Tương lai nào cho Afghanistan khi Taliban nắm quyền kiểm soát đất nước?
(Thethaovanhoa.vn) - Chỉ trong thời gian ngắn kể từ khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, Taliban đã chiếm được tất cả các thành phố lớn của quốc gia Nam Á này, bao gồm thủ đô Kabul, và tuyên bố kết thúc chiến tranh.
Thực trạng này đã đặt ra câu hỏi là vì sao Quân đội Afghanistan lại thất thủ nhanh chóng, và tương lai đất nước Afghanistan sẽ đi về đâu?
Vì sao Afghanistan thất thủ?
Tình hình an ninh ở Afghanistan trong những tuần qua trở nên xấu nghiêm trọng khi lực lượng Taliban đẩy mạnh tấn công chiếm được thêm nhiều phần lãnh thổ của đất nước. Hơn 3 tháng sau khi Mỹ triển khai kế hoạch rút quân khỏi đất nước Nam Á này, lợi dụng “khoảng trống an ninh”, Taliban đã liên tục mở các đợt tiến công lớn, kiểm soát nhiều khu vực ở nông thôn và mở rộng tấn công các thành phố lớn.
Taliban tuyên bố đã kiểm soát được hơn 80% lãnh thổ Afghanistan và mục tiêu của phong trào này là "biến Afghanistan trở lại thành tiểu vương quốc Hồi giáo" như giai đoạn 1996-2001. Đại diện thường trực của Afghanistan tại Liên hợp quốc Ghulam Isakzai cho biết kể từ giữa tháng 4, Taliban đã tổ chức hơn 5.500 cuộc tấn công tại 31/34 tỉnh của Afghanistan.
Chưa bao giờ Mỹ và các đồng minh chứng kiến nhiều vùng lãnh thổ ở Afghanistan rơi vào tay Taliban nhanh như vậy. Sau khi lần đầu tiên chiếm cứ được một thủ phủ cấp tỉnh là thành phố Zaranj vào ngày 6/8, các tay súng Taliban đã giành quyền kiểm soát khoảng 18 trong số 34 thủ phủ cấp tỉnh của Afghanistan chỉ sau khoảng thời gian vài ngày ngắn ngủi, tạo thành vòng vây gây áp lực lên thủ đô Kabul. Kandahar, trung tâm kinh tế miền Nam đã nằm dưới sự kiểm soát của Taliban.
Thành phố Herat với khoảng 600.000 dân ở phía Tây gần biên giới với Iran cũng đã bị các tay súng Taliban chiếm đóng. Thành phố Jalalabad, thành phố quan trọng ở miền Đông Afghanistan cũng đã bị Taliban kiểm soát mà không cần giao tranh… Việc Taliban chiếm giữ các thành phố chiến lược của Afghanistan là đòn giáng mạnh vào lực lượng Chính phủ.
Nghiêm trọng hơn, thủ đô Kabul của Afghanistan thời gian qua liên tục ở trong tình trạng báo động cao và ngày 15/8, lực lượng Taliban đã tiến vào và kiểm soát được thủ đô Kabul.
Sau khi bao vây thủ đô Kabul ngày 15/8, thủ lĩnh của Taliban ở Doha (Qatar) cho biết lực lượng vũ trang này đã ra lệnh cho các tay súng kiềm chế gây ra bạo lực tại thủ đô Kabul, mở đường thoát an toàn cho bất cứ ai lựa chọn cách rời đi, yêu cầu phụ nữ hướng tới các khu vực được bảo vệ.
Khi tuyên bố đã bao vây thủ đô Kabul, lực lượng Taliban cũng tuyên bố không có ý định chiếm thủ đô bằng vũ lực, đồng thời khẳng định “sẽ không có ai bị đe dọa mạng sống, tài sản và phẩm giá; cuộc sống của người dân Kabul sẽ không gặp nguy hiểm”.
Theo đó, Taliban cam kết đảm bảo an ninh cho các quan chức chính phủ cho đến khi hoàn tất tiến trình chuyển giao quyền lực, các thành viên lực lượng Afghanistan được phép trở về nhà. Sân bay, bệnh viện, các dịch vụ khẩn cấp cũng sẽ không bị gián đoạn. Một quan chức trong lực lượng Taliban cho biết người nước ngoài tại Kabul có thể rời đi nếu muốn, hoặc có thể đến đăng ký lưu trú với chính quyền mới trong vài ngày tới.
Tính đến thời điểm tối ngày 15/8 (giờ Việt Nam), tất cả lực lượng Taliban án ngữ tại các cửa ngõ Kabul trước đó đã được lệnh tiến vào trung tâm thành phố. Tuy nhiên theo phóng viên Reuters tại hiện trường, gần như không có giao tranh xảy ra.
Cục diện giao tranh ở Afghanistan diễn ra quá nhanh trong vài ngày qua khiến nhiều người vô cùng ngạc nhiên khi đặt câu hỏi vì sao quân Taliban lại chứng tỏ thế áp đảo, đẩy quân đội và lực lượng an ninh của chính phủ Afghanistan vào thế chống đỡ, bị động như vậy?
Về lý thuyết, quân chính phủ Afghanistan áp đảo Taliban. Trên giấy tờ, lực lượng an ninh của Afghanistan có khoảng 300.000 người, gồm có quân đội, không quân và cảnh sát. Song trên thực tế, chính quyền Kabul luôn phải chật vật với công tác tuyển mộ, xây dựng lực lượng để đạt mục tiêu về quân số.
Quân chính phủ cũng có ưu thế về cả nguồn lực tài chính và vũ khí. Trong gần 20 năm qua, Afghanistan nhận được nguồn tiền lớn từ Mỹ, dùng để trả lương, huấn luyện, mua sắm vũ khí. Riêng Mỹ đã chi tới 88 tỉ USD cho mục đích huấn luyện, xây dựng, trang bị guồng máy quân sự, an ninh đủ sức chiến đấu độc lập, theo đúng mô hình của Mỹ.
Ở chiều ngược lại, dù quân Taliban ít hơn quân chính phủ nhưng thực tế họ lại tỏ ra mạnh hơn so với những dữ liệu chính thức. Trung tâm Chống khủng bố Mỹ tại Học viện Quân sự West Point ước tính Taliban có khoảng 60.000 tay súng. Nhưng bên cạnh đó họ có mạng lưới chân rết với các nhóm vũ trang và những người ủng hộ Taliban, đưa quân số của phong trào này có thể vượt quá 200.000 người.
Ngoài ra, về nguồn lực tài chính và vũ khí, Taliban có nguồn thu từ hoạt động buôn lậu, kiểm soát cửa khẩu biên giới và có cả nguồn tài trợ từ bên ngoài. Quân Taliban mới đây cũng có thêm lượng vũ khí, phương tiện chiến tranh chiếm được từ lực lượng an ninh Afghanistan, nhiều trong số này do Mỹ viện trợ - như xe quân sự Humvee, súng máy, pháo, súng cối, kính nhìn ban đêm… Trước đó, Taliban cũng có nguồn vũ khí còn sót lại từ thời Liên Xô.
Như vậy nếu so sánh về lực lượng và nguồn lực, có thể thấy quân đội chính phủ vẫn áp đảo Taliban. Thế nhưng, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định rút những binh lính Mỹ còn lại về nước, 300.000 binh lính Afghanistan đã nhanh chóng gục ngã. Các chuyên gia phân tích cho rằng, dù chính quyền Afghanistan đã nhận được những khoản tiền khổng lồ song thực tế nguồn tiền đã được sử dụng như thế nào, bị thất thoát ra sao và có thực chất hay không là điều cần làm rõ.
Tình trạng tham nhũng tràn lan và năng lực lãnh đạo kém đã tiêu tốn một khoản tiền khủng khiếp. Binh sĩ và cảnh sát Afghanistan lộ rõ thất vọng, tức giận trước giới lãnh đạo khi cho rằng họ bị làm ngơ trước những yêu cầu cơ bản. Các binh sĩ than phiền về việc không được trả lương hoặc không nhận được lương thực, đạn dược. Tại nhiều cứ điểm, binh sĩ chính phủ thiếu thốn từ lương thực, nước uống cho tới vũ khí, đạn dược. Nhiều người chỉ trích chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani phân biệt đối xử về sắc tộc và gây nghi ngờ về tính hợp pháp chính trị.
Điều này cũng khiến các lực lượng Afghanistan không thực sự đoàn kết để chiến đấu chống lại Taliban. Việc Taliban tăng cường chiến dịch tấn công sau khi Mỹ rút quân càng làm trầm trọng thêm vấn đề tâm lý. Binh sĩ bắt đầu đặt nặng câu hỏi liệu có đáng để chiến đấu, hy vinh vì chính quyền của Tổng thống Ashraf Ghani hay không. Họ bộc lộ rõ tâm lý thất vọng và cảm giác bị bỏ rơi. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi quân đội cảm thấy không muốn chiến đấu vì những người lãnh đạo trên.
Điều này đã lý giải tại sao Taliban nhanh chóng chiếm được rất nhiều thành phố, tỉnh lỵ ở Afghanistan chỉ sau hơn một tuần qua. Sự bành trướng nhanh chóng của phong trào Taliban đã cho thấy rõ rằng những nỗ lực của Mỹ trong việc biến quân đội Afghanistan thành một lực lượng chiến đấu độc lập, mạnh mẽ đã thất bại.
Tương lai nào sẽ đến với Afghanistan?
Trước những diễn biến nhanh chóng ở Afghanistan, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã chấp nhận từ chức và đáp máy bay sang Tajikistan, mở đường cho Taliban thành lập một chính phủ lâm thời do phong trào này đứng đầu.
Song song với đó, phái đoàn đàm phán của chính phủ Afghanistan ngày 15/8 đã tới Qatar để gặp đại diện của Taliban, thảo luận về việc chuyển giao quyền lực. Trong khi đó, lực lượng Taliban cho biết mong muốn việc chuyển giao diễn ra một cách hòa bình trong vài ngày tới.
Theo ông Fawzi Koofi, thành viên đoàn đàm phán của Kabul, trong số những người tới Qatar có ông Abdullah Abdulla, quan chức Hội đồng hòa giải dân tộc tối cao, người được cho là sẽ đóng vai trò trung gian trong cuộc đàm phán này. Theo một số nguồn tin, cuộc đàm phán có thể có sự can dự của giới chức Mỹ. Về phía Taliban, lực lượng này cũng cho biết lãnh đạo Mullah Abdul Ghani Baradar của họ cũng đang ở Qatar.
Người phát ngôn văn phòng chính trị của Taliban, ông Mohammad Naeem, ngày 15/8 còn khẳng định với kênh truyền hình Al-Jazeera Mubasher TV rằng cuộc chiến tranh tại Afghanistan đã kết thúc và kiểu chính quyền và hình thức chế độ sẽ sớm được làm rõ. Người phát ngôn Mohammad Naeem cho biết không cơ quan ngoại giao hay bất kì trụ sở nào ở Afghanistan bị nhắm mục tiêu, khẳng định Taliban đảm bảo sẽ đảm bảo an toàn cho công dân và các phái bộ ngoại giao.
Ông Naeem cũng cho biết sẵn sàng đối thoại với tất cả các bên ở Afghanistan và sẽ đảm bảo sự an toàn cần thiết. Người phát ngôn văn phòng chính trị của Taliban khẳng định lực lượng này "sẽ hành động một cách có trách nhiệm trong từng bước đi và đảm bảo hòa bình với mọi quốc gia". Theo đó, Taliban sẵn sàng giải quyết những quan ngại của cộng đồng quốc tế thông qua đối thoại. Ông Mohammad Naeem cũng khẳng định rằng phong trào Taliban không mong muốn tồn tại trong tình trạng bị cô lập và hy vọng thiết lập các mối quan hệ với cộng đồng quốc tế.
Nhưng cho dù Taliban đã đưa ra các tuyên bố đảm bảo “quá trình chuyển đổi được hoàn thành một cách an toàn, không gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản và danh dự của bất kỳ ai”, thì mối lo sợ vẫn hiển hiện với hàng triệu người Afghanistan. Theo nhận định của các chuyên gia, nếu Taliban lên nắm quyền, bạo lực sẽ vẫn tiếp tục tại quốc gia này chứ không thể chấm dứt. Các tàn dư của chính quyền cũ sẽ tiếp tục phản kháng và chống lại sự áp bức hà khắc của Taliban. Tình trạng chia rẽ nội bộ, vi phạm nhân quyền, thảm họa nhân đạo cũng là các khả năng xấu xảy ra với quốc gia này.
Với vị trí địa chiến lược của mình, nằm ở trung tâm châu Á, là cầu nối giữa Đông và Tây Á, giữa Nam và Trung Á, việc Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan chắc chắn sẽ để lại những hệ lụy khó lường với khu vực và thế giới. Việc 1 lực lượng Hồi giáo vũ trang lên nắm quyền tại quốc gia có lịch sử và cơ cấu xã hội phức tạp như Afghanistan khiến vùng đất này có khả năng trở lại với vai trò là “thiên đường cho khủng bố”, “mảnh đất của ma túy” như cách đây hơn 20 năm.
Ngoài ra, kinh tế kém phát triển, tình trạng chia rẽ nội bộ, Afghanistan cũng sẽ là nơi để các cường quốc xâu xé, tranh thủ tận dụng các lợi ích cho mình. Ví dụ như Pakistan có thể sẽ tiếp tục dung dưỡng, tài trợ cho các tổ chức khủng bố can thiệp, khuấy đảo tình hình khu vực. Trung Quốc sẽ tranh thủ Taliban để có lời đảm bảo của lực lượng này không bao che cho các phần tử khủng bố Hồi giáo tại Tân Cương. Mỹ sẽ vẫn can thiệp ở Afghanistan để tình hình tại đây phục vụ cho lợi ích của Mỹ… Tất cả sẽ phức tạp hơn nhiều trong thời gian tới, và không loại trừ khả năng Afghanistan sẽ lại trở thành “lò lửa” của thế giới.
- Không quân Mỹ kiểm soát không phận thủ đô Kabul, Afghanistan
- Tổng thống Afghanistan Ghani: 'Taliban đã giành chiến thắng'
- Afghanistan sẽ có chính phủ chuyển tiếp trong vài giờ tới
Không những vậy, hiện cộng đồng quốc tế vô cùng lo ngại về một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang ngày một hiện hữu. Khoảng 400.000 thường dân tại Afghanistan đã buộc phải rời bỏ nhà cửa kể từ đầu năm nay, nhất là khi Taliban mở rộng chiến dịch tấn công hồi tháng 5. Bên cạnh đó, lo ngại còn đến từ việc Taliban đang áp đặt những hạn chế nghiêm ngặt trong các khu vực do lực lượng này kiểm soát, gây nguy hiểm cho thường dân, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em.
Theo thống kê của Phái bộ Hỗ trợ Liên hợp quốc tại Afghanistan (UNAMA), số thương vong của dân thường 6 tháng đầu năm nay đã tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái. Số thương vong của dân thường trong tháng 5 và tháng 6 cao hơn 4 tháng đầu năm 2021 với 703 người thiệt mạng và 1.609 người bị thương. Afghanistan cũng đang đối mặt với tình trạng khủng hoảng nhân đạo trầm trọng, với hơn 18,4 triệu người (hơn 1/3 dân số) cần hỗ trợ nhân đạo.
Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế cũng đã lên tiếng cảnh báo việc nắm quyền lực thông qua bạo lực ở Afghanistan sẽ không được quốc tế công nhận. Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo Taliban sẽ phải đối mặt với sự cô lập của cộng đồng quốc tế nếu lực lượng này trở lại nắm quyền bằng vũ lực.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, ông Josep Borrell khẳng định, nếu nắm quyền bằng vũ lực và thiết lập lại một vương quốc Hồi giáo tại Afghanistan, Taliban sẽ đối mặt với việc không được công nhận, bị cô lập, thiếu sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, đồng thời đối mặt với nguy cơ xung đột và bất ổn kéo dài trong nước.
Nhiều nước như Mỹ, Anh, Đức, Đan Mạch… đang gấp rút sơ tán nhân viên ngoại giao và công dân khỏi quốc gia Nam Á này. Bộ Quốc phòng Mỹ đã tăng cường thêm 6.000 binh lính triển khai ở Afghanistan để hỗ trợ việc sơ tán các nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại Kabul. Cho đến nay, chính quyền của Tổng thống Joe Biden dường như vẫn không thay đổi lập trường về việc rút quân khỏi Afghanistan. Sự bỏ ngỏ này của Mỹ khiến nhiều người đặt câu hỏi về một tương lai Afghanistan sẽ ra sao khi lực lượng Taliban lên cầm quyền?
Trọng Đức/TTXVN (tổng hợp)