Từ trận so găng Mayweather - Pacquiao: Nhìn lại 10 phim hay nhất mọi thời đại về... đấm bốc
Không chỉ là môn thể thao đơn thuần, Boxing và điện ảnh vốn “quen biết” lâu năm. Sau đây là 10 phim hay nhất về đề tài trên:
Raging Bull (1980)
Kiệt tác điện ảnh năm của đạo diễn Martin Scorsese là một trong những phim hay nhất mọi thời về chủ đề thể thao và nam tính. Rất ít bộ phim có thể đề cập sâu sắc đến vậy về lý do tại sao con người có thể hy sinh rất nhiều để chứng tỏ khả năng thể chất.
Nhân vật chính trong phim là một võ sĩ chuyên nghiệp đầy tị nạnh và thịnh nộ như thể sự tồn tại của anh là đại diện cho một nửa nhân loại, Scorsese đã đưa lên màn ảnh hai hình ảnh đối lập: một gã đàn ông thịnh nộ đến xấu xí và không thể kiểm soát, nhưng nép đằng sau đó là một cậu bé cô đơn và sợ hãi.
Các màn đấm bốc trong phim cũng được dàn dựng với dụng ý nghệ thuật rõ ràng, từ thú vị, hấp dẫn đến đáng kinh tởm, bám sát diễn biến tâm lý nhân vật chính. Raging Bull chính là một đỉnh cao trong sự nghiệp điện ảnh chói sáng của Scorsese.
Rocky (1976)
Nhạc nền của Rocky đã bị “lạm dụng” qua khoảng 1.000 đoạn phim quảng cáo khác nhau (con số cường điệu), nhưng bộ phim không phải ngẫu nhiên mà trở thành điểm tham chiếu cho khán giả suốt ba thế hệ. Mang phong cách mỉa mai châm biếm nhưng cũng đầy chân thành, câu chuyện của Rocky đủ hấp dẫn để khiến khán giả nhướn mày, và hơn thế, không thể cưỡng lại.
Khá thú vị khi một trong những phim thăng hoa nhất (Rocky) và một trong những phim tăm tối nhất (RagingBull) mọi thời đều là về các võ sĩ đấm bốc.
When We Were Kings (1974)
Đây là một phim tài liệu nói về nhân vật vĩ đại nhất của làng quyền Anh thế giới: quyền anh: Muhammad Ali. Là một sự kiện được tổ chức trên sàn đấu có khán giả, đấm bốc vốn có tính điện ảnh, có câu chuyện và số phận. Không đáng ngạc nhiên khi trong số 10 phim hay nhất về đấm bốc có 1 phim tài liệu như When We Were Kings.
Bộ phim mô tả những diễn biến kịch tính trong sự nghiệp của Ali và làng quyền Anh thế giới vào năm 1974. Không chỉ là đấm bốc, phim còn phản ánh chủ nghĩa dân tộc, văn hóa của người da đen, vị thế độc nhất vô nhị của Ali - một phần như vị thánh tử vì đạo, một phần lại như một tên to mồm. Đó là một góc nhìn ly kỳ về xã hội và quyền Anh Mỹ ở một thời điểm lịch sử sôi động.
Million Dollar Baby (2004)
Không thể nói về Million Dollar Baby mà không khẳng định những bất ngờ bộ phim mang đến: một trong những phim hay nhất quyền Anh, lại là phim hiếm hoi có nhân vật chính là nữ, và là điểm sángtrong sự nghiệp đạo diễn kiêm diễn viên lừng danh của Clint Eastwood.
Ban đầu, bộ phim giống như sa vào một mô típ quá quen thuộc: kẻ yếu thế vượt qua khó khăn và chứng tỏ được tài năng, nhưng Million Dollar Baby còn đi xa hơn thế, với diễn xuất đoạt giải Oscar của nữ diễn viên Hilary Swank. Phim là câu chuyện về sự đấu tranh chống lại bất bình đẳng giới, của tình thân như phụ tử giữa thầy và trò đầy cảm động.
Fat City (1972)
Đạo diễn huyền thoại John Huston của Fat City cũng từng là võ sĩ quyền Anh. Bộ phim là sự phán ảnh những trải nghiệm của chính ông về những thăng trầm và sự thật cay đắng từ bên trong sàn đấu.
Nhân vật chính trong phim là võ sĩ đã xuống dốc Stacy Keach và võ sĩ đang lên Jeff Bridges. Cuộc đời như những đấu trường rộng lớn mà con người phải đỡ lấy những nhát đấm của cuộc đời và làm tất cả những gì họ có thể để sống sót. Phim buồn và bi quan, nhưng không thiếu chân thực.
Ali (2001)
Tên bộ phim chính là tên nhân vật chính. Đạo diễn tài năng Michael Mann cho thấy nhãn quan điện ảnh tuyệt vời ở bộ phim nói về những năm quan trọng nhất trong cuộc đời của huyền thoại đấm bốc Muhammad Ali. Đồng thời, phim cũng khai thác những diễn biến lịch sử trong phong trào dân quyền ở Mỹ thập niên 60.
Ngoài đấm bốc, hiếm có môn thể thao nào có thể được sử dụng cho mục đích tương tự. Chẳng hạn, một hàng phim nào đó sẽ cho khán giả của năm 2030 biết về lịch sử của những năm 2000 thông qua câu chuyện cuộc đời của David Beckham chăng? Khó lắm.
The Fighter (2010)
Bộ phim của đạo diễn David O. Russell (phim American Hustle) là một sự kết hợp của nhiều yếu tố đã xuất hiện trong các phim xuất sắc khác như Ragin Bull (tình anh em),Rocky (kẻ yếu thế) hay Ali (tính chất thời đại). Chính nhờ kết hợp nhuần nhuyễn, Russell đã làm nên một The Fighte rấn tượng, với diễn xuất của các ngôi sao như Christian Bale, Mark Wahlberg, Amy Adams...
Ngay cả ở thập niên 2010, các yếu tố trên vẫn còn tươi mới, cộng thêm yếu tố vai trò của người phụ nữ trong cuộc sống của các võ sĩ quyền Anh khiến The Fighter được đánh giá là một trong những phim hay nhất năm 2010.
Rocky IV (1985)
Nếu Rocky phần đầu tiên hoàn toàn phù hợp với thập niên 70, thì thập niên 80 đòi hỏi cách tiếp cận khác về chủ đề đấm bốc. Các phần tiếp theo không thực sự xuất sắc cho đến Rocky phần 4, bộ phim biến sự ngờ nghệch thành siêu việt.
Somebody Up There Likes Me (1956)
Tài tử đoản mệnh James Dean được chọn để đóng vai chính Rocky Graziano bộ phim kinh điển thập niên 50 này, nhưng anh qua đời vì tai nạn ô tô trước khi phim khởi quay. Diễn viên trẻ Paul Newman thế vai, và một ngôi sao được sinh ra từ đó.
Với nghệ thuật quay phim đen trắng tuyệt đẹp, nhờ sự chỉ dẫn trực tiếp của Robert Wise, nhà dựng phim của kiệt tác điện ảnh Citizen Kane, Somebody Up There Likes Me đã trở thành một trong những đại diện quý giá của Hollywood thời cổ.
Cinderella Man (2005)
Russell Crowe là một diễn viên cực kỳ nghiêm túc, và các diễn viên yêu thích vai võ sĩ quyền Anh vì vai diễn dạng này cho họ cơ hội dành vài tháng trong phòng tập thể dục để học hỏi những kỹ năng mới.
Dù kịch bản của Cinderella Man đôi chỗ hơi sướt mướt, Crowe vẫn có một vai diễn đầy sức nặng. Anh thể hiện chân dung một người đàn ông vững vàng giữa những tàn phá của cuộc Đại suy thoái.
Hạ Huyền (theo Telegraph)