Tuổi trẻ Thủ đô nghĩa tình cùng biên giới, hải đảo
* Chung một tấm lòng
Ngay từ khi triển khai thực hiện chương trình phối hợp hoạt động, Thành đoàn Hà Nội đã chủ động họp bàn thống nhất với các đơn vị Quân đội ký kết chương trình phối hợp, thực hiện các hoạt động kết nghĩa, thường xuyên đánh giá, điều chỉnh nội dung phối hợp cho phù hợp với thực tiễn.
Đoàn viên, thanh niên tham gia hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương”
Từ năm 2008 đến nay, tuổi trẻ Thủ đô đã tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho cán bộ chiến sỹ, khám bệnh, phát thuốc, xây dựng các nhà tình nghĩa, đường giao thông tại các tỉnh biên giới, hải đảo như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Đảo Bạch Long Vỹ, Hà Giang... với nhiều vật phẩm gửi tặng các cán bộ, chiến sỹ và nhân dân địa phương. Các vật phẩm này gồm có: hơn 2.750 tủ sách Inox, 42.500 đầu sách, vở viết, 43.020 cây bút viết, 57.500 đĩa nhạc những ca khúc viết về Hà Nội, 1.850 đàn ghita, gần 1 triệu lá cờ Tổ quốc tặng các đơn vị, hàng triệu lá thư gửi cán bộ, chiến sỹ đang công tác, làm nhiệm vụ tại biên giới, hải đảo. Các cấp bộ Đoàn trong thành phố cũng thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà và giao lưu với cán bộ chiến sỹ, đồng bào các tỉnh vùng biên giới, hải đảo; gửi tặng 450 tivi, hơn 330 triệu đồng xây dựng cơ sở vật chất tại các địa phương; 30.000 cánh thư thăm hỏi, 100 bồn trồng rau trên đảo bằng vật liệu Compuzit, 55 tủ sách “Tri thức xanh” bằng chất liệu Inox, 57.000 đầu sách, 1.250 đàn ghita, 250 phần quà giá trị và nhiều dụng cụ thể thao, đồ dùng sinh hoạt, nhu yếu phẩm khác… với tổng trị giá gần 3,9 tỷ đồng.
* Cần lắm những nghĩa tình như thế…
Nổi bật trong số các hoạt động chung sức đồng lòng ấy, có một cây cầu nối những niềm tin, nối tình cảm gắn bó của người dân vùng biên giới được nhiều người nhắc đến. Đó là cây cầu qua suối cho các em thiếu nhi và nhân dân xã Sả Hồ (Lào Cai) do khối thanh niên công nhân viên chức Thủ đô phối hợp với Đồn biên phòng 241 (Mường Khương, Lào Cai) tham gia quyên góp, ủng hộ gần 30 triệu đồng và huy động 200 ngày công xây dựng năm 2008. Cây cầu này đã góp phần đảm bảo an toàn cho các em thiếu nhi khi đi học qua suối và cải thiện cuộc sống của người dân , để lại hình ảnh đẹp của người chiến sỹ mang quân hàm xanh cũng như các chiến sĩ áo xanh tình nguyện trong lòng nhân dân.
Đại úy Nguyễn Thành Lâm (Chính trị viên phó Đồn biên phòng 241 Mường Khương, Lào Cai) xúc động cho biết: Thôn Sả Hồ nằm biệt lập so với đường quốc lộ, cách biệt 1 con suối, do vậy các em học sinh đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ. Cả thầy và trò ở đây khi đi qua suối nhiều lúc bị ngã, thậm chí còn bị gẫy chân gẫy tay, phải nghỉ học. Hoạt động sản xuất chủ yếu của bà con là trồng ngô trên các sườn núi cao, khi thu hoạch họ phải gùi ngô trên lưng mang qua suối ra đường quốc lộ để đi tiêu thụ.
Đại úy Nguyễn Thành Lâm (Chính trị viên phó Đồn biên phòng 241 Mường Khương, Lào Cai) cho biết thêm: “Trên địa bàn của chúng tôi bây giờ có 41 thôn, có cả những thôn giáp biên, điều kiện đi lại khó khăn. Bởi vậy, chúng tôi còn cần nhiều cây cầu như của thôn Sả Hồ, để bà con có điều kiện phát triển kinh tế xã hội. Mong Thành đoàn Hà Nội và các ban, ngành, đoàn thể tổ chức nhiều hơn các hoạt động phối hợp để có nhiều hơn nữa cây cầu như cầu Sả Hồ".
Cùng với việc chung tay, góp sức giúp đỡ đồng bào vùng biên giới, hải đảo, tuổi trẻ Thủ đô còn có nhiều hoạt động thiết thực, quan tâm chăm sóc gia đình các cán bộ chiến sỹ đang làm nhiệm vụ tại Quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1. Trong đó, có nhiều gia đình có hoàn cảnh đặc biệt được đoàn thanh niên các cấp thường xuyên thăm hỏi, giúp đỡ. Điển hình như trường hợp gia đình của liệt sỹ Nguyễn Văn Cường ( người đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ tại đảo Đá Lớn, Quần đảo Trường Sa). Gia đình liệt sỹ được Thành đoàn Hà Nội thường xuyên thăm hỏi, quan tâm chăm sóc, động viên gia đình. Mùa hè năm nay, em gái của liệt sỹ Nguyễn Văn Cường là Nguyễn Thị Huế dự thi vào trường đại học Công nghiệp đã nhận được sự quan tâm, chăm sóc chu đáo của thanh niên tình nguyện Thủ đô trong việc tìm nhà trọ miễn phí, tư vấn, động viên Huế tự tin làm bài thi…