Từ ý tưởng của Xuân Trường đến mối lo HLV Park Hang Seo
(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện tiền vệ Lương Xuân Trường của HAGL và đội tuyển Việt Nam khởi nghiệp với vai trò đồng sáng lập trung tâm phục hồi chấn thương thể thao khai trương cuối tuần qua thêm một lần nữa khiến chúng ta phải nhớ rằng chấn thương là điều có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đây cũng là mối lo của HLV Park Hang Seo khi đội tuyển Việt Nam thi đấu vòng loại World Cup 2022 sau đây 3 tháng.
Đội tuyển Việt Nam đã hơn 1 năm không thi đấu quốc tế, 2 trận đấu tập nội bộ cùng các đàn em U22 hồi tháng 12/2020 là quá ít để HLV Park Hang Seo có thể bao quát hết được tình hình nhân sự cũng như phong độ của các học trò. Nhưng không vì thế mà những chấn thương của một số cầu thủ trụ cột không làm HLV Park Hang Seo phiền lòng khi bắt tay tái chuẩn bị cùng đội tuyển Việt Nam cho các trận đấu còn lại của vòng loại thứ 2 World Cup 2022 sau khi giải đấu đã bị hoãn đi hoãn lại nhiều lần vì dịch bệnh Covid-19 bùng phát.
Mới nhất, sau khi được các chuyên gia cùng bác sĩ đầu ngành hội chẩn lại, Đoàn Văn Hậu được chẩn đoán là ít nhất cũng phải đến đầu tháng 5 mới có thể bước vào giai đoạn cuối của phác đồ điều trị chấn thương rách sụn chêm ngoài đầu gối gặp phải hồi tháng 9/2020, sau khi trở về từ CLB Heerenveen (Hà Lan) và lên bàn mổ vào tháng 10.
Điều đó cũng đồng nghĩa với việc có tới 99% Văn Hậu không thi đấu được cùng đội tuyển Việt Nam khi gặp Indonesia, Malaysia và UAE trong tháng 6 tới vì không tập với bóng, không đá V-League thì việc thi đấu cho ĐTQG là bất khả khi.
Mất Văn Hậu cũng không phải là tổn thất lực lượng duy nhất mà HLV Park Hang Seo phải đối mặt khi dẫn quân đấu các đối thủ tại bảng G vòng loại World Cup 2022 vì còn đó trường hợp Trọng Hoàng bị treo giò hay Đình Trọng, Duy Mạnh vẫn chưa lấy lại được phong độ đỉnh cao sau một thời gian dài vật lộn với chấn thương và tăng tốc trong quá trình hồi phục.
Vẫn biết ở thời điểm hiện tại, đội tuyển Việt Nam không quá thiếu hụt về nhân sự ở hàng phòng ngự, đến mức bị coi là “khủng hoảng” nhưng cùng lúc vắng cả Văn Hậu, Đình Trọng, Duy Mạnh, Trọng Hoàng, thậm chí cả Văn Lâm, những quân át chủ bài trong các chiến dịch thành công tại AFF Cup 2018, vòng loại ASIAN Cup 2019 và vòng loại World Cup 2022 tính cho đến thời điểm này thì đó là bài toán cực kỳ nan giải.
Trong bối cảnh mà các đối thủ cạnh tranh liên tục bổ sung lực lượng, nhất là nhập tịch cho các cầu thủ nước ngoài vào đội hình, thì việc đội tuyển Việt Nam cứ bị bào mòn lực lượng vì những lý do khác nhau, bao gồm cả chấn thương thì đó là thông tin không lấy gì làm vui vẻ cho người làm chuyên môn hay các CĐV quan tâm, yêu mến thầy trò HLV Park Hang Seo.
Chấn thương là điều vốn dĩ không có cầu thủ nào trên thế giới này, dù là chuyên nghiệp hay chỉ chơi bóng nghiệp dư mong muốn. Nhưng một khi may mắn không đứng về phía mình, chấn thương xảy đến thì các cầu thủ phải nhanh chóng lấy lại sự bình tĩnh, ổn định tâm lý, xác định rõ ràng mục tiêu cho đúng để tuân thủ đúng hướng dẫn, phác đồ điều trị mà các bác sĩ đề ra, tránh trường hợp nôn nóng, đốt cháy giai đoạn chỉ vì muốn nhanh chóng thi đấu trở lại mà chủ quan không đảm bảo quá trình hồi phục, tập luyện như đúng quy định tối thiểu, yêu cầu của bác sĩ.
Như thế, không những chấn thương không khỏi hoàn toàn mà để tái phát, mức độ ảnh hưởng còn nghiêm trọng và thời gian điều trị càng đòi hỏi nhiều hơn.
Ý thức của chính VĐV, cầu thủ chuyên nghiệp trong việc điều trị chấn thương là cực kỳ quan trọng, bên cạnh đó là sự hỗ trợ của các bác sĩ, chuyên gia, những người có chuyên môn cao và các bệnh viện, cơ sở điều trị chấn thương uy tín.
Lâm Chi