Tượng sáp nghệ sĩ: Đại chúng nhưng đừng… đại trà
(Thethaovanhoa.vn) -Như Thể thao & Văn hóa đã đưa tin, ngày 11/4 vừa qua, Công ty Tuợng sáp Việt đã khánh thành Nhà trưng bày Tuợng sáp nghệ sĩ Việt tại TP.HCM. Đây là cuộc chơi tốn kém… triệu đô dành cho tượng sáp nghệ sĩ và xuất hiện lần đầu tại Việt Nam.
- Bày Tượng sáp nghệ sĩ Việt: Cuộc chơi 'triệu đô' với tiêu chí 'đại chúng'
- Tượng sáp Trịnh Công Sơn, Út Bạch Lan, Trấn Thành... ai giống nhất?
* Với tư cách là người hoạt động chuyên môn về điêu khắc, ông đánh giá ra sao về các tác phẩm tượng sáp đang trưng bày tại Nhà hát Hòa Bình?
- Những người thực hiện bộ sưu tập tượng sáp các nghệ sĩ Việt Nam rất chú trọng đến việc tượng có giống người thật hay không. Đây là điều hết sức bình thường và hoàn toàn đúng với trào lưu trên thế giới hiện nay. Bởi tượng sáp là phải giống người thật, tức là yếu tố “truyền thần” phải được đặt lên hàng đầu.
Ở góc độ chuyên môn, tôi nghĩ việc xuất hiện thêm loại hình tượng sáp tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng là điều đáng mừng. Vì ít nhất, công chúng của mỹ thuật có thêm một lựa chọn cho thị giác của mình. Còn về chất luợng của các tác phẩm trong triển lãm này, có một số tượng đạt chất lượng về mặt tạo hình. Nhiều tượng khác thì chưa.
Nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn
* Ông có thể chia sẽ rõ hơn về những bức tượng "chưa đạt"?
- Tượng chân dung nhân vật không chỉ giống từng chi tiết ở gương mặt. Bố cục tượng nhân vật như thế nào cũng là vấn đề rất quan trọng. Trong điêu khắc, ngôn ngữ hình thể của nhân vật góp phần rất lớn tạo nên nét sinh động và thần thái của bức tuợng.
Người xem 100 tượng sáp nghệ sĩ tại Nhà trưng bày này mới chỉ so sánh gương mặt tượng có giống người thật hay không, chứ ít ai so sánh xem ngôn ngữ hình thể của tượng và của người thật giống nhau, khác nhau thế nào. Với 100 tượng sáp này, chuyện giống hay khác, đẹp hay xấu, có thần hay lạc thần nằm chủ yếu nằm ở gương mặt. Còn các bộ phận khác của tượng bị áo quần, giày nón che hết.
Ngoài ra, tôi nghĩ 100 tượng sáp là quá nhiều, cần chắt lọc bớt.
* Chắt lọc bằng cách nào, theo ông?
- Chất liệu sáp có nhiều thế mạnh hơn đồng, đá, gỗ… khi sử dụng tạc tuợng chân dung nhân vật. Sáp có nhiều màu, dễ tỉa tót tỉ mẩn từng đường nét, ví dụ như da mặt thật láng. Do vậy, với những tượng sáp chưa thật giống nghệ sĩ ngoài đời thật thì chưa nên trưng bày. Theo tôi, không nên chạy theo số lượng 100 hay 1000 nghệ sĩ được tạc tượng sáp. Ta cần tượng đẹp, đạt các yếu tố thẩm mỹ căn bản khiến người xem thích thú.
Ngoài ra, không nên có quá nhiều tượng nghệ sĩ khi mà thành tựu cống hiến cho nghệ thuật của một số người còn mỏng. Tôi thấy hơi kỳ,và có lẽ bản thân một số nghệ sĩ có lòng tự trọng cũng sẽ thấy kỳ khi họ chưa đóng góp gì nhiều mà lại đứng chung trong một Nhà trưng bày với các bậc trưởng thượng có thành tựu lừng lẫy.
*Thật ra, tiêu chí để các nghệ sĩ được phía tổ chức chọn tạc tượng sáp là tính đại chúng, nghĩa là nghệ sĩ đó nổi tiếng và có nhiều người hâm mộ. Do vậy, một sốnghệ sĩ còn trẻ cũng được đứng chung tại nhà trưng bày với các tên tuổi như Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Trần Văn Khê…?
Nếu tạc tượng sáp nghệ sĩ là một dự án lâu dài, tôi nghĩ hãy dành sức và dành tiền, chứ không nên quá chạy theo số lượng. (Nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn) |
Tôi ủng hộ cái nhiệt huyết và tấm lòng của những người thực hiện Nhà trưng bày này nhưng tôi thấy lo ở tính… đại trà. Làm một tượng sáp tỉ lệ như người thật, theo chỗ tôi biết là rẻ hơn làm tuợng đồng hay chất liệu khác. Nhưng, nói là rẻ, một tượng cũng tốn cỡ 200 triệu đồng. Nếu làm đại trà, nghệ sĩ nào cũng làm tượng sáp hết, thì khi cần tạc thêm tượng người thật sự xứng đáng, họ sẽ… hụt mất vốn, lấy đâu mà làm nữa.
* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này.
Hoàng Nhân (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa