trong thực tiễn và khả năng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm) cũng khó diễn ra đối với ngành văn hóa vì đây không phải là thế mạnh để ngành có thể đi tiên phong.
Do vậy, ứng dụng công nghệ trong hoạt động văn hóa nói chung và trong công tác quản lý, cung cấp dịch vụ văn hóa, nghệ thuật đến nhân dân nói riêng, ngành văn hóa chủ yếu ở mức ứng dụng và nghiên cứu ứng dụng. Tuy nhiên với hiện trạng về nguồn nhân lực, hạ tầng công nghệ của ngành và nguồn tài chính thì việc ứng dụng có hiệu quả thành tựu công nghệ đối với ngành văn hóa cũng là điều đáng suy ngẫm. Một số câu hỏi đầu tiên cần được trả lời đó là: “Chuyến tàu 4.0” đã và đang đến, chúng ta cần hiểu được chúng ta đang cần gì? Chúng ta đang ở đâu, “hành trang” để bước lên “tàu” có những gì? Từ đó xác định việc ứng dụng công nghệ đối với ngành văn hóa ở giai đoạn này sẽ ở mức độ nào?
Trả lời được các câu hỏi trên cũng là một dịp để ngành văn hóa nhìn lại những thách thức chính để các nhà quản lý từng lĩnh vực trong ngành văn hóa có thể xác định được “bước đi” và đo lường hiệu quả ứng dụng công nghệ của chính mình. Trước tiên, cần nhìn nhận một số thách thức như sau:
1. Tư duy để nhận biết và ứng dụng công nghệ mới
Việc phát hiện các công nghệ là thành tựu của CMCN lần thứ tư và ảnh hưởng của nó đến các ngành, lĩnh vực cần phải được nghiêm túc nghiên cứu. Phần lớn các nhà quản lý chuyên ngành chưa thực sự hiểu rõ và cập nhật các công nghệ mới, xu thế phát triển công nghệ đó tác động (tích cực, tiêu cực) và mạng lại cơ hội thách thức gì đối với chính ngành nghề của mình. Đây là một rào cản khá lớn mang tầm chiến lược nếu nhà quản lý đó có vai trò quyết định đến chính sách để ứng dụng công nghệ nhằm tạo động lực để ngành/lĩnh vực đó phát triển hiệu quả, phù hợp với xu thế công nghệ của CMCN lần thứ tư.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển (Quyết định số 13/2017/QĐ-TTg ngày 28.4.2017, Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg ngày 25.11.2014). Các công nghệ nền tảng này không phải do Việt Nam nghiên cứu - sản xuất vì vậy việc chủ động trong điều chỉnh, nâng cấp công nghệ là điều rất khó xảy ra. Trong lĩnh vực văn hóa, hầu hết các công nghệ là thành tựu của CMCN lần thứ tư khi được ứng dụng vẫn chỉ ở mức hỗ trợ để giải quyết một vấn đề nào đó trong công tác quản lý hay chỉ là các ứng dụng rất cơ bản.
Ngoài ra, nhân lực chất lượng cao hoạt động trong lĩnh vực văn hóa về cơ bản là vừa thiếu và yếu. Nhân lực là chủ thể quan trọng trong ứng dụng thành tựu của cuộc CMCN lần thứ tư. Tuy nhiên, xuất phát từ đặc điểm ngành nghề, hầu hết nhân lực làm công tác văn hóa chưa được trang bị nhiều kiến thức về khoa học, công nghệ đặc biệt là công nghệ cao, thành tựu mới về công nghệ.
2. Cơ sở vật chất cho hoạt động ứng dụng công nghệ
Theo báo cáo năm 2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay trên cả nước, Hệ thống thiết chế văn hóa sơ sở (Trung tâm văn hóa, Nhà triển lãm) gồm: 69 Trung tâm văn hoá, Nhà triển lãm cấp tỉnh; 613/713 quận, huyện có Trung tâm Văn hoá-Thể thao hoặc Nhà Văn hoá, 5.996/10.230 xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hoá-Thể thao; 66.513/109.727 thôn, bản, buôn, làng có Nhà Văn hoá; Có 156 bảo tàng (124 bảo tàng công lập và 32 bảo tàng ngoài công lập);
Có 18.097 thư viện, phòng đọc, tủ sách cơ sở. Trong đó, có: 01 Thư viện Quốc gia, 63 thư viện tỉnh, thành phố, 663/713 quận, 2.716/11.164 cấp xã có tổ chức thư viện Thư viện tư nhân: 48 thư viện. Thư viện chuyên ngành có gần 400 thư viện các trường đại học hoặc tương đương; thư viện các trường phổ thông các cấp khoảng 26.000 thư viện;
Khoảng 78 nhà hát và công trình có chức năng tương đương đang hoạt động với tổng số khoảng 58.500 ghế, trong đó có 12 nhà hát trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trung bình có 1,17 nhà hát/01 tỉnh, thành; 1,3 triệu dân/01 nhà hát và 6,15 ghế/10.000 dân;
Cả nước có 141 rạp chiếu phim (trong đó có 68 rạp của Nhà nước, 68 rạp của tư nhân và 5 rạp đã ngừng hoạt động) nhưng phân bố giữa các vùng chênh lệch; 13 tỉnh chưa có rạp chiếu phim, các khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu đô thị và các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa có quy hoạch địa điểm xây dựng các rạp chiếu bóng.
Trước xu thế phát triển của khoa học công nghệ, nhu cầu ứng dụng công nghệ ở các thiết chế văn hóa là rất lớn đòi hỏi sự quan tâm và đầu tư kinh phí rất lớn của trung ương và địa phương. Trong xu thế đó, một số thiết chế văn hóa như rạp chiếu phim hiện đại, thư viện điện tử, bảo tàng ảo... của tư nhân đã và đang phát triển mạnh.
Trước yêu cầu đổi mới hoạt động cung cấp dịch vụ văn hóa của các đơn vị sự nghiệp công lập trong tình hình mới, tháng 4 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2021, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 429/QĐ-TTg ngày 18 tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ). Đây là một dịp để tinh gọn bộ máy, đổi mới hoạt động đồng thời có kế hoạch đầu tư hạ tầng và ứng dụng công nghệ nhằm phát huy hiệu quả cung cấp dịch vụ văn hóa đến nhân dân trong xu thế phát triển của CMCN lần thứ 4.
3. Nguồn lực tài chính
Hiện nay, ứng dụng khoa học, công nghệ (chủ yếu chỉ dành mua sắm thiết bị công nghệ thông tin) vẫn sử dụng nguồn chi thường xuyên với tỉ trọng khoảng dưới 4% kinh phí (tùy thuộc cân đối) của các cơ quan, đơn vị. Hiện chưa có mục lục chi ngân sách riêng cho các hoạt động ứng dụng công nghệ cao là thành tựu của cuộc CMCN lần thứ tư. Trong xu thế phát triển như vũ bão của công nghệ, với nguồn lực tài chính ít ỏi này chưa đủ đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin (đây mới chỉ là một phần nhỏ của thành tựu cuộc CMCN lần thứ tư). Vì vậy, việc ứng dụng các công nghệ có liên quan trong quá trình phát triển ngành, lĩnh vực sẽ rất khó khăn nếu không có sự quan tâm, dành nguồn lực tài chính một cách phù hợp.
Đầu tư kinh phí cho ứng dụng công nghệ là một bài toán khó trong xu thế phát triển, cập nhật liên tục các công nghệ mới và các phiên bản công nghệ của nó. Nhà nước cần đầu tư các nền tảng công nghệ lõi mang tính xương sống, nền tảng để doanh nghiệp, xã hội có thể thừa kế phát triển. Nhà nước cần ban hành chính sách đa dạng hóa nguồn vốn, tạo điều kiện xã hội hóa và huy động nguồn lực tài chính ở trong và ngoài nước tham gia vào hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ lĩnh vực văn hóa tại Việt Nam.
Dương Toán/Báo Văn hóa