Từ những sự ra đi bàng hoàng của người trẻ: Bao dung thêm một chút, vì có những mặt trời đã quá cô đơn!
Đôi khi chúng ta cho đi quá nhiều tình yêu thương và sự mong chờ, nhưng lại thiếu sự lắng nghe và chấp nhận.
Những ngày qua, thông tin về Moonbin, thành viên của nhóm ASTRO tự sát tại nhà riêng khiến những người hâm mộ và yêu mến chàng trai trẻ vô cùng đau lòng. Nhưng đâu chỉ fan, ai trong chúng ta khi nghe tin người nào đó vừa tự kết liễu đời mình hẳn đều sẽ cảm thấy buồn và tiếc nuối. Câu chuyện của Moonbin tiếp tục nối dài thêm danh sách những nghệ sĩ Hàn Quốc qua đời bằng cách đau lòng. Thế nhưng, hầu hết những người quan tâm đến Moonbin đều cảm thấy bàng hoàng khi cuộc sống của Moonbin dường như đang tốt đẹp, anh được người thân và bạn bè tin tưởng, yêu mến, sự nghiệp cũng đang trên đà phát triển. Những câu hỏi “tại sao” rồi đến những lời tiếc thương bao hàm cả ý trách móc như “cuộc sống tốt thế sao lại tự tử” cũng bắt đầu xuất hiện.
Nếu ai đó thực sự hạnh phúc, liệu họ có sợ phải sống không?
Sự việc của Moonbin dễ gây liên tưởng đến bộ phim Dương Quang Phổ Chiếu (A Sun) của đạo diễn Chung Mạnh Hoành. Bộ phim từng khiến nhiều người giật mình nhìn lại xung quanh khi nhắc đến vấn đề tự tử của những “con ngoan trò giỏi”.
A Hào (Hứa Quang Hán) là con cả trong gia đình của ông Trần. Trái ngược với cậu em A Hoà (Vu Kiến Hoà) ngỗ nghịch, giao lưu bạn xấu, gây chuyện đến mức đi tù khiến cha mẹ không thể tin tưởng thì A Hào như một mặt trời lúc nào cũng khiến người khác an tâm. Cậu là học sinh ưu tú, lúc nào cũng điềm đạm và chu đáo, là một niềm tự hào của gia đình, đồng thời cũng là điều khiến cậu em trai luôn trốn tránh và cảm thấy xấu hổ. Thế nhưng, A Hào đã chọn cách tự sát trong sự bàng hoàng của tất cả mọi người. Không có một câu chuyện hay lý do trực diện nào dẫn đến việc tự hoại của A Hào, mà đó là kết quả của một sự đè nén dai dẳng trong sự cô đơn lẫn kỳ vọng. A Hào như một vầng dương chói loá, mang đến sự ấm áp cho người khác, là niềm tin và cả sự yên tâm nhưng đồng thời sau bên trong cậu ấy chỉ được lấp đầy bởi cái khao khát được quan tâm và những nỗ lực đến kiệt sức.
Suy cho cùng, A Hào cũng chỉ là một đứa trẻ đang lớn. Thậm chí, một người lớn vẫn có nhu cầu được yêu thương mỗi ngày. Nhưng cay đắng thay cậu lại bị chính gia đình bỏ rơi trong sự kỳ vọng. Khi bạn trở nên giỏi giang, có thể khiến người khác an tâm thì đồng thời bạn sẽ dần rơi vào sự yêu thương một chiều, khi bạn phải liên tục cho đi sự yên tâm mà không được nhận lại sự quan tâm. A Hào đã phải vật lộn trong sự kỳ vọng và nỗi cô đơn để rồi lặng lẽ rời đi dưới màn đêm, trong sự chuẩn bị chu toàn nhất.
Đồng thời, chính sự toả rạng của A Hào lại khiến cậu em trai A Hoà như bị thiêu cháy, phải trốn chạy và thả trôi cuộc đời mình. Bộ phim lấy hình ảnh mặt trời làm trung tâm và khắc hoạ hai hình tượng trái ngược một cách thấm thía và vô cùng thực tế. Nếu A Hoà là một người người phải trốn chạy khỏi mặt trời, là soi chiếu cho những lỗi lầm rất đời thường của bao người thì A Hào phải trốn chạy khỏi việc trở thành mặt trời, hoài nghi với những niềm tin và sự hoàn hảo, bởi đến cuối cùng anh vẫn chỉ là một người con.
Chúng ta vẫn hay nói làm bố mẹ khó lắm, dạy con không hề đơn giản và đôi khi chúng ta lại nhân danh sự trưởng thành và những mệnh đề đúng sai đầy tính cá nhân để đối đãi với con cái mình. Làm trẻ con cũng không hề đơn giản, nhất là trong thời đại này, khi những gì bọn trẻ nghe được, nhìn được mỗi ngày đều vượt quá mật độ tư duy bình thường. Khủng hoảng hiện sinh những năm gần đây trở nên dày đặc và hiện hữu trong rất nhiều sản phẩm giải trí, như một sự phản chiếu thực tế và một lời cầu cứu đến tốc độ phát triển vượt ngưỡng của tất cả mọi thứ. Bộ não con người càng ngày sẽ càng nhỏ bé trước những vận động của vũ trụ.. Sự trống rỗng và hoài nghi sẽ ngày càng dễ “nảy mầm” trong chính những điều bình thường nhất. Khi một đứa trẻ đang lớn, chúng hồ hởi khám phá thế giới và tiếp nhận rất nhiều thông số, thông tin. Chúng trở nên như thế nào, trở thành ai đó là nhờ sự bảo hộ và dẫn dắt của môi trường sống, dạy dỗ và quan tâm. Thế nhưng tầm quan trọng của giáo dục từ gia đình không phải là sự ép buộc rập khuôn mà là cách nuôi dưỡng sự tự do phát triển.
Đối thoại với nhau luôn là điều tối quan trọng trong bất cứ mối quan hệ nào, không chỉ riêng việc dạy con. Đôi khi chúng ta cho đi quá nhiều tình yêu thương và sự mong chờ, nhưng lại thiếu sự lắng nghe và chấp nhận. Đôi khi chúng ta đứng ở vị thế bề trên vì đã có nhiều trải nghiệm trong đời mà quên rằng mỗi giai đoạn thời gian sẽ tạo nên những thế hệ khác nhau, mỗi bản thể sống trên đời này đều khác nhau. Một ai đó trải qua nhiều giông bão và va vấp, đúc kết được vô số kinh nghiệm sống thì chưa chắc những điều đó sẽ “đúng” với người khác.
Vì sao lại có những cụm từ gắn vào các thế hệ? Vì những đính kèm của thời gian và không gian sẽ góp phần tạo nên những khác biệt trong cách giáo dục và một con người lớn lên. Thời bố mẹ, ông bà phải vật lộn với cuộc sống sau chiến tranh, biến động kinh tế đã tạo nên những tôn chỉ và quan điểm sống khác bây giờ. Thời của Gen Z hay Millennials được bù đắp bởi vật chất thì lại tạo nên những khủng hoảng tâm lý từ bên trong. Thành thử ra, nếu chúng ta cảm thấy ai đó đang đủ đầy, có những thứ mà chúng ta muốn nhưng chưa chắc đó lại là thứ họ thật sự cần. Có những đứa trẻ ôm trong mình giấc mơ rất vĩ đại, nhưng lại ngại nói ra vì sợ người lớn chê cười. Có những người đã lớn nhưng không dám thể hiện sự thiếu sót của mình vì sợ người khác đánh giá. Cũng có những người trở thành hình mẫu cho người khác nhưng bên trong họ lại trống rỗng và hoài nghi sự tồn tại của bản thân, như A Hào trong Dương Quang Phổ Chiếu.
Mong rằng chúng ta hãy chậm lại vài phút, vài giây trước khi đánh giá hay nhìn nhận một vấn đề hoặc một ai đó. Một lời trách móc vu vơ không ác ý vẫn có thể trở thành đòn bẩy khiến họ phải rơi xuống và rồi ta lại trách họ nghĩ quá nhiều thay vì trách bản thân mình. Mặt trời có nhiệm vụ soi sáng thế gian nhưng vẫn đến lúc phải đi ngủ và nhường chỗ cho mặt trăng. Con người là con người, không phải ai cũng đủ dũng khí để mãi làm mặt trời của người khác, cô đơn lắm.