Tuổi 19 của Quách Thị Lan
(Thethaovanhoa.vn) - Quách Thị Lan đã làm dậy sóng sân vận động trung tâm của ASIAD 17 khi xuất sắc mang tấm HCB về cho đoàn Thể thao Việt Nam ở nội dung 400m nữ, với thành tích 52 giây 06.
Huy chương vàng thuộc về VĐV Oluwakemi Adekoya (Bahrain) với thành tích 51 giây 59.
Xuấn thần Quách Thị Lan
Ngay sau khi Lan về đích, HLV trưởng Nguyễn Trọng Hổ khi thấy phóng viên vây quanh đã phân trần: “Mong các phóng viên hãy chia sẻ với những áp lực của điền kinh Việt Nam cũng như bản thân tổ điền kinh chúng tôi. Nếu không có chuyến đi Mỹ tập huấn vừa qua, chắc chắn Quách Thị Lan sẽ không thể đạt thành tích như hôm nay.
Quan trọng hơn, các VĐV sẽ không thể mở mang điều kiện để vượt giới hạn. Chuyến tập huấn từ tháng 5 đến tháng 9 ở Mỹ chúng tôi đã bị chỉ trích rất lớn vì bị cho là tốn tiền, không giải quyết được gì. Nhân đây, tôi cũng cảm ơn anh Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT đã bảo vệ quan điểm cho điền kinh đi Mỹ hết mình".
Ông Hổ cho rằng Quách Thị Lan đã tuân thủ đúng chiến thuật, đeo bám sát đối thủ Ấn Độ đến cùng vì VĐV này doạt HCV ASIAD 16. Nếu cạnh tranh được đối thủ này, cơ hội có huy chương là chắc chắn.
Quách Thị Lan sau những giọt nước mắt vui mừng đã lấy lại bình tĩnh để chia sẻ: “Chuyến đi tập huấn ở Mỹ đã cho em nhiều điều, ngoài kiến thức thì làm cho sức bền, tốc độ được cải thiện vượt bậc.
Trước khi bước vào cuộc thi, em chỉ muốn chinh phục bản thân chứ không nghĩ sẽ đoạt huy chương bởi đối thủ rất mạnh. Em chỉ nhắm đến làm sao vượt qua VĐV Ấn Độ mà không ngờ đến VĐV Bahrain”.
Tuổi 19 của Quách Thị Lan đầy năng lượng. Cô chỉ mới dự SEA Games 2013 tại Myanmar. Nhưng Lan bảo đó là kỳ SEA Games đáng quên dù đoạt HCB cự ly 400m rào và 400m cá nhân.
Đây là kỳ ASIAD đầu tiên cô gái xứ Thanh tham gia và gặt ngay quả ngọt. Quách Thị Lan cũng là hiện tượng lạ kỳ của làng điền kinh Việt Nam.
Quách Thị Lan tham gia tập luyện rất muộn, khi đã 15 tuổi. HLV Nguyễn Trọng Hổ phân tích: "Thể thao Việt Nam có nhiều trường hợp tập luyện muộn. Điều đó cũng có cái hay là các em đã có phần chững chạc, không bị nhiễm kiểu đào tạo và thi đấu nặng về thành tích.
Chính áp lực thành tích đã khiến cho nhiều VĐV bị thui chột dù tài năng phát tiết sớm.
Chuyên gia Loren, đến từ học viện thể thao JMG (Mỹ) phấn chấn: “Tôi đã làm việc nhiều năm nhưng đây là khoảnh khắc làm tôi vui đến nghẹt thở. Mới sang Việt Nam từ tháng 5, thành tích của Lan là điểm tựa vững vàng để tôi cống hiến đóng góp chút công sức nhỏ bé để điền kinh Việt Nam phát triển”.
Và thất bại của Vũ Thị Hương
Nếu như Quách Thị Lan, sau khi về đích được phóng viên chờ đón thì Vũ Thị Hương không ng mấy người để ý vì xếp hạng 5 chung cuộc nội dung 100m. Trời đổ mưa rất to, cô vuốt nước mưa ngước nhìn bảng thành tích rồi một mình đi vào phòng thay đồ. Một hình ảnh đáng buồn vì trước đây đã nhiều lần Hương được khoác lá cờ Tổ quốc, gương mặt rạng ngời và được mọi người săn đón. Đây có lẽ là kỳ ASIAD cuối cùng của “cô gái vàng” của điền kinh Việt Nam. Với thể thao, điều sợ nhất chưa hẳn là chấn thương nhưng tuổi tác thì đành chịu. Vũ Thị Hương đã bộc lộ gánh nặng tuổi tác từ SEA Games 2013.
Với điền kinh, việc “liền chị” bị “liền em” soán ngôi là chuyện thường tình. Sau tấm HCB của Quách Thị Lan lời HLV Nguyễn Trọng Hổ cần thiết phải đánh giá lại mức độ đầu tư cho điền kinh một cách tổng thể. Chúng ta cùng chúc mừng cho tài năng trẻ Quách Thị Lan và sẻ chia với nỗi buồn của Vũ Thị Hương.
Trong niềm vui sau khi giành HCB nội dung chạy 400m nữ Quách Thị Lan đã gửi lời cảm ơn chương trình “chung sức cùng thể thao Việt Nam chinh phục ASIAN Games 17 và Asian Para Games 2014). “Em xin cảm ơn Báo Thể thao & Văn hóa/ TTXVN và nhà tài trợ, Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn- Hà Nội BSH đã kịp thời ghi nhận đóng góp của em. Em tin không chỉ cá nhân mình mà nhiều VĐV như được tiếp thêm sức mạnh từ chương trình. Mong mọi người hãy quan tâm hơn đến chúng em” – Quách Thị Lan tâm sự. |
Hữu Quý (Từ Incheon)
Thể thao & Văn hóa