U23 Việt Nam và phong cách Hoàng Anh Tuấn
Đúng với tuyên bố của HLV Hoàng Anh Tuấn trước giải vô địch U23 Đông Nam Á, ở trận ra quân với U23 Lào vào ngày 20/8 vừa qua, U23 Việt Nam đã chơi tấn công, áp đặt, kiểm soát bóng nhằm mở rộng phạm vi tìm kiếm, đồng bộ lối chơi với ĐTQG. Sơ đồ 3-4-3 được vận hành với bộ 3 trung vệ Nguyên Hoàng, Mạnh Hưng, Duy Cương.
Bộ tứ tiền vệ phía trên gồm Bá Đạt, Minh Khoa, Minh Quang, Văn Khang. Bộ 3 Quốc Việt, Văn Trường, Đình Duy lĩnh xướng hàng công. Cấu trúc và cách vận hành sơ đồ này không khác biệt quá nhiều so với "mô hình mẫu" tại đội tuyển Việt Nam, khi các cầu thủ kéo bóng theo chiều ngang sân nhiều, chuyền nhỏ, ngắn, sệt.
Dẫu vậy, U23 Việt Nam vẫn có những miếng đánh rất riêng và khác so với bài vở mà HLV Philippe Troussier áp dụng. Cụ thể, Minh Quang và Đình Duy thường hoán đổi vị trí cho nhau. Bên cánh đối diện, Văn Khang, Quốc Việt cũng làm điều tương tự. Bộ đôi tiền vệ, tiền đạo thay nhau lùi xuống hỗ trợ triển khai bóng.
U23 Việt Nam còn thường xuyên triển khai bóng theo trục dọc bằng những đường chuyền xuyên tuyến cho tiền đạo cánh mở tốc băng lên tạt bóng, căng ngang vào bên trong. Pha bóng mà tiền đạo Quốc Việt đánh đầu ở đầu hiệp 1 là ví dụ điển hình nhất cho cách chơi này.
Sở dĩ nói đây là những khác biệt bởi dưới sự dẫn dắt của HLV Troussier, U23 Việt Nam rất ít khi đẩy bóng dọc trung lộ và căng ngang vào trong. Ông thầy người Pháp thường yêu cầu các trung vệ và tiền vệ lệch căng ngang bóng vào trong. Bóng sau khi xuống đáy biên thường là những quả trả ngược về trước vòng 16m50 thay vì căng ngang.
Các tiền đạo, tiền vệ cánh dưới sự dẫn dắt của HLV Troussier thường có xu hướng đá bó vào trong, đâm vào nách trung vệ rồi tung ra đường chuyền hoặc dứt điểm ngay. Còn những gì mà U23 Việt Nam đang thể hiện có thể sẽ là những gợi mở đặc biệt để ông thầy người Pháp có thêm miếng đánh trong thời gian tới.
Ở trận đấu gặp U23 Lào, ngoài lối chơi tấn công, HLV Hoàng Anh Tuấn cũng trình làng dàn cầu thủ mới đầy chất lượng. Những Lê Nguyên Hoàng, Nguyễn Mạnh Hưng, nguyễn Minh Quang, Thái Bá Đạt, Phạm Đình Duy chơi rất chững chạc, ngày càng điềm tĩnh hơn, tạo ra khác biệt lớn với đối thủ.
Các cầu thủ vào sân thay người như Xuân Tiến, Phi Hoàng, Đức Việt… đều trình diễn tương đối tốt. Có thể nói, việc chạm trán đối thủ vừa sức như U23 Lào là cơ hội rất tốt để ông Hoàng Anh Tuấn tổng duyệt, định hình rõ ràng lối chơi cho U23 Việt Nam.
Tuy nhiên, không phải mọi thứ của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn đều thực sự hoàn hảo. U23 Việt Nam mắc rất nhiều sai lầm, triển khai bóng không tốt trong giai đoạn hiệp 1 trận đấu. Khoảng trống ở phần nách giữa trung vệ lệch và tiền vệ bị U23 Lào thường xuyên khai thác.
Thủ thành Quan Văn Chuẩn không ít lần phải trổ tài cứu thua từ những tình huống U23 Lào xuống biên, đâm vào nách trung vệ và dứt điểm. Không chỉ có vậy, khoảng trống giữa tuyến tiền vệ và hậu vệ là tương đối lớn. Cự ly đội hình mà U23 Việt Nam triển khai ở nhiều thời điểm không hợp lý và bị tập trung quá dày tại khu vực giữa sân.
Điểm yếu về chống bóng bổng vẫn chưa được khắc phục. Trong tình huống thủ thành Quan Văn Chuẩn băng ra và mắc lỗi dẫn tới bàn gỡ cho U23 Lào, hàng hậu vệ đã phối hợp chưa tốt. Hai cầu thủ tham gia kèm người không hỗ trợ để tạo được sự thoải mái cho Văn Chuẩn băng ra cản phá bóng. Nguyên nhân dẫn tới bàn thua một phần còn đến từ nhận định, cảm giác bóng không tốt của thủ môn biên chế CLB Hà Nội.
U23 Việt Nam chỉ thực sự tạo ra khác biệt vào hiệp 2 khi nền tảng thể lực của U23 Lào sụt giảm nghiêm trọng. Đội bóng của HLV Gugiermo Arena bị cuốn vào cuộc chơi đôi công, đua thể lực dẫn tới xuống sức nhanh chóng.
HLV Hoàng Anh Tuấn và các học trò vẫn còn rất nhiều việc phải làm trong thời gian tới. Nhưng dấu hiệu khởi sắc là có. U23 Việt Nam đang có luồng sinh khí từ những cầu thủ khát khao chứng tỏ, mong muốn được thi đấu nhiều để hoàn thiện bản thân.