Tuyển sinh ĐH 2019: Thí sinh Đường lên đỉnh Olympia có cơ hội tuyển thẳng
(Thethaovanhoa.vn) - Đến đầu tháng 1/2019, một số trường đại học đã công bố các phương thức tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2019. Trong đó, các trường đều sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau như: Xét tuyển bằng điểm thi Trung học phổ thông quốc gia 2019 và bằng các phương thức kết hợp khác.
Đặc biệt, các trường đại học hàng đầu Việt Nam như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng phương thức xét tuyển bằng các chứng chỉ quốc tế như một số trường nước ngoài.
Đa dạng phương thức tuyển sinh
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân sử dụng 3 phương thức tuyển sinh: Xét tuyển thẳng, xét tuyển theo kết quả thi Trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển kết hợp.
Đối với phương thức xét tuyển theo kết quả thi Trung học phổ thông quốc gia, điểm trúng tuyển được tính theo ngành, chương trình. Có 9 tổ hợp được nhà trường áp dụng xét tuyển sinh cho 47 ngành/chương trình trong mùa tuyển sinh 2019 là: A00 (Toán, Lý, Hóa); A01 (Toán, Lý, Anh); D01 (Toán, Văn, Anh); D07 (Toán, Hóa, Anh); D09 (Toán, Sử, Anh); D10 (Toán, Địa, Anh), B00 (Toán, Hóa, Sinh); C03 (Toán, Văn, Sử) và C04 (Toán, Văn, Địa).
Với phương thức xét tuyển kết hợp, hồ sơ dự tuyển sẽ được nhận tại trường từ ngày 2/5 đến ngày 15/7, áp dụng cho 2 đối tượng. Đối tượng 1 là thí sinh đã tham gia vòng thi tuần cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” trên Đài Truyền hình Việt Nam và có tổng điểm thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019 của 3 môn bất kỳ (trong đó có môn Toán) đạt từ 18 điểm trở lên (gồm cả điểm ưu tiên).
Đối tượng 2 là thí sinh có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế trong thời hạn (tính đến ngày 22/6/2019) đạt IELTS 6.5 trở lên hoặc TOEFT ITP 550 trở lên hoặc TOEFL IBT 90 trở lên; đồng thời, có tổng điểm thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019 của môn Toán và một môn bất kỳ (trừ môn Tiếng Anh) đạt từ 14 điểm trở lên (gồm cả điểm ưu tiên).
Năm 2019, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến tuyển sinh thêm 7 chương trình mới học bằng tiếng Anh, gồm: Đầu tư tài chính, Công nghệ tài chính, Khoa học dữ liệu trong Kinh tế và Kinh doanh, Quản trị khách sạn quốc tế, Phân tích kinh doanh, Kinh doanh số, Quản trị chất lượng và Đổi mới. Các chương trình được xây dựng theo hướng liên thông quốc tế, tích hợp liên ngành, phù hợp với thời đại công nghệ số. Bên cạnh đó, nhà trường vẫn duy trì tuyển sinh 2 chương trình đặc thù đào tạo bằng tiếng Anh (được thực hiện từ năm 2017 và 2018) là Kế toán tích hợp chứng chỉ quốc tế và Quản trị điều hành thông minh.
Trường Đại học Ngoại thương cũng đã công bố 4 phương thức xét tuyển năm 2019, gồm: Tuyển thẳng; sử dụng kết quả thi Trung học phổ thông quốc gia 2019; kết hợp chứng chỉ quốc tế với kết quả thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019 và phương thức mới là kết hợp chứng chỉ quốc tế với kết quả học tập 3 năm Trung học phổ thông.
Ở phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập 3 năm Trung học phổ thông, trường dự kiến triển khai vào tháng 5 - ngay khi chương trình học Trung học phổ thông kết thúc. Thí sinh đăng ký nếu không trúng tuyển hoặc không xác nhận nhập học có thể tiếp tục tham gia các phương thức xét tuyển còn lại. Phương thức này áp dụng cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, thuộc ngành ngôn ngữ, chuyên ngành ngôn ngữ thương mại. Chỉ học sinh các lớp chuyên của trường chuyên, có điểm trung bình học tập chung ba năm Trung học phổ thông từ 8 trở lên, có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đạt yêu cầu trường đề ra và một số tiêu chuẩn điểm học tập, hạnh kiểm... mới đủ điều kiện xét tuyển.
Phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả thi Trung học phổ thông quốc gia được áp dụng cho các chương trình chính quy giảng dạy bằng tiếng Anh. Trường dự kiến triển khai vào tháng 7/2019 - ngay sau khi có kết quả thi Trung học phổ thông quốc gia và trước khi thực hiện phương thức xét tuyển theo kết quả của kỳ thi này. Thí sinh đăng ký theo phương thức kết hợp nếu không trúng hoặc không xác nhận nhập học có thể tiếp tục tham gia xét tuyển theo kết quả thi Trung học phổ thông quốc gia.
Phương thức xét tuyển theo kết quả thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019 không thay đổi so với năm trước. Trường dự kiến bổ sung tổ hợp xét tuyển D01 (Toán - Ngữ văn - tiếng Anh) cho ngành ngôn ngữ Pháp, chuyên ngành tiếng Pháp thương mại. Chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả thi Trung học phổ thông quốc gia chiếm số lượng lớn nhất so với các phương thức khác - 2.980. Chỉ tiêu của hai phương thức xét tuyển kết hợp dự kiến là 780.
Đại học Luật TP HCM duy trì phương thức xét tuyển kết hợp với kiểm tra năng lực trong mùa tuyển sinh mới. Trường sẽ thực hiện hai bước xét tuyển và kiểm tra năng lực, với ba tiêu chí (xét điểm học bạ, xét điểm kỳ thi THPT quốc gia và điểm của bài kiểm tra năng lực).
Ở bước xét tuyển, Hội đồng tuyển sinh sẽ xét điểm trung bình sáu học kỳ THPT của ba môn thuộc tổ hợp xét tuyển (chiếm tỷ trọng 10% điểm trúng tuyển) và điểm thi THPT quốc gia năm 2019 (dự kiến chiếm tỷ trọng 60%) từ cao xuống thấp để xác định thí sinh đạt yêu cầu.
Những thí sinh đạt yêu cầu sẽ tham gia làm bài kiểm tra đánh giá năng lực, chiếm tỷ trọng 30% điểm trúng tuyển. Kết hợp ba tiêu chí trên, trường xác định điểm trúng tuyển theo từng ngành và theo từng tổ hợp môn.
Năm 2019, trường chỉ sử dụng một cách thức đăng ký xét tuyển trực tuyến. Điểm chuẩn năm 2018 tại Đại học Luật TP HCM cao nhất ở ngành Luật Thương mại quốc tế với 24,5; thấp nhất là ngành Quản trị kinh doanh với 19 điểm.
Đại học Giao thông Vận tải TP HCM giữ nguyên các phương thức xét tuyển (kết quả kỳ thi THPT quốc gia và tuyển bằng điểm học bạ THPT theo tổ hợp) với tổng chỉ tiêu 2.750 sinh viên, tăng 80 chỉ tiêu so với năm nay.
Trong đó, 2.050 chỉ tiêu cho chương trình đại trà, 600 chỉ tiêu chương trình chất lượng cao và 100 chỉ tiêu đại học liên thông chính quy. Trường sử dụng 4 tổ hợp xét tuyển cho tất cả các ngành gồm: A00 (Toán, Lý, Hóa); A01 (Toán, Lý, Tiếng Anh); B00 (Toán, Hóa, Sinh); D01 (Toán, Văn, Tiếng Anh).
Năm 2018, ngành Khai thác vận tải ở trường này lấy điểm cao nhất với 21,2; các ngành còn lại lấy 14-20,9.
Đại học Nông Lâm TP HCM giữ ổn định phương thức tuyển sinh, chỉ tiêu và tổ hợp xét tuyển từng ngành, dự kiến tuyển 4.745 sinh viên.
Tại cơ sở chính TP HCM, trường sử dụng phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia và tuyển thẳng, ưu tiên tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục. Riêng hai phân hiệu tại Ninh Thuận và Gia Lai, trường tuyển sinh cả nước, đồng thời bổ sung tuyển dựa trên điểm học bạ.
Đại học Công nghiệp TP HCM công bố phương thức tuyển sinh dự kiến năm 2019 với 31 ngành, nhóm ngành ở hai chương trình đại trà và chất lượng cao, tổng chỉ tiêu 7.000. Hai ngành học mới là Quản lý đất đai và Bảo hộ lao động.
Ở bậc đại học, cơ sở chính TP HCM tuyển sinh theo ba phương thức: tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; dùng kết quả thi THPT quốc gia (70 -90% tổng chỉ tiêu); dùng kết quả học tập năm học kỳ THPT (không kể học kỳ 2 năm lớp 12) các môn có trong tổ hợp xét tuyển với ngưỡng nhận hồ sơ là điểm trung bình ba môn trong tổ hợp từ 6,5 trở lên.
Trường xét tuyển theo 12 tổ hợp và áp dụng môn chính trong tất cả ngành. Thí sinh dùng kết quả học tập THPT có thể nộp hồ sơ qua đường bưu điện hoặc đăng ký online trên trang web tuyển sinh trường, dự kiến mở từ tháng 3/2019.
Tại phân hiệu Quảng Ngãi, trường sử dụng hai phương thức là kết quả thi THPT quốc gia và kết quả học tập THPT năm lớp 12 các môn có trong tổ hợp xét tuyển (điều kiện nhận hồ sơ là điểm trung bình ba môn từ 6 trở lên).
Đại học Huế dự kiến tuyển sinh khoảng 13.000 chỉ tiêu cho 122 ngành đào tạo đại học của 12 trường, khoa, phân hiệu trực thuộc. Bên cạnh chủ trương tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Huế áp dụng nhiều điểm mới trong tuyển sinh. Đại học Huế tuyển sinh theo 3 phương thức, gồm xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2019; xét tuyển dựa vào kết quả Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2019 kết hợp với thi tuyển các môn năng khiếu hoặc dựa vào kết quả học tập ở cấp Trung học Phổ thông (học bạ) kết hợp với thi tuyển các môn năng khiếu và xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp Trung học Phổ thông. Các ngành tuyển sinh sử dụng kết quả học tập ở bậc Trung học Phổ thông sẽ lấy kết quả năm học lớp 11 và học kỳ 1 năm lớp 12 và tổng điểm các môn trong tổ hợp môn xét tuyển phải >=18.0.
Để tăng cơ hội xét tuyển cho thí sinh, các trường đại học thành viên của Đại học Huế thay đổi và bổ sung thêm tổ hợp môn xét tuyển ngoài các tổ hợp xét tuyển truyền thống, tùy theo từng ngành học, như tổ hợp môn Toán - Sinh - Giáo dục Công dân; Ngữ văn - Địa lý - Tiếng Anh...
Hội đồng tuyển sinh Đại học Huế xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển vào Đại học năm 2019 với chỉ tiêu cụ thể, ngành y khoa: Tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển không quá 20 thí sinh. Các ngành đào tạo của Trường Đại học Sư phạm xét tuyển thẳng không giới hạn chỉ tiêu ngành. Các ngành còn lại của Đại học Huế tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển không quá 10% chỉ tiêu của ngành; không thực hiện việc tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển vào những ngành thuộc các khối truyền thống H, M, V.
Bên cạnh đó, các trường đại học thành viên của Đại học Huế cũng xây dựng nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích dành cho sinh viên năm nhất. Cụ thể, Đại học Kinh tế miễn học phí cho sinh viên học ngành Kinh tế chính trị; sinh viên có điểm tuyển sinh trên 26 điểm nhận học bổng toàn phần trị giá 100% học phí theo ngành trúng tuyển trong học kỳ đầu tiên. Trường đại học Luật sẽ trao học bổng 15 triệu đồng cho thủ khoa ngành và 10 triệu đồng á khoa ngành; thí sinh được tuyển thẳng được trao 30 triệu đồng. Trường Đại học Ngoại ngữ giảm 50% học phí cho sinh viên ngành ngôn ngữ Nga. Trường đại học Khoa học trao học bổng trị giá 100% học phí theo ngành trúng tuyển cho học kỳ đầu tiên cho thủ khoa ngành có điểm đầu vào lớn hơn 24 điểm...
Xét tuyển thí sinh có chứng chỉ quốc tế
Năm 2019, Đại học Quốc gia Hà Nội xét tuyển các thí sinh có kết quả kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019. Ngoài ra, xét tuyển các thí sinh có chứng chỉ quốc tế.
Thí sinh có chứng chỉ quốc tế A-Level của Trung tâm Khảo thí Đại học Cambridge, Anh (Cambridge International Examinations A-Level, UK) có kết quả ba môn phù hợp với yêu cầu của ngành đào tạo tương ứng, trong đó có ít nhất một trong hai môn Toán, Ngữ văn với mức điểm tối thiểu mỗi môn thi đạt từ 60/100 điểm trở lên (tương ứng điểm C, PUM range ≥ 60).
Thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa SAT (Scholastic Assessment Test, Hoa Kỳ) đạt điểm từ 1.100/1.600 hoặc 1.450/2.400 trở lên (còn giá trị sử dụng trong khoảng thời gian 2 năm kể từ ngày dự thi).
Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.5 trở lên hoặc các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương (chứng chỉ còn hạn sử dụng trong khoảng thời gian 2 năm kể từ ngày dự thi) và có tổng điểm 2 môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển đạt tối thiểu 12 điểm (trong đó bắt buộc có môn Toán hoặc môn Ngữ văn).
Thời gian xét tuyển đợt 1 của Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến từ ngày 10/7 đến ngày 31/7 với các thí sinh sử dụng kết quả kỳ thi Trung học phổ thôg quốc gia 2019 và từ ngày 10/7 đến 31/8 đối với thí sinh sử dụng phương thức khác. Ngoài đợt 1, các trường, khoa có thể xét tuyển bổ sung. Phương thức xét tuyển các đợt bổ sung tương tự như đợt 1.
Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của toàn bộ hệ thống Đại học Quốc gia Hà Nội là 9.000. Trong đó, một số đơn vị đào tạo chia tỉ lệ chỉ tiêu theo từng phương thức xét tuyển. Một số đơn vị cũng đặt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo kết quả thi Trung học phổ thông quốc gia từ ngay từ thời điểm này. Ví dụ, các ngành đào tạo của khoa luật dự kiến ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển từ 16,5- 17 điểm.
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng chính thức công bố phương hướng tuyển sinh đại học chính quy năm 2019 theo 5 phương thức.
Phương thức 1, ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo với chỉ tiêu tối đa không quá 5% tổng chỉ tiêu của ngành/ nhóm ngành.
Phương thức 2, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh dành cho học sinh các trường chuyên, năng khiếu, thuộc các trường đại học tỉnh, thành trên toàn quốc; học sinh các trường Trung học phổ thông nhóm 100 trường có điểm trung bình thi Trung học phổ thông quốc gia cao nhất trong các năm từ 2015 đến 2018 với chỉ tiêu tối đa không quá 5% tổng chỉ tiêu của ngành/ nhóm ngành. Với phương thức này, thí sinh lưu ý chỉ được đăng ký tối đa không quá 3 nguyện vọng ưu tiên xét tuyển vào các trường đại học thành viên, khoa trực thuộc Đại học Quốc gia.
Phương thức 3, xét tuyển dựa trên kết quả thi Trung học phổ thông quốc gia 2019.
- TRỰC TIẾP: Chính thức công bố điểm chuẩn Đại học trong cả nước
- Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2018: Điểm chuẩn nhiều trường giảm mạnh
Phương thức 4, xét tuyển dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức với tổng chỉ tiêu tối đa 40% tổng chỉ tiêu của ngành/nhóm ngành. Thí sinh được đăng ký 3 nguyện vọng vào các trường đại học thành viên, có xét theo thứ tự ưu tiên nguyện vọng.
Phương thức 5, xét tuyển trên kết quả các kỳ thi quốc tế. Thí sinh có chứng chỉ quốc tế như SAT, ACT, BI, A-level...đạt danh hiệu học sinh giỏi trong các năm ở Trung học phổ thông và có hạnh kiểm tốt.
Thí sinh học lực giỏi mới được xét tuyển ngành y? Bộ GD&ĐT dự kiến sửa đổi, bổ sung trong Quy chế tuyển sinh năm 2019 gồm 6 điểm sau: Đầu tiên, các trường có sử dụng kết quả thi THPT quốc gia phải thực hiện tất cả các bước của quy trình xét tuyển. Thứ hai, phải cung cấp đầy đủ các thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng, tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm trong thời gian 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp. Thứ ba, đối với quân nhân dự thi, nếu đóng quân từ 18 tháng trở lên tại nơi có sự thay đổi chính sách ưu tiên theo khu vực thì hưởng ưu tiên theo khu vực có thời gian đóng quân dài hơn. Thứ tư, với nhóm ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, căn cứ kết quả kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển. Đối với những trường xét học sinh tốt nghiệp THPT thì phải có học lực lớp 12 xếp loại giỏi. Thứ năm, các trường phải tiếp nhận và lưu bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia của thí sinh. Thứ sáu, thí sinh đã xác định nhập học thì không được tham gia xét tuyển các trường khác/đợt tiếp theo. Những sửa đổi bổ sung Quy chế dựa trên cơ sở thực hiện Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ 1/7/2019 và rút kinh nghiệm từ một số nội dung bất cập của quy chế tuyển sinh đại học; cao đẳng, trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên năm 2018. |
(Tiếp tục cập nhật từ trang thông tin điện tử các trường)
T.Vy (Theo TTXVN, Cổng Thông tin Bộ GDĐT, ftu.edu.vn, neu.edu.vn)