Tuần hành phản đối cảnh sát bắn người tại nhiều thành phố của Mỹ
Những người biểu tình, mang theo các tấm áp-phích với những dòng chữ như "Chấm dứt việc cảnh sát giết người" hay "Vấn đề cuộc sống của người da màu", đã tuần hành dọc tuyến phố Broadway và đứng tràn ra các làn đường dành cho xe ô tô trên cầu Brooklyn, khiến giao thông tại đây tắc nghẽn. Thành phần tham gia biểu tình chủ yếu là những thanh niên trẻ người da màu, da trắng và người gốc La tinh. Đã có một số người biểu tình quá khích bị bắt giữ.
Trao đổi với báo giới, những người tổ chức biểu tình cho biết kể từ tháng 1/2015, cảnh sát Mỹ đã bắn hơn 90 người không có vũ trang, gây phẫn nộ trong dư luận. Ngoài cuộc biểu tình tại New York, người dân ở hai thành phố lớn là Los Angeles và Chicago cũng xuống đường tuần hành nhằm phản đối những vụ việc trên.
Tại Mỹ thường xảy ra nhiều tranh cãi liên quan đến sự phân biệt đối xử của giới chức thực thi pháp luật vốn có phần đông là người da trắng với các công dân da màu. Hồi tuần trước, một sĩ quan cảnh sát bang Carolina Nam đã bị sa thải sau khi bị cáo buộc giết người khi bắn chết người đàn ông da màu Walter Scott không có vũ khí.
Mới đây nhất, ngày 13/4, Các công tố viên hạt Tulsa, bang Oklahoma, đã buộc tội ngộ sát đối với Robert Bates, một cảnh sát dự bị hạt này, vì đã bắn chết một người da màu do nhầm lẫn súng quân dụng là súng điện.
Căng thẳng cũng gia tăng nhiều tháng qua tại Mỹ liên quan đến các vụ cảnh sát da trắng làm chết người da màu nhưng được các bồi thẩm đoàn miễn truy tố. Điển hình trong số này là vụ thanh niên da màu Michael Brown bị bắn chết ở thị trấn Ferguson và người đàn ông da màu Eric Garner thiệt mạng do bị cảnh sát khống chế quá tay.
Nhiều cuộc biểu tình leo thang mạnh, châm ngòi cho một số hành động trả thù như vụ Ismaaiyl Brinsley, 28 tuổi, thành viên của một tổ chức xã hội đen ở Baltimore, bắn chết hai cảnh sát New York để trả thù cho công dân da màu Garner.
TTXVN