Tuyển nữ Việt Nam đâu chỉ có SEA Games
(Thethaovanhoa.vn) - Đội tuyển nữ Việt Nam hội quân tại Hà Nội hôm qua để chuẩn bị cho SEA Games 31. Chiến tích giành vé đi World Cup như một cữ “Lửa thử vàng, gian nan thử sức” còn những ngày sắp đến là “con đường thiên lý” để bóng đá nữ Việt Nam tiếp tục bước đi.
Xét một cách công bằng, bóng đá nữ Việt Nam đang ở vị thế khá cao tại đấu trường châu lục. Chúng ta chỉ xếp sau các “đại nương” Triều Tiên, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc hay Hàn Quốc mà thôi. Bảng xếp hạng FIFA mới nhất đã minh chứng vị thế khi đội tuyển nữ Việt Nam ở hạng 32 thế giới với 1.655,25 điểm có được.
Chiến tích giành vé đi World Cup của bóng đá nữ Việt Nam là thành quả xuất sắc, nức lòng người hâm mộ. Nhưng trong hành trình phát triển, sau mỗi cột mốc phải luôn có mục tiêu mới để chinh phục. Rất nhanh, bảo vệ tấm HCV SEA Games đã cận kề, đích đến tiếp theo làm sao phải vượt qua chính mình để không phải “ngợp” khi bước ra sân chơi World Cup.
Vậy nên, với HLV Mai Đức Chung, hội quân cùng học trò lần này sẽ có muôn vàn áp lực với nhiều nhiệm vụ trên vai như lời ông chia sẻ; “Chúng tôi đã triệu tập một số gương mặt trẻ. Mục tiêu của đội tuyển nữ Việt Nam trước mắt là chuẩn bị cho SEA Games 31 nhưng sau đó còn là World Cup nữ 2023. Việc gọi thêm những cầu thủ trẻ để giúp cho các cháu có cơ hội để tập luyện, thi đấu qua đó bồi dưỡng thêm các vấn đề chuyên môn và kinh nghiệm thi đấu”.
Ông Chung “xe ca” hiểu rằng bóng đá nữ Việt Nam không thể "ngủ quên" trên chiến tích vừa có, phải tiếp tục phấn đấu, trưởng thành, thu hẹp cách biệt với những đội tuyển thuộc nhóm đầu châu lục. Đâu chỉ những nỗ lực vượt giới hạn khi có vé dự World Cup, đội tuyển nữ Việt Nam sẽ quay lại với nhiệm vụ bảo vệ thành quả khu vực. Mục tiêu phải bảo vệ tấm HCV ở SEA Games, rồi giữ “ngôi hậu” tại AFF Cup trong một năm 2022 bận rộn nhiều nhiệm vụ.
Đây không phải bài toán dễ giải, bởi tấm vé dự World Cup là vinh dự, niềm tự hào của mọi nền bóng đá. Trong khi đó, phải bảo đảm thành công ở khu vực để tạo ra cái nền vững chắc cũng luôn là nhiệm vụ song hành. Đến với World Cup là dấu mốc lịch sử nhưng đừng để sân chơi đó tạo ra gánh nặng và ảnh hưởng đến quá trình phát triển dài lâu cũng quan trọng không kém. Bài học của bóng đá nữ Thái Lan năm 2019 là minh chứng.
Để thua trước đội tuyển nữ Mỹ 13-0 và để đội tuyển Thụy Điển chọc thủng lưới 5 bàn, bóng đá nữ Thái Lan đã có một kỳ World Cup đáng quên. World Cup nữ 2019 có lẽ đã giúp bóng đá nữ Thái Lan nghiệm ra được đẳng cấp khác biệt giữa những nền bóng đá. Để rồi, sau đó khi trở lại khu vực, đội tuyển nữ Thái Lan đã sa sút không phanh khi thua Việt Nam ở chung kết AFF Cup trên sân nhà, rồi tiếp tục thua chung kết SEA Games. Tại Asian Cup 2022 vừa rồi, Thái Lan chơi thất vọng khi để thua Philippines, đánh mất ngôi nhì bảng và phải rơi vào loạt đấu play-off cũng toàn thua.
Từ đó, sẽ thấy, đội tuyển nữ Việt Nam phải rất nỗ lực tại SEA Games 31 và AFF Cup 2022 nếu không muốn đi vào "vết xe đổ" của Thái Lan. Bởi trình độ giữa các đội nữ Đông Nam Á đang hẹp lại. Nhìn vào bước tiến thần tốc của bóng nữ Philippines gần đây sẽ thấy rất rõ điều này. Mở cửa với các cầu thủ Phi kiều từ khắp nơi trên thế giới, đội tuyển nữ Philippines tiến bộ chóng mặt khi lọt vào tới bán kết Asian Cup 2022. Thể hình, lợi thế trong tranh chấp va chạm cùng tư duy chơi bóng hiện đại của đội tuyển nữ Philippines như trở ngại lớn cho thầy trò HLV Mai Đức Chung nếu chạm trán với đối thủ ở các giải khu
Những cô gái đá bóng của chúng ta cũng phần nào lường trước được khó khăn bủa vây ở kỳ World Cup sắp diễn ra. Những trận đấu với Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc ở Asian Cup vừa rồi cho thấy chúng ta vẫn còn thua kém khá nhiều về sức vóc và khả năng tranh chấp. Làm sao để kỳ World Cup năm sau là những ngày “học một sàng khôn” của bóng đá nữ Việt Nam. Thế mới thấy, ông Chung “xe ca” không chỉ lo nhiệm vụ cho SEA Games trước mặt, còn đang tính chuyện đường xa nữa.
Giành vé dự World Cup 2023 có thể là cú hích rất lớn nhưng vấn đề đặt ra sau tấm vé đó là gì. Công tác đầu tư để phát triển bóng đá nữ ra sao thì vẫn phải ìm ra đáp án căn cơ, bài bản.
Trần Tuấn