(Thethaovanhoa.vn) - Mặc dù vẫn dành những lời khen ngợi cho những đồng nghiệp đến từ Malaysia, nhưng cô gái vàng Phan Thị Hà Thanh không quên nhắc nhở rằng Việt Nam mới là cường quốc số một khu vực về thể dục dụng cụ.
Trong ngày thi đấu hôm qua, bản quốc ca của Việt Nam luôn được đặt trong chế độ replay ở nhà thi đấu Bishan. Lý do: đội tuyển thể dục dụng cụ Việt Nam đã giành tới 4 trong tổng số 5 HCV trong ngày. Nội dung duy nhất, đoàn Việt Nam không có vàng là thể dục tự do nữ, khi Phan Thị Hà Thanh chỉ giành HCĐ với số điểm 13,433, sau Rifda Irfanalutfi của Indonesia (13,700), và Farah Ann Abdul Hadi (13,733).
Đây là tấm HCV mà Farah Ann rất mong chờ bởi ở cô đã giành 3 HCĐ và 1 HCB ở những nội dung cá nhân trước đó. “Tôi đã mơ về tấm HCV này rất lâu vì đó là nội dung ưa thích của tôi. Tôi muốn dành tặng nó cho HLV của tôi (Nataliya Sinkova). Thật thoải mái vì tôi đã chuẩn bị cho chiến thắng ấy 4 năm qua. Khi công bố kết quả, tôi và đồng đội đã bật khóc”
Farah Ann giành tấm HCV thể dục tự do nữ cho Malaysia
Phát biểu về đối thủ, Phan Thị Hà Thanh cho biết “Malaysia có một đội tuyển nữ mạnh với nhiều cá nhân giỏi. Tôi đánh giá cao họ. Nhưng ở Đông Nam Á, Việt Nam vẫn là số một.
Tại SEA Games 2015, Phan Thị Hà Thanh đã giành 3 tấm HCV ở các nội dung cá nhân toàn năng nữ, nhảy trống, và cầu thăng bằng - bằng thành tích của cả đội Malaysia (3 HCV), và gấp ba lần Thái Lan, Philippines (cùng 1 HCV).
Đinh Phương Thành cũng là một gương mặt nổi bật của đội tuyển thể dục dụng cụ Việt Nam ở SEA Games 2015 khi giành 4 HCV ở các nội dung cá nhân toàn năng nam, xà kép, xà đơn, và đồng đội nam. Tổng cộng, đội Việt Nam đã giành 9 huy chương vàng - một con số áp đảo so với những đối thủ.
Tại SEA Games 2011, đoàn thể dục dụng cụ Việt Nam cũng đã giành đến 12 tấm HCV, bỏ xa Thái Lan (5), Philippines (4). Chính vì e ngại sức mạnh của Việt Nam nên nước chủ nhà SEA Games 2013 Myanmar đã rút bộ môn này khỏi nội dung thi đấu.
T.C