Từ những vụ học sinh tự tử đau lòng: Cách nào vượt qua trầm cảm tuổi học đường?
(Thethaovanhoa.vn) - Liên tiếp những vụ học sinh tự tử những ngày gần đây khiến những người ở lại bàng hoàng, đau xót. Trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội như thế nào? Làm sao để trẻ vị thành niên vượt qua trầm cảm tuổi học đường?
Học sinh tự tử là... giọt nước tràn ly
Trong buổi tọa đàm Trầm cảm tuổi học đường: Cách nào vượt qua? do báo Đại đoàn kết tổ chức sáng 7/4, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho biết, chuyện trầm cảm ở học trò hiện nay là khá phổ biến. Những vụ việc học sinh tự sát liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây như giọt nước tràn ly, làm xã hội băn khoăn, lo lắng.
Theo GS. Nguyễn Lân Dũng, từ xưa chúng ta vẫn có câu “nhân chi sơ tính bản thiện”, trẻ em sinh ra đều tốt và vai trò của gia đình với tuổi học đường vô cùng quan trọng. Cha mẹ đừng nên tạo áp lực cho con trẻ, hãy để các em được phát triển vui tươi.
Nhà văn Hoàng Anh Tú chia sẻ, anh nhận được rất nhiều thư từ của các con khi là Anh Chánh Văn của báo Hoa Học Trò. "Các con chia sẻ rất nhiều áp lực, là những tâm sự, nỗi buồn và cả những bức xúc. Chúng tôi chứng kiến những đứa trẻ trưởng thành trong đau đớn. Cha mẹ mang áp lực công việc, xã hội về trút lên con, áp lực thành tích thầy cô trút lên học trò, những định kiến xã hội, áp lực từ bạn bè…
Người lớn coi tất cả những chuyện đó là bình thường, là của trẻ con, khiến các con cảm thấy cô độc. Nếu như thế hệ 6x, 7x, 8x còn có các tờ báo đề viết thư tâm sự thì các con bây giờ không có" - anh nhấn mạnh.
Chuyên gia tâm lý học Đinh Đoàn nhận định: "Dịch Covid-19 làm đảo lộn cuộc sống, nhìn chung, chúng ta đang chạy theo chứ chưa chủ động tính trước được... hậu Covid. Nếu để ý về tâm lý chúng ta dễ dàng nhận ra, sau một sự cố muốn tái khởi động chúng ta phải từ từ…
Gần 2 năm nghỉ hoặc học online, tại sao chúng ta không có lộ trình, tái khởi động bằng cách cho các em vừa chơi vừa học. Sau 2-3 tháng ổn định tinh thần mới học đúng theo thời khoá biểu. Tại sao chúng ta không đặt lại mục tiêu?
Vừa trở lại đã học như ban đầu, học bù thời gian nghỉ thì không khác gì chúng ta bắt người vừa ốm dậy phải gánh nặng gấp đôi. Giá như nhà trường có tính đến lộ trình cho học sinh trở lại thì không có gì phải sốc. Nếu mỗi giai đoạn chúng ta đặt mục tiêu vừa tầm, vừa sức thì sẽ không cảm thấy quá áp lực như vậy".
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng và chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn cùng quan điểm rằng, thành tích và áp lực là cần thiết để phát triển nhưng thành tích đó phải lành mạnh. Khẩu hiệu thi đua học tốt, dạy tốt không có nghĩa là chạy theo thành tích. Bệnh thành tích là việc đặt mục tiêu quá lớn, quá sức, là khi áp lực không thể kiểm soát.
Bảo vệ trẻ em trên mạng xã hội
Vấn để bảo vệ trẻ em trên mạng xã hội cũng được các chuyên gia bàn luận trong tọa đàm. Khẳng định trong xã hội hiện đại, việc cấm con dùng mạng xã hội là không thể, nên chúng ta phải học cách "sống chung". Người lớn có thể phân biệt được tốt xấu trên mạng nhưng trẻ em thì chưa đủ khả năng tự bảo vệ mình nên đôi khi bị cuốn vào vòng xoáy.
Theo diễn viên Thu Quỳnh thì người lớn phải làm gương: "Người lớn suốt ngày nhìn vào chiếc điện thoại thì không tránh khỏi các con cũng như vậy. Tại sao chúng ta không thử thách chính mình, ít sử dụng điện thoại, mạng xã hội, dành thời gian trò chuyện, vui chơi cùng con để thấu hiểu suy nghĩ của con".
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng thì cho rằng, mỗi người đều có quỹ thời gian một ngày giống nhau, nên hướng các con vào đam mê học hỏi, tìm hiểu những thứ bổ ích thì tự các con sẽ không còn thời gian dùng mạng xã hội.
Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý, hạn chế những thông tin độc hại trên mạng. Cùng với đó, cha mẹ, thầy cô phải đứng về phía trẻ chứ đừng đối đầu.
- Hồ Quang Hiếu trở lại sau 2 năm trầm cảm, nói rõ mối quan hệ với Thiên An
- Quang Hà trầm cảm vì liveshow 11 tỷ đồng tiếp tục bị hoãn lần 2
- 'Đại dương đen' - câu chuyện từ thế giới của trầm cảm
Dấu hiệu trầm cảm
Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Thị Vân Anh cho biết, tỉ lệ trầm cảm ở trẻ em và vị thành niên tương đối lớn. Về mặt bệnh lý, các trường hợp đến khám trực tiếp chuyên khoa rất đa dạng về rối loạn cảm xúc hàng đầu như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực… Ngoài ra các em cũng mắc phải một số rối loạn hành vi như nghiện game, nghiện mạng xã hội và các rối loạn thần…
Rất ít các trường hợp có triệu chứng nhẹ do bố mẹ sớm phát hiện ra. Đa phần các trường hợp đến khi các triệu chứng đã rõ và bệnh đã nặng nề. Có trường hợp phải cấp cứu vì nhịn ăn nhiều tháng, đến viện trong tình trạng suy kiệt, giảm quá nhiều cân. Một số trường hợp nhập viện với tình trạng chi chít vết cắt trên người, và có những trường hợp được chuyển từ các khoa khác với tình trạng tự sát hoặc tự sát nhiều lần...
Với trẻ vị thành niên, các dấu hiệu của trầm cảm rất đa dạng, thường mất thời gian khoảng 2 tuần để chẩn đoán trầm cảm. Các biểu hiện của trầm cảm là các em cáu kỉnh, hay khóc, thay đổi cảm xúc, mất hi vọng, không tin vào tương lai; các triệu chứng cơ thể đau đầu, đau thay đổi vị trí; chán ăn, sút cân hoặc ăn nhiều béo phì, đảo lộn chu kỳ giấc ngủ hoặc ngủ nhiều hơn...
Ở trường, các em có biểu hiện giảm tập trung, ảnh hưởng kết quả học tập; thu mình, bị cô lập, bị bắt nạt; dành thời gian nhiều hơn cho internet, sử dụng chất gây nghiện, chơi game; nặng hơn là triệu chứng ảo giác, hoang tưởng; nặng nhất là suy nghĩ, hành vi tự sát...
Chìa khóa của giáo dục là yêu thương
Các chuyên gia dự tọa đàm Trầm cảm tuổi học đường: Cách nào vượt qua? có chung quan điểm, yêu thương là chìa khóa để giáo dục trẻ em, trẻ vị thành niên.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng, cha mẹ và thầy cô phải là tấm gương sáng cho con noi theo: "Điều cha mẹ mong muốn ở con cái không gì ngoài việc con tử tế, vì thế hãy quan tâm con về trí tuệ, đạo đức, hạnh phúc. Thầy cô cần yêu thương học sinh, làm sao để mỗi ngày đến trường là một ngày vui, vừa dạy chữ, vừa dạy cách làm người, để mỗi kỳ thi học sinh cảm thấy mình trưởng thành hơn chứ không phải nỗi sợ hãi".
Theo nhà văn Hoàng Anh Tú: "Cha mẹ cần thể hiện tìnhyêu như thế nào để con cảm nhận được. Cùng với đó, phải làm sao để các con nhận ra được giá trị của bản thân mình. Trò chuyện, giữ kết nối với con là điều hết sức quan trọng".
Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn cho rằng: "Nhiều người nói "tôi sống chỉ vì con", "tôi yêu thương và sẵn sàng hi sinh cho con", "con là tất cả đối với tôi"... nhưng có đúng như vậy không? Con mất ngủ, con lơ ngơ suốt thời gian dài, con thấy khổ tâm điều gì mà bố mẹ không biết, vậy là yêu kiểu gì? Hãy là bạn đồng hành với con, cùng con bước đi chứ đừng chỉ biết kiếm tiền, lo tương lai xa vời quá.
Hãy xem xét lại chúng ta nói với con thế nào, có phải nói chuyện hay chúng ta đang tra khảo chúng? Đừng bắt trẻ con lớn như mình, hãy hạ mình xuống lắng nghe chúng. Một hành động quan tâm của bố mẹ bằng vạn lời nói, để lưu lại thành ký ức giúp trẻ trưởng thành. Hãy tạo ra những niềm vui, để con trở thành vĩ đại trong mắt mình... Cuộc sống vui vẻ, nhẹ nhàng là cách phòng tránh trầm cảm tốt nhất".
Tiểu Phong. Ảnh: Quang Vinh