U23 Việt Nam và 'bài kiểm tra' thú vị
HLV Hoàng Anh Tuấn là nhà cầm quân nội đầu tiên trong lịch sử dẫn dắt đội U23 chinh chiến tại đấu trường châu Á, còn đội U23 hiện tại bị đánh giá là kém nhất tính từ năm 2015 đến nay. Sự kết hợp này dễ dẫn đến một cái nhìn không mấy hy vọng về thành tích tại U23 châu Á năm nay, nhưng ở một góc độ khác, đó là bài kiểm tra về khả năng "chịu tải" của nền bóng đá.
Câu chuyện về HLV Troussier có lẽ đã khép lại và thời gian có lẽ cũng đủ để những nhà chuyên môn và cả người hâm mộ nhìn nhận một sự thật: Dù là ai cầm quân và đội tuyển Việt Nam có lọt vào vòng 3, thì với năng lực hiện tại, việc giành vé đến World Cup gần như không thể xảy ra ở thời điểm này, thậm chí là cả kỳ World Cup 2030. HLV Troussier thất bại đơn giản vì ông cố làm một điều gần như không thể với sự lạc quan ở mức cao nhất.
Thế nên, gạt bỏ vị trí của ông Troussier cũng như yếu tố lạc quan, thì cái chúng ta còn lại chính là đội tuyển U23 dưới tay HLV Hoàng Anh Tuấn. Có thể đội ngũ này không tốt, không khiến ai cảm thấy kỳ vọng, nhưng đó là thực tế không thể né tránh được.
Rõ ràng, thời điểm cuối năm 2017, khi HLV Park Hang Seo vừa đến và bắt tay vào làm với đội U23, thì khi đó chúng ta biết rất rõ là trong tay nhà cầm quân người Hàn Quốc có những chất liệu rất tốt.
Lứa U19 của các năm 2014 và 2016 vốn dĩ đã khiến cho bầu không khí bóng đá sôi động khắp Việt Nam. Thậm chí khi U22 bị loại ở vòng bảng SEA Games 2017 thì dư luận đã gây sức ép buộc HLV Nguyễn Hữu Thắng phải từ chức chỉ vì người ta tin rằng, với đội ngũ đó thì cần đạt kết quả tốt hơn thế.
VCK U23 châu Á sắp diễn ra sẽ là lăng kính chân thật nhất để bóng đá Việt Nam đánh giá lại triển vọng và các mục tiêu phù hợp. Tính từ năm 2015, chúng ta đã 4 lần giành quyền, đều thông qua thi đấu vòng loại. Trong đó có 2 lần bị loại ngay vòng bảng, 2 lần đi tiếp bao gồm kỳ tích tại Thường Châu 2018.
Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ, thì sẽ thấy ở 2 lần vượt qua vòng bảng đều rơi vào các năm không được tính tranh vé dự Olympic (2018, 2022). Nghĩa là khi các đội đều gửi tuyển U23 "xịn" của họ đến dự giải, đặt mục tiêu phải giành vé đi Olympic, thì có sự khác biệt về trình độ, tương đồng với cấp độ đội tuyển quốc gia.
Đó là lý do để nói rằng đợt ra quân này của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn là một bài kiểm tra thú vị. Qua đó cũng phần nào cho chúng ta biết vấn đề hiện nay là của chiếc ghế HLV hay là của nền bóng đá.
Hãy nhìn vài bảng xếp hạng của vòng loại World Cup khu vực châu Á mà đội tuyển Việt Nam đang tham dự. Các đội bóng hàng đầu ở khu vực Đông và Tây Á vẫn chiếm ưu thế.
Những đội tuyển như Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia giành vé đi tiếp cũng không khó hiểu khi đây là những nước có dân số đông nhất thế giới. Tức là tương quan trình độ gần như không thay đổi, đội mạnh vẫn mạnh, yếu vẫn yếu và các đội bóng dậm chân một chỗ như Việt Nam thì đương nhiên sẽ bị bỏ lại.
Việc tăng số lượng dự World Cup cho châu Á lên gấp đôi, ban đầu tưởng là mở rộng cơ hội cho các đội như Việt Nam, nhưng thực tế đã làm tăng số đội bóng tiềm năng lên gấp 3 lần.
Cũng có nghĩa, khó khăn đến với những đội như Việt Nam chỉ tăng lên thay vì giảm bớt. Đại loại, trước đây đằng nào cũng không thể dự World Cup nên việc đầu tư cũng chỉ cầm chừng, giờ thấy cơ hội lớn hơn nên cách làm bóng đá cũng sẽ khác trước nhiều hơn.
Yếu tố "tốc độ" trong chính sách phát triển sức mạnh đội tuyển quốc gia sẽ được đề cao vì ai cũng muốn có ngay tấm vé vốn từng là giấc mơ. Như vậy, đội nào đang ổn định được nội lực thì sẽ nhanh chân hơn.
Đó chính là điều đáng quan tâm ở cuộc hành trình của U23 Việt Nam hiện nay. Chúng ta đang phải đối diện với 2 bài toán: một là phải cố gắng làm lại căn cơ khâu đào tạo cầu thủ, nhưng mặt khác cũng phải cố gắng duy trì vị thế ở mức chấp nhận được, không sa sút thêm nữa.
Đội U23 Việt Nam hiện nay sẽ là "công cụ" để kiểm tra khả năng "chịu tải" của bóng đá Việt Nam trước áp lực kép ấy. Vì nói cho cùng, sau khi khả năng vào vòng 3 ở kỳ này đã không còn nhiều, thì chính lứa U23 hiện nay là những người sẽ gánh vác trách nhiệm tại vòng loại World Cup 2026.