Từ lùm xùm cát - sê 'Hồ sơ lửa': Chiêu góp tiền 'ảo', chia tiền thật (Kỳ 3 & hết)
(Thethaovanhoa.vn) - Trong 7 ngành nghệ thuật, phim ảnh thường tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất về tiền bạc. Hiếm có nhà sản xuất nào bỏ 100% kinh phí để làm phim, luôn phải kêu gọi góp vốn, nên tự việc này đã tiềm ẩn rủi ro. Mà rủi ro đầu tiên và nguy hiểm nhất đến từ các phương cách huy động vốn không minh bạch, không chuyên nghiệp.
Dù rục rịch từ tháng 11/2011, nhưng đến nay phim Phật hoàng Trần Nhân Tông vẫn chưa quay được, vì gặp khó khăn ở khâu huy động vốn, và cả việc chậm tiến độ xây dựng phim trường cổ trang tại Yên Tử (Quảng Ninh).
Có lẽ chỉ khi nào phim trường này hoàn thành thì bộ phim kia mới có được ngày bấm máy chính thức.
“Thả tép bắt tôm”
Nhiều nhà sản xuất của Việt Nam hiện nay muốn dùng chiêu thức “thả tép bắt tôm” trong làm phim. Cách thường gặp như sau: Giả dụ tổng dự án phim truyền hình dự kiến là 300 tỷ đồng, họ có trong tay chừng 5-10% tiền mặt đã tiến hành làm, với hy vọng các nhà đầu tư khác thấy phim đã bấm máy thì yên tâm vào cuộc. Hoặc sẽ làm theo kiểu cuốn chiếu, lấy doanh thu phần 1 nuôi các phần tiếp theo. Nếu mọi việc suôn sẻ thì không nói làm gì, nhưng không phải lúc nào cũng vậy, nhà đầu tư, nhà đài, việc bán vé, quảng cáo… có vô số rủi ro.
Một cách khác, đó là “thả tôm bắt tép”, bằng cách khai khống mức đầu tư lớn để thu hút các nhà đầu tư nhỏ hơn. Ví dụ nói kinh phí làm phim là 12 tỷ đồng, hiện đã có 8 tỷ rồi (thể hiện qua các logo cỡ bự), đang cần thêm 4 tỷ nữa, nhưng thực ra phim chỉ được làm với 6 tỷ thôi. 4 tỷ thiếu ban đầu là “tép”, nhưng sau lại biến thành “tôm”. Éo le hơn nữa, nếu phim này chiếu có lãi, phía góp 8 tỷ tiền “ảo” lại được chia nhiều tiền hơn phía góp tiền thật.
Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cho biết khi người mẫu Ngọc Trinh mời anh làm Vòng eo 56 với kinh phí 18 tỷ đồng, nhưng anh đã chủ động giảm xuống còn hơn 8 tỷ đồng. Nếu Ngọc Trinh đã cầm sẵn 18 tỷ, rõ ràng cô đã có “lãi” ngay khi phim chưa bấm máy.
Nhận tiền lăng-xê
Các nhà sản xuất và đạo diễn có thể nhận tiền của diễn viên/doanh nhân để lăng-xê cho người đó. Điều này nếu suôn sẻ cũng không sao, dù vai diễn kia có kém nhiều phần thì vẫn chấp nhận được. Khổ một nỗi, nhiều khi phim đã đi vào sản xuất, người bỏ nhiều tiền để được lăng-xê kia lại đổi ý rút rui, thành ra đoàn phim vỡ trận và vỡ nợ.
Ở mức độ nguy hiểm hơn, người bỏ tiền đóng phim còn là nhà đầu tư cỡ bự, nghĩa là phim đó đang phụ thuộc quá lớn vào họ. Dù không có chuyên môn về phim nhưng họ cứ muốn lèo lái theo ý riêng, dẫn đến mâu thuẫn nội bộ, làm cho phim thất bại ngay từ khi mới sản xuất.
“Không được nhận tiền vì lý do người góp tiền đó muốn đóng vai quan trọng. Tài trợ cũng vậy, chúng ta chỉ nên đồng ý với những sản phẩm có thể phù hợp với kịch bản, chứ không nên miễn cưỡng” - đạo diễn Phillip Noyce cảnh báo.
Một thương vụ bài bản
Xem việc làm phim là một thương vụ bài bản đang được nhiều nhà sản xuất phim Việt lựa chọn. Nghĩa là quá trình huy động vốn phải hướng đến sự minh bạch, nơi các cổ đông có thể nắm tương đối rõ vốn thực sự của dự án, nắm được những chi phí và phát sinh, cũng như doanh thu phim nhận về. Không phải cách này sẽ không có rủi ro, nhưng đây là cách giúp hiểu rõ nhất về công việc đang làm, để có thể đi dường dài.
Hãng phim Chánh Phương có thể là một ví dụ cho cách vừa nêu. Bên cạnh những phim thành công, họ cũng có những phim thất bại nặng nề, nhưng những eo sèo, kiện tụng ít khi xảy ra. Thậm chí các đối tác góp vốn bị thất bại lần trước vẫn quay lại lần sau, vì họ thấy được sự minh bạch trong hợp tác.
Văn Bảy - Hoàng Nhân