U23 Việt Nam: Vui trước, lo sau
Dù có 2 chiến thắng và giành vé sớm vào tứ kết, thì sự đón nhận của dư luận đối với chiến tích của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn vẫn dè dặt. Không hẳn vì U23 Việt Nam chỉ thắng các đối thủ yếu hơn mình, mà cái chính là chúng ta nhìn nhận rõ hơn về năng lực của lứa cầu thủ hiện tại nên sự vui mừng cũng có phần vừa phải.
Cho đến thời điểm này, màn trình diễn hay nhất tại một VCK U23 châu Á là ở năm 2022. Đội bóng khi đó do HLV Gong Oh Kyun dẫn dắt rơi vào bảng đấu rất khó, nhưng vẫn vào tứ kết sau 2 trận hòa trước Hàn Quốc và Thái Lan.
Không chỉ chia điểm với 2 đối thủ này ở thời điểm mà họ đều chưa có suất đi tiếp, mà còn ở cách chơi bóng hết sức chủ động của U23 Việt Nam. Cũng từ màn trình diễn đó, không ít người tin rằng cầu thủ Việt Nam có thể chơi kiểm soát bóng thay vì phòng thủ phản công như các đội bóng do ông Park Hang Seo quản lý.
Dù vẫn còn đến 7 cầu thủ của 2 năm trước, nhưng diện mạo của U23 Việt Nam lần này khác hẳn. Chúng ta thắng Kuwait và Malaysia chủ yếu là nhờ tận dụng tốt cơ hội và không bị đối thủ trừng phạt các sai sót trong phòng ngự. Ngoài ra, HLV Hoàng Anh Tuấn phát huy tốt điểm mạnh của mình trong việc đọc tình huống để thay người, điều mà người tiền nhiệm Philippe Troussier hầu như không thể hiện được suốt một năm cầm quân trước đó.
Một đội bóng, 3 HLV và những kết quả khác nhau, nhưng tựu trung có một điều mà chúng ta có thể đồng thuận với nhau: Trình độ của bóng đá Việt Nam vẫn còn hạn chế. Những cầu thủ của chúng ta có thể chơi tốt, hoặc giành được các chiến thắng quan trọng khi cởi bỏ được áp lực tâm lý chứ không hẳn vì sự tiến bộ cụ thể về khía cạnh chuyên môn.
Cứ lấy trường hợp của Khuất Văn Khang, người trưởng thành từ hồi còn 19 tuổi, cũng có những "ngón nghề" đặc sắc như các quả thuận chân hay đá phạt cầu vồng hóc hiểm.
Vấn đề là sự nổi bật của Văn Khang cũng chỉ là so với những cầu thủ cùng thế hệ, hoàn toàn chưa đạt đến đẳng cấp để chiếm một vị trí chính thức theo kiểu không thể thay thế trên đội tuyển quốc gia dù anh cũng đã gần 23 tuổi.
Tất nhiên là không đơn giản để có thế hệ này sẽ tốt hơn thế hệ trước một cách liên tục, và đó chính là điều đáng để suy nghĩ. Chúng ta căn cứ vào đâu để thiết lập lộ trình đoạt vé dự World Cup khi mà sự tiếp nối giữa các thế hệ luôn có nguy cơ bị đứt gãy hoặc trì hoãn tốc độ.
Trước Covid-19, đã từng có chương trình dành cho lứa U15 với các chuyến tập huấn đều đặn ở Đức. Trước đó nữa, có dự án World Cup dành cho lứa U17 được cho là Vingroup bảo trợ. Những kế hoạch như vậy tự nhiên một ngày bỗng… biến mất và chẳng ai biết vì sao, trong khi đó tham vọng World Cup thì lại được thu ngắn thời gian.
Nhìn ở góc độ tích cực, thì màn trình diễn của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn tại Qatar giống như một cơn mưa mát lành cho những ngày nắng nóng, khô hạn của bóng đá Việt Nam hiện tại.
Đây là đội U23 mà từ quân đến tướng toàn "của nhà trồng được", qua đó cũng thấy là nếu đừng quá khắt khe thì trình độ của bóng đá Việt Nam dù có sa sút nhưng vẫn đang ở tốp đầu Đông Nam Á.
Nhưng cũng trong những ngày mát lành này, thì U23 Indonesia lại cho thấy họ đang trên đường tiến chiếm vị trí cạnh tranh ngôi đầu khu vực của Việt Nam, thiết lập một quyền lực mới ở khu vực vẫn bị xem là vùng trũng của bóng đá thế giới.
Đó mới chính là thứ đáng lo. Sự phát triển của bóng đá Indonesia không quá nhanh, họ đã phải sử dụng tối đa các phương pháp thực dụng và tốn kém nhất như thuê HLV Shin Tae Yong hay nhập tịch cầu thủ, để rồi có những kết quả khá rõ ràng ở Asian Cup, hay VCK U23 châu Á này. Tính ra thì Indonesia cũng đã mất gần 4 năm để có vị thế như hiện tại cho dù họ cũng chưa tạo ra được chiến tích tầm cỡ nào. Quyết liệt như thế nhưng cho đến thời điểm này, Indonesia cũng chỉ mới lấp vào khoảng trống quyền lực mà bóng đá Việt Nam để lại ở khu vực. Điều đó cho thấy cái giá phải trả cho thành công lớn đến thế nào.
Câu hỏi đặt ra cho bóng đá Việt Nam là chúng ta đã đầu tư những gì trong 4 năm qua, kể từ thời điểm thăng hoa nhất của nền bóng đá? Có lẽ câu trả lời nằm ở những gì mà U23 Việt Nam đang thể hiện, có vui nhưng không nhiều.