‘U20 Việt Nam chạy suốt cả trận, còn U20 Trung Quốc mới phút 60 đã chuột rút’
Truyền thông Trung Quốc ấn tượng mạnh với U20 Việt Nam. Hai thắng lợi liên tiếp của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn được phân tích kỹ lưỡng, đồng thời U20 Trung Quốc cũng bị đem ra so sánh.
U20 VIỆT NAM DẺO DAI ĐẾN ĐÁNG NỂ
"U20 Việt Nam chạy suốt cả trận, còn U20 Trung Quốc mới phút 60 đã chuột rút. Thể lực của U20 Trung Quốc rõ ràng là một vấn đề lớn", trang tin 163.com của Trung Quốc đưa ra sự so sánh trong bài phân tích sức mạnh của U20 Việt Nam.
Ở bài viết này, những điểm mấu chốt trong sự thành công của U20 Việt Nam được trang tin Trung Quốc chỉ ra cặn kẽ. Trang 163.com đánh giá cao những thay đổi mà HLV Hoàng Anh Tuấn tạo ra sau 3 tháng cầm quân. Một trong số đó chính là thể lực bền bỉ của U20 Việt Nam.
Cây viết của 163.com phân tích: "Khi gặp U20 Indonesia ở vòng loại (được dẫn dắt bởi HLV Đinh Thế Nam - PV), các cầu thủ Việt Nam đuối sức trong hiệp 2 và để đối phương liên tiếp ghi bàn ở cuối trận.
Nhưng tới vòng chung kết, đối đầu với đội bóng giàu thể lực như U20 Australia, các cầu thủ Việt Nam vẫn chống đỡ tốt trước sức ép của đối phương.
Ở chiều ngược lại, khi tấn công, HLV Hoàng Anh Tuấn cũng không mù quáng yêu cầu học trò sử dụng tốc độ, phất bóng dài. Thay vào đó, U20 Việt Nam tập trung phối hợp nhỏ và tung ra đường chuyền quyết định khi đồng đội đã tìm thấy khoảng trống.
Đáng nói hơn, sau khi bị U20 Qatar gỡ hòa 1-1 ở phút 83, U20 Việt Nam không hề nản lòng. Họ vẫn giữ được sự bình tĩnh để rồi có được bàn thắng ở phút 90".
Trang tin của Trung Quốc so sánh: "U20 Việt Nam chạy suốt cả trận, còn U20 Trung Quốc mới phút 60 đã chuột rút. Thể lực của U20 Trung Quốc rõ ràng là một vấn đề lớn.
Hu Hetao bị chuột rút sau chưa đầy 60 phút và buộc phải rời sân sớm. Behram Abduweli cũng xuống sức trong hiệp 2, liên tục bị đối thủ vặn sườn và bị thay ra.
Đồng thời, chỉ trong vòng 4 phút, từ phút 67 tới 70, U20 Trung Quốc đã để U20 Nhật Bản lội ngược dòng với 2 bàn thắng liên tiếp. Điều này phản ánh việc một khi đã thủng lưới, các cầu thủ trẻ Trung Quốc dễ bị nhụt chí và mất tập trung".
Ngoài yếu tố thể lực, những pha xử lý với kỹ năng cơ bản kém của cầu thủ Trung Quốc cũng bị đem ra mổ xẻ.
DẤU ẤN CHIẾN THUẬT CỦA HLV HOÀNG ANH TUẤN
Dĩ nhiên, HLV Hoàng Anh Tuấn không chỉ cải thiện thể lực cho U20 Việt Nam. Cách tiếp cận trận đấu, tư duy chơi bóng và chiến thuật của đội trong hai trận đấu vừa qua cho thấy sự hợp lý thấy rõ. Trang tin 163.com phân tích:
"Đối mặt với đối thủ mạnh hơn mình, HLV Hoàng Anh Tuấn ưu tiên nhiệm vụ phòng ngự. Tuy nhiên đó không phải kiểu phòng ngự co cụm.
Đấu U20 Qatar, U20 Việt Nam cầm bóng 30,8% nhưng có số pha dứt điểm ngang bằng đối phương (11 lần). Thậm chí, U20 Việt Nam còn có 6 lần sút trúng đích, gấp đôi U20 Qatar.
Trước đó ở trận gặp U20 Australia, tỉ lệ cầm bóng của U20 Việt Nam chỉ là 34%. Đối phương tạo ra 22 quả tạt, gấp đôi Việt Nam nhưng số pha dứt điểm lại ít hơn (6 so với 8). Rõ ràng, sự phối hợp linh hoạt của đội hình đã giúp các cầu thủ trẻ Việt Nam đã chống đỡ rất tốt, dù cho họ không hề chiếm ưu thế về chiều cao".
Trang tin của Trung Quốc đánh giá chi tiết hơn: "Chỉ sau vài tháng, HLV Hoàng Anh Tuấn đã giúp U20 Việt Nam lột xác so với thời HLV Đinh Thế Nam.
Nhân sự của đội không có quá nhiều thay đổi, nhưng cách bố trí chiến thuật và lựa chọn con người ở vòng chung kết đã khác so với vòng loại.
HLV Hoàng Anh Tuấn chuyển đội hình từ 4-2-3-1 sang 4-3-3, đá phòng ngự phản công và nhấn mạnh việc sử dụng các bài phối họp nhỏ theo từng nhóm. Chính những sự thay đổi này đã giúp U20 Việt Nam đánh bại U20 Qatar.
Đặc biệt, xét thấy chiều cao của U20 Việt Nam không trội hơn đối thủ, HLV Hoàng Anh Tuấn yêu cầu học trò treo bóng vào cột gần ở các tình huống cố định. Khi đó, các cầu thủ sẽ chạy cắt mặt để dứt điểm hoặc chuyền bóng. Và bàn thắng của Văn Trường vào lưới U20 Qatar chính là kết quả.
Còn với trận gặp U20 Australia, HLV Hoàng Anh Tuấn chuyển đội hình sang đá 5-4-1 để kìm hãm sự tấn công của đối phương. Điều này đã khiến HLV Trevor Morgan của U20 Australia cảm thấy bất ngờ".
"Đồng thời, để giải quyết vấn đề ở vị trí hậu vệ trái, HLV Hoàng Anh Tuấn đã quyết định kéo tiền vệ Khuất Văn Khang ra cánh. Chính cầu thủ này đã kiến tạo để Quốc Việt sút tung lưới U20 Australia.
Một điều chỉnh khác nằm ở việc kéo tiền vệ Nguyễn Văn Trường lên đá tiền đạo cắm để phát huy khả năng tranh chấp của cầu thủ này. Kết quả, Văn Trường không chỉ ghi bàn mà còn có tỷ lệ tranh chấp tay đôi lên tới 80%, 4 lần khiến đối phương buộc phải phạm lỗi (cao nhất đội)".
Kết lại bài viết, trang tin 163.com bày tỏ sự lo lắng khi bóng đá Việt Nam đang tiến bộ từng ngày, còn bóng đá Trung Quốc ngày một đi xuống:
"7 năm trước, HLV Hoàng Anh Tuấn đã giúp U19 Việt Nam vào đến bán kết VCK U19 châu Á, qua đó có vé dự U20 World Cup 2017.
Giờ đây, đội bóng của ông chỉ cần không thua U20 Iran ở lượt cuối sẽ có vé vào tứ kết. Lứa U20 Việt Nam này được kỳ vọng sẽ tái lập thành tích dự World Cup của đàn anh.
Ở chiều ngược lại, kể từ VCK U19 châu Á 2004 tới nay, U19 Trung Quốc chưa một lần lọt vào bán kết. Trong 3 giải đấu gần nhất, U19 Trung Quốc đều bị loại từ vòng bảng.
So sánh thành tích của các đội trẻ mới thấy, việc đội tuyển Trung Quốc để thua Việt Nam ở vòng loại World Cup 2022 không phải chuyện ngẫu nhiên. Khi bóng đá Trung Quốc còn chìm trong cơn bất ổn những như vấn đề nội bộ thì bóng đá Đông Nam Á đang có bước đột phá về đào tạo trẻ và dần dần vươn tầm".