Tuyển thủ Thái Lan tin World Cup với đội nhà không xa
(Thethaovanhoa.vn)- Trả lời truyền thông ngày 11/8, tuyển thủ từng ghi siêu phẩm trong chiến thắng Việt Nam 3-0 ở sân Mỹ Đình Bunmathan cho biết World Cup thực sự không còn xa với bóng đá Thái Lan.
Hậu vệ đội trưởng của ĐTQG Thái Lan dưới thời HLV Kiatisak, Theerathorn Bunmathan được đánh giá là một trong những cái tên hay nhất bóng đá ASEAN nhiều năm qua.
Bunmathan cùng với “Messi Jay” Chanathip là những cầu thủ Thái Lan được yêu mến nhất và có sự nghiệp thi đấu quốc tế khiến nhiều người phải nể phục.
Trong khi Chanathip được xem là biểu tượng của mối quan hệ gắn kết của người Thái với CLB tỉnh Hokkaido và đã là người Thái Lan đầu tiên mang băng đội trưởng của CLB J League 1 thì Bunmathan đã làm nên lịch sử cho bóng đá nước nhà với lần đầu tiên vô địch giải đấu hàng đầu Nhật Bản.
Cùng với thủ môn Kawin và tiền đạo Dangda, Thái Lan đã góp 4 tuyển thủ chơi tại giải đấu hàng đầu châu Á. Mục tiêu của người Thái rất rõ ràng khi trong thời gian tới, rất nhiều tuyển thủ chất lượng của họ như Supachok, Suphanat, Punya... sẽ nhắm đến đầu quân cho các CLB Nhật Bản nếu được liên hệ chuyển nhượng.
Kèm theo đó là hàng loạt Thái kiều đang chơi bóng tại Đức, Thuỵ Điển, Na Uy, Anh... người Thái sẽ tận dụng nguồn lực để phát triển ĐTQG mạnh hơn nhằm tìm kiếm cơ hội đi đến đấu trường danh giá bậc nhất hành tinh như World Cup.
Bunmathan nói về việc này: “Quan điểm cá nhân tôi là sẽ có thêm cầu thủ Thái Lan được đến Nhật Bản để chơi ở J League. Tôi nghĩ môi trường J League cũng chất lượng như tại châu Âu. Chúng ta nếu có 30-40 cầu thủ chơi bóng ở J League thì thực sự việc lọt đến World Cup không phải là giấc mơ với người Thái Lan”.
Hiện tại, Nhật Bản cũng đang phát triển thương hiệu J League tại thị trường Thái Lan như cách nền bóng đá xứ chùa Vàng muốn lấn sân sang các quốc gia Đông Nam Á khác để tìm kiếm thị trường.
J League đã bán được bản quyền cho đối tác Thái Lan nhằm để CĐV nước này theo dõi màn thể hiện của những tuyển thủ Thái Lan ở giải đấu hàng đầu Nhật Bản.
Các CLB của Chanathip, Bunmathan, Dangda đầu quân cũng có lượng CĐV ở Thái Lan và họ cũng bán được đồ lưu niệm cho du khách Thái. Với lĩnh vực du lịch và thương mại, các tuyển thủ Thái Lan đang chơi ở Nhật cũng kiếm được số tiền không nhỏ nhờ làm đại diện thương hiệu cho các nhãn hàng hai nước muốn buôn bán qua lại. Ngành du lịch tỉnh Hokkaido nơi Chanathip đang đầu quân cho Consadole Sapporo cũng tăng trưởng theo cấp số nhân hàng năm từ 2017 đến nay.
Với các cầu thủ trẻ Thái Lan, những gì các đàn anh như Chanathip hay Bunmathan thể hiện đã khiến tất cả phải lấy đó làm bài học. Họ sẽ phát triển được sự nghiệp nếu có ý thức tiến xa hơn đến những môi trường bóng đá phát triển.
Ngoài mức lương đáng mơ ước như Chanathip nhận khoảng hơn 600 triệu đồng/tháng ở Nhật Bản, những thù lao béo bở từ các hợp đồng quảng cáo là đương nhiên và thậm chí có thể gấp nhiều lần nguồn tiền từ chơi bóng.
Giá trị của cầu thủ như Chanathip khi được chơi bóng tại J League 1 hiện tại đã nằm trong TOP 8 cầu thủ đắt giá nhất xứ phù tang. Chưa kể chỉ có ra nước ngoài thi đấu, Chanathip mới được định giá hơn 2 triệu USD, gấp nhiều lần đồng đội đang đá tại Thai League 1 hay các tuyển thủ Việt Nam (Tiến Linh là cầu thủ nội được định giá cao bậc nhất V-League hiện tại với khoảng 300 nghìn Euro).
Cơ hội được tranh tài với những siêu sao của bóng đá thế giới bằng xương bằng thịt như Iniesta cũng không phải chỉ còn trong những giấc mơ của người Thái. Ngành công nghiệp bóng đá Thái Lan do đó không có lý do gì để khuyến khích cầu thủ của mình thôi nghĩ lớn.
Nếu hiện thực mục tiêu 30-40 cầu thủ xuất khẩu sang Nhật Bản, cùng giải đấu trong nước duy trì sự vững vàng số 1 Đông Nam Á như hiện tại, khi FIFA quyết định nâng số đội dự World Cup từ 32 lên 48, người Thái càng có cơ sở để đặt chân đến đấu trường lớn nhất hành tinh.
Trong quá khứ, Thái Lan cũng đã hai lần đi tới vòng loại cuối cùng khu vực châu Á. Sức mạnh của “Voi chiến” thực sự không thể bị xem nhẹ, dù họ có chút vấn đề về chiến lược các đội tuyển sau triều đại Kiatisuk Senamuang.
V.H