Uể oải, mệt mỏi sau kỳ nghỉ lễ: Bác sĩ phân tích nguyên nhân
Theo chuyên gia y tế, sau kỳ nghỉ dài, nhiều người rơi vào tình trạng mỏi mệt, buồn chán, cô đơn thiếu động lực làm việc.
Ngọc Hân (28 tuổi) quay lại Thủ đô để làm việc sau 5 ngày nghỉ lễ dài hơi. Ngày đầu tiên bắt đầu lại công việc, cô đã ngáp ngắn, ngáp dài cùng với tâm trạng mệt mỏi, uể oải thiếu sức sống. Đến hiện tại, tình trạng ấy vẫn chưa thuyên giảm đi. Cô chỉ mong được đến cuối tuần để được ngủ thỏa thích.
Không riêng gì Ngọc Hân, các đồng nghiệp của cô cũng gặp tình trạng tương tự. Nhiều người còn tâm sự rằng họ cảm thấy hụt hẫng khi phải quay trở lại công việc.
Theo BS Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng), sau kỳ nghỉ dài nhiều người rơi vào tình trạng mỏi mệt, buồn chán, cô đơn, thiếu động lực làm việc. Đây là hiện tượng khá phổ biến, các nhà khoa học gọi là post – holiday blue hoặc social jetlag (tụt hậu xã hội).
Lý do đầu tiên gây ra hiện tượng này có thể đến từ sự mỏi mệt sau chuyến đi dài, tình trạng quá tải ở các bến xe, nhà ga sân bay hoặc cũng có thể là do khi trở lại đô thị bạn phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn.
Lý do thứ hai là khi bạn đi du lịch trong kỳ nghỉ, nhịp sinh học bị thay đổi, bạn thức khuya ngủ nhiều nên khi bạn trở lại nhịp sống bình thường, cơ thể chưa kịp thích nghi.
Nguyên nhân thứ ba là khi bạn đi du lịch trong kỳ nghỉ lượng dopamin và serotonin tăng lên nhưng khi về nhà và quay trở lại nhịp sống bình thường, các hormone này giảm xuống khiến cho bạn cảm thấy buồn bã, thiếu động lực làm việc.
Nguyên do thứ tư có thể đến từ việc lạm dụng bia rượu khiến chức năng gan, thận quá tải, chức năng thải độc không hiệu quả.
Chính vì thế để giải quyết tình trạng trên, BS Hoàng đưa ra lời khuyên như sau:
- Mọi người nên trở về nơi mình đang sống và làm việc sớm, dành ra 1 ngày để nghỉ ngơi trước khi chính thức quay trở lại công việc.
- Nên ngủ sớm, dậy sớm tăng cường ăn rau xanh hạn chế dầu mỡ và các chất kích thích.
- Nên tập thể dục, việc tăng cường vận động nhẹ nhàng giúp cơ thể đỡ căng thẳng, đỡ mỏi mệt. Đồng thời tăng quá trình trao đổi chất và thải độc.
- Nên hạn chế sử dụng mạng xã hội cũng như các thiết bị điện tử. Thay vào đó, mọi người nên ra ngoài tiếp xúc với mọi người, vẽ tranh, nghe nhạc…
- Tăng lượng dopamin bằng cách đề ra kế hoạch vừa phải, dễ thực hiện (kế hoạch giảm cân, kế hoạch kiếm tiền,…).
"Nếu tình trạng mệt mỏi kéo dài hơn 2 tuần, bạn cần đi khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời", BS Hoàng lưu ý.