Từ 'mã code văn hóa' đến những ám ảnh
(Thethaovanhoa.vn) - Văn chương ẩm thực không chỉ mang đến những thông tin đơn thuần về đồ ăn, thức uống. Nó còn cung cấp những thông điệp về thời đại.
1. Viết về ẩm thực vừa dễ vừa khó. Dễ ở chỗ: Tác giả chỉ cần viết về những món ăn thân quen như đời sống diễn ra hằng ngày. Khó ở chỗ: Từ những món ăn thuần túy, người viết phải truyền tải được một câu chuyện văn chương, một ý tứ nghệ thuật. Nếu không, tác phẩm sẽ dễ bị đánh đồng với một cuốn cẩm nang ăn uống, một cuốn sách dạy kĩ thuật nấu ăn bình thường.
Nhà văn Di Li cho rằng, có sự mâu thuẫn khi nhiều người coi chuyện ăn là tầm thường, đưa vào văn chương thì không xứng đáng. Một cuốn sách về ẩm thực không giá trị bằng một cuốn sách phê bình hay một cuốn tiểu thuyết chăng? Văn học không nệ vào thể loại hay đề tài, bởi người viết văn chuyên nghiệp thì viết cái gì cũng có thể hay được. Ẩm thực khi đó không chỉ đơn thuần là khoái khẩu mà còn là "mã code"(mã hiệu, dấu hiệu nhận diện)của văn hóa, tôn giáo, lịch sử, mỹ học và tính cách dân tộc. Dưới ngòi bút của nhà văn, ẩm thực gọi ra được một vùng văn hóa.
Nói về điều này, nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho rằng, ở mỗi một dân tộc đều có một "mã code"văn hóa, trong đó ẩm thực là một con số nào đó. Đồng quan điểm, nhà văn Di Li bày tỏ, từ món ăn, ta đọc được rất nhiều thứ trong đó. Giống như một nhà văn Mỹ đã nói: Hãy chỉ cho tôi biết bạn ăn gì tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là ai.
Riêng ở Việt Nam, nơi có truyền thống ẩm thực lâu đời với hơn 3.000 món ăn rải rác khắp mọi miền, ẩm thực là một phần quan trọng của văn hóa. Có một sự thật: Không chỉ nhà thơ, nhà văn người Việt mới quan tâm đến văn hóa ẩm thực của dân tộc mình mà có một bộ phận người nước ngoài cũng thể hiện niềm yêu thích với các món ăn của Việt Nam, thậm chí viết về chủ đề này một cách khá hấp dẫn.
Bruce Weigl - một nhà thơ người Mỹ từng có thời gian là cựu binh tại Việt Nam, từng viết nhiều sách về Việt Nam, rất yêu nước mắm, dưa cà - chia sẻ: “Tôi đã từng đến Việt Nam với tư cách là một người lính Mỹ từ năm 1967. Sau nhiều năm, tôi đã học được rất nhiều văn hóa của Việt Nam. Có lẽ điều quan trọng nhất mà tôi học được về ẩm thực Việt Nam đó là sự cân bằng. Đó có thể là lý do tại sao mà tôi cảm thấy rất khỏe mạnh trong suốt quãng thời gian ở đây. Sự cân bằng này cũng là sự phản chiếu của văn hóa Việt Nam”.
Nhìn lại những trang viết về ẩm thực của những cây bút kinh điển như Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Băng Sơn,… ta thấy được những giá trị về văn hóa, nghệ thuật và tinh thần dân tộc. Lê Quang Trang trong Cảnh sắc và hương vị đất nước trong văn chương Nguyễn Tuân từng nhận định: “Ông nâng chuyện ăn uống lên như thú vui chơi nghệ thuật, một nét văn minh của tâm hồn dân tộc. Chính điều ấy đã góp phần dẫn đến những trang tuyệt tác của Nguyễn Tuân khi nói đến phở, đến chả, đến giò, đến trà, đến rượu, và cùng một vài tác giả văn học khác tạo nên những trang đặc sắc của văn chương ta khi bàn chuyện văn minh ẩm thực”.
2. Văn chương ẩm thực còn cung cấp cho người đọc những thông điệp về thời đại. Và phải chăngđời sống con người trong thời đại ngày nay với nỗi ám ảnh của thực phẩm bẩn cũng nên được nhà văn phản ánh trong những trang viết?
Văn chương luôn có tính lịch sử. Đọc những cuốn sách viết về ẩm thực của Thạch Lam chúng ta không thấy nỗi ám ảnh với thực phẩm, mà chỉ thấy những cái hay, cái đẹp tiềm ẩn trong ẩm thực Hà Nội 36 phố phường. Thấy một Nguyễn Tuân với cái ăn là “một nghệ thuật, một giá trị thẩm mỹ, một khám phá cái ngon lành của tạo hóa ban cho loài người”. Thấy một Vũ Bằng với “Miếng ngon Hà Nội”, chỉ đọc mà đã thấy tràn đầy hương vị.
Thế nhưng, có thể 50 năm hay 100 năm sau nữa độc giả có thể đọc Di Li hay Nguyễn Quang Thiều để thấy rằng thập niên 20 của thế kỷ 21, các nhà văn đã lo sợ về ẩm thực đến mức nào.Với nhà văn Nguyễn Quang Thiều, viết về ẩm thực không chỉ bàn về vẻ đẹp, một hành vi văn hóa, một sự hưởng thụ trong nghệ thuật ẩm thực, mà còn là cách đối diện với một thách thức, bởi bên mâm cơm của chúng ta luôn có một bóng ma đứng cạnh. “Những thứ tôi viết ra, nói ra, không phải hoài cổ. Tôi không phải kể về cái làng nhỏ bé của tôi. Tôi kể vì một ý nghĩa, tôi nói về một văn hóa, tôi nói về một sự tinh sạch của con người trước kia” - ông nói.
Những trang viết của Nguyễn Quang Thiều là nỗi xót xa khi môi trường sống, thiên nhiên bị tàn phá, sự hối hả của con người trong đời sống hiện đại. Hay nỗi ám ảnh của Di Li với thực phẩm bẩn trong một cách viết đầy hình tượng “thịt heo yêu quái thời nay tẩm ướp cả kháng sinh, thuốc tăng trọng rồi chất kích thích siêu nạc chưa kể còn được phun thuốc thay màu cho ra dáng hồng hồng, tươi tắn mà thực tế nó đã quy tiên từ mấy ngày trước đó rồi, thi thoảng heo còn được hóa phép thành bò…”.
Một nhà văn chuyên viết văn học ẩm thực người Mỹ, John T. Edge đã bày tỏ: “Ẩm thực là một phần của đời sống. Có thể nói nó là ngành công nghiệp lớn nhất của mỗi quốc gia. Ẩm thực không như tính dục, cho phép chúng ta được nuông chiều bản băng của mình một cách thường xuyên nhất. Thực phẩm, nếu thừa quá, thiếu quá, hoặc ăn ai cách, sai thực phẩm cũng là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ra bệnh tật và chết chóc”. Trong khi đó, văn học ẩm thực lấy ẩm thực làm đề tài. Vì vậy, dù viết ở nhiều hình thức khác nhau như tản văn, tùy bút, hồi ký hay du ký,… rõ ràng nhà văn phải mang được vào trong những trang viết của mình một phần hơi thở của đời sống, cũng như những câu chuyện ăn uống ở thời đại của mình: khoái khẩu có, đẹp đẽ có và ám ảnh, lo sợ cũng có.
Như cách nói của nhà báo Phan Đăng, qua những trang viết về ẩm thực, bên cạnh những rung động trước cái đẹp của ẩm thực, chúng ta có quyền cho những sợ hãi, chúng ta có quyền cho những run rẩy, chúng ta có quyền cho những lo âu. Bởi suy cho cùng sự lo âu, sợ hãi cũng là để bảo vệ cái đẹp.
Công Bắc