Ứng dụng ChatGPT: Cơ hội và thách thức
Đó là chủ đề tọa đàm do Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng các đơn vị tổ chức sáng 1/3.
Sở Thông tin và Truyền thông đã "đặt hàng" các chuyên gia, doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), nhất là ChatGPT trong công tác quản lý nhà nước và phục vụ người dân.
Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông định hướng một số nội dung để các chuyên gia, doanh nghiệp nghiên cứu, đó là ứng dụng ChatGPT trong việc hỗ trợ Thành phố nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Cụ thể, ứng dụng ChatGPT về phục vụ dịch vụ công trực tuyến; trả lời tiến độ thực hiện thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; ứng dụng ChatGPT vào Tổng đài 1022 nhằm ghi nhận và trả lời kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
Thành phố cũng “đặt hàng”các chuyên gia nghiên cứu ứng dụng ChatGPT trong hỗ trợ cho lãnh đạo Thành phố như hệ thống trợ lý ảo; đăng ký và kiểm tra lịch làm việc qua ChatGPT; tóm tắt hồ sơ, tài liệu qua ChatGPT; các nội dung liên quan việc hỗ trợ công việc... Cùng với đó, xem xét ứng dụng ChatGPT nhằm xây dựng hệ thống trợ lý học tập cho các cấp học; đề xuất cơ chế bảo mật thông tin, quản lý dữ liệu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng ChatGPT…
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết, ChatGPT có điểm mạnh và sự hấp dẫn nhất định, do đó phải tổ chức nghiên cứu, ứng dụng ChatGPT cũng như các ứng dụng trí tuệ nhân tạo khác để phục vụ người dân và công tác quản lý, điều hành.
Theo ông Dương Anh Đức, các sở, ngành cần tạo cơ hội để các chuyên gia, doanh nghiệp cùng Thành phố nghiên cứu, khai thác ứng dụng hiệu quả AI, cụ thể hóa thành những ứng dụng cho từng lĩnh vực. Thành phố mong muốn có thể đưa vào sớm nhất các ứng dụng liên quan đến AI để cải thiện bộ máy hành chính, phục vụ tốt cho người dân.
Tại tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Điền, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ học tính toán, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đã giới thiệu một số nội dung liên quan đến ChatGPT. Trong đó, nhiều nội dung ChatGPT cung cấp tốt như biểu mẫu hồ sơ, tuy nhiên một số nội dung lại trả lời sai những vấn đề mang tính đặc thù. “Hiểu rõ hơn về ChatGPT để tận dụng cơ hội của ứng dụng và phải học hỏi nhiều hơn để làm chủ được nó”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đinh Điền đánh giá, đồng thời đề xuất trong tương lai cần tự nghiên cứu ứng dụng sản phẩm tương tự cho các bài toán đặc thù của Việt Nam.
Trong khi đó, Tiến sĩ Võ Văn Khang, Phó Chủ tịch Chi hội An toàn thông tin phía Nam chia sẻ, cần đánh giá một cách nghiêm túc về khả năng sử dụng GPT và các công cụ AI tương lai cho các kho dữ liệu quốc gia và doanh nghiệp để phục vụ người dân. Trong hệ sinh thái AI cần có ứng dụng làm sạch, masking data (bảo vệ dữ liệu nhạy cảm), tái kiểm định chất lượng và tính chính xác của các sản phẩm được tạo ra bởi robot. Cần có kế hoạch rõ ràng về việc nâng cao nhận thức về AI để tránh hoang mang và ngộ nhận, cũng như định hướng đạo đức về phát triển AI. Đầu tư nghiêm túc phát triển nghiên cứu khoa học về Big Data và AI tại Việt Nam.
Tọa đàm là diễn đàn để các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu, nhà khoa học thảo luận và chia sẻ quan điểm về ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo (AI) đến công tác quản lý nhà nước, phục vụ người dân; tăng cường sự hợp tác nhằm tìm ra các giải pháp và xây dựng kế hoạch tương lai trong việc sử dụng và ứng dụng AI. Đây là một trong các giải pháp nhằm tiếp tục triển khai Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030”.