Tư vấn cho hơn 400 người trẻ, chuyên gia tài chính nhận ra 5 sai lầm về tiền bạc ai cũng mắc phải: Không thay đổi thì tuổi già cơ cực
Hiện nay nhiều người trẻ vẫn mắc phải 5 sai lầm này mà không hay biết. Nếu cứ tiếp diễn, bạn sẽ cảm thấy hối hận ở tuổi trung niên.
Bài viết dưới đây là chia sẻ của Bryan M. Kuderna, người dẫn chương trình “The Kuderna Podcast”, tác giả của “Millennial Millionaire”. Ông là người sáng lập Kuderna Financial Team, công ty dịch vụ tài chính có trụ sở tại New Jersey.
Bryan M. Kuderna. Ảnh: Internet
Con đường dẫn đến sự độc lập về tài chính có thể là một cuộc đấu tranh đối với nhiều người, đặc biệt với người trẻ. Tuy nhiên điều này không phải là không thể nếu bạn có đủ kiến thức và cam kết đưa ra những quyết định tài chính thông minh.
Là một nhà lập kế hoạch tài chính từng làm việc với hơn 400 người trẻ, tôi đã chứng kiến nhiều người trong số họ rơi vào cái bẫy chờ đợi "thời điểm thích hợp" để bắt đầu tiết kiệm.
Thời điểm đúng nhất luôn là càng sớm càng tốt. Nếu bạn chưa bắt đầu tiết kiệm, đây là thời điểm xác định những thói quen tài chính xấu của mình và khắc phục chúng ngay lập tức.
Dựa trên kinh nghiệm của tôi, đây là 5 sai lầm lớn nhất về tiền bạc mà những người trẻ mắc phải:
1. Để nợ thẻ tín dụng chồng chất
Ảnh: Internet
Sử dụng thẻ tín dụng thường xuyên và có trách nhiệm là một trong những cách hiệu quả nhất để xây dựng - hoặc xây dựng lại tín dụng của bạn. Điểm tín dụng tốt có thể giúp xác định liệu bạn có được chấp thuận cho vay thế chấp, vay mua ô tô thậm chí là một căn hộ hay không.
Thực tế, phần lớn thế hệ trẻ mà tôi làm việc cùng vẫn đang vật lộn để trả nợ thẻ tín dụng. Theo một cuộc thăm dò gần đây từ Credit Cards, cứ 4 thanh niên sẽ có 1 người đã có số dư trên thẻ tín dụng của mình trong ít nhất một năm.
Có 2 quy tắc quan trọng khi sử dụng thẻ tín dụng: Đừng dựa vào đó để chi trả cho những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống và đừng chi tiêu quá tay vào những thứ bạn không cần.
Nếu là sinh viên vừa ra trường và mới bắt đầu đi làm, hãy cố gắng gửi càng nhiều tiền càng tốt vào tài khoản ngân hàng trong 6 tháng đầu tiên của sự nghiệp. Điều này sẽ giúp bạn có một khởi đầu thuận lợi trong việc xây dựng tài khoản tiết kiệm của mình. Điều này giúp số dư thẻ tín dụng của bạn hàng tháng trở nên dễ dàng hơn.
2. Không có quỹ dự phòng và quỹ khẩn cấp
Mỗi lần tổ chức hội thảo về kiến thức tài chính cho sinh viên chưa tốt nghiệp, tôi đều hỏi họ mục tiêu lớn nhất sau khi tốt nghiệp đại học là gì. Mua nhà là câu trả lời tôi nhận được phổ biến nhất. Trong khi đó điều quan trọng hơn là xây dựng quỹ khẩn cấp thì tôi lại không thấy.
Tôi đã thấy nhiều người mắc sai lầm này. Họ chỉ để dành tiền cho cho một quỹ duy nhất, thậm chí nhiều người còn chẳng có quỹ nào. Kết quả là họ mắc nợ và phải rút tiền từ tài khoản tiết kiệm của mình.
Ảnh: Internet
Trước hết, điều quan trọng là bạn phải hiểu rằng đây là 2 điều hoàn toàn khác nhau. Quỹ khẩn cấp là lưới an toàn được sử dụng trong trường hợp bạn gặp phải những tình huống khẩn cấp về tài chính như mất việc làm, bệnh tật hoặc tai nạn...
Thông thường, một quỹ khẩn cấp sẽ cung cấp một khoản chi phí sinh hoạt từ 3-6 tháng. Để tính toán xem mình cần bao nhiêu cho quỹ dự phòng bất trắc, bạn cần nắm rõ số tiền sẽ chi tiêu trong tương lai cho những thứ như vật dụng gia đình, thực phẩm và bảo hiểm.
3. Chi tiêu theo tỷ lệ thu nhập
Khi còn trẻ, sống cho hiện tại nghe có vẻ hấp dẫn hơn nhiều so với việc lên kế hoạch cho tương lai. Tuy nhiên bạn sẽ không bao giờ đạt được tự do tài chính nếu cứ tiếp tục rơi vào cái bẫy "lạm phát lối sống" - tăng chi tiêu khi thu nhập tăng lên.
Điều này có nghĩa là đừng nâng cấp lên căn hộ lớn hơn chỉ vì bạn được tăng lương. Đừng lên kế hoạch cho một kỳ nghỉ đắt tiền chỉ vì bạn được thưởng. Thay vào đó, hãy nghĩ đến tương lai và tiết kiệm số tiền đó hoặc sử dụng nó để trả bất kỳ khoản nợ hiện có nào.
Chỉ cần thắt lưng buộc bụng một chút, bạn có thể tăng số tiền của mình và chi tiêu cho những mục tiêu quan trọng hơn như mua nhà, nghỉ hưu sớm, bảo vệ gia đình hoặc thậm chí tổ chức đám cưới trong mơ.
4. Không chủ động về sức khỏe
Như Warren Buffett từng nói: “Bạn chỉ có một khối óc và một cơ thể trong suốt quãng đời còn lại. Nếu bạn không chăm sóc chúng khi còn trẻ, thì cũng giống như bỏ chiếc ô tô ra ngoài trời mưa đá và để rỉ sét ăn mòn”.
Bạn có thể tưởng tượng được rằng để loại bỏ tất cả những vết rỉ sét trên chiếc ô tô đó không phải là điều đơn giản.
Vì thế chủ động về sức khỏe sẽ giúp bạn sống lâu hơn và ngăn ngừa chi phí chăm sóc sức khỏe trong tương lai.
Bạn có thể bắt đầu bằng cách duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên và kiểm tra sức khỏe định kỳ. Việc này sẽ giúp bạn duy trì cơ thể khỏe mạnh và sớm phát hiện các căn bệnh tiềm ẩn trước khi chúng trở nên nghiệm trọng.
5. Không tiết kiệm cho hưu trí
Ảnh: Internet
Tiết kiệm tiền hưu trí quá muộn là sai lầm lớn sẽ ám ảnh cả cuộc đời bạn sau này. Theo báo cáo năm 2018 của E-trade, hơn 1/3 số người trẻ rút tiền từ quỹ hưu trí để trả cho các kỳ nghỉ và chi tiêu cá nhân.
Mỗi năm, bạn nên để dành ít nhất 15% thu nhập trước thuế vào quỹ tiết kiệm hưu trí. Rất nhiều công ty đề nghị trả một phần tiền cho bạn vào quỹ hưu trí riêng của công ty.
Một trong câu tôi hay nghe từ người trẻ là: "Nhưng tôi chẳng làm ra nhiều tiền đến thế".
Nếu ở trong trường hợp đó, hãy thay đổi lối sống của mình, sao cho bạn vẫn có thể sống được dù phải tiêu ít hơn số tiền mình làm ra. Ngay cả việc để ra 20 USD/tháng cũng có thể làm nên sự khác biệt.