Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh: Bài học từ đấu Kiếm
(Thethaovanhoa.vn) - Thêm tấm HCV đồng đội nam kiếm ba cạnh vào chiều qua 6/6, đấu kiếm nổi lên là một mỏ vàng của TTVN tại SEA Games 2015. Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh lý giải cho sự thành công đầy bất ngờ này.
Ông Nguyễn Hồng Minh nói: “Đấu kiếm môn thể thao xuất hiện ở Olympic hiện đại năm 1896, du nhập vào Việt Nam gần đây có công sức của ông Hoàng Vĩnh Giang sau khi kết thúc chương trình nghiên cứu sinh tại Nga. Ông ấy đã xây dựng cơ sở vật chất, cử cán bộ sang Liên Xô (cũ) học hỏi, tuyển chọn VĐV. Hà Nội là địa phương đầu tiên phát triển môn đấu kiếm và sau này mới được mở rộng lên bình diện quốc gia.
Ban đầu nhiều ý kiến cho rằng môn đấu kiếm không phù hợp phát triển ở Việt Nam, phải tới SEA Games 2003 mới có cơ hội thể hiện, và Nguyễn Thị Lệ Dung đã giành HCV cho Việt Nam (chị tiếp tục giành HCV lần này), mở đầu cho sự phát triển đấu kiếm.
Cách đây 4,5 năm đấu kiếm vẫn gặp những trở ngại trên con đường phát triển nhưng cho đến nay sau 13 năm, kể từ SEA Games 2003, đội tuyển Việt Nam đã có thành tích tốt, giành 2 HCĐ ASIAD 17 năm 2014, lấy suất dự Olympic London 2012, đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Kiếm đã đạt thành tích xuất sắc với những VĐV nổi bật như Lệ Dung giành 8 HCV SEA Games. Bây giờ, đấu kiếm Việt Nam có nhiều VĐV trẻ, vừa rồi Minh Quang (17 tuổi) đạt HCB, thắng VĐV Thái Lan báo hiệu chúng ta có những VĐV tốt.
Môn kiếm đã được đầu tư phát triển và tập trung được những VĐV ưu tú, đầu tư cho huấn luyện và thi đấu. Nhiều VĐV đấu kiếm được tập huấn, thi đấu quốc tế nhiều. Thời gian qua, đấu kiếm Việt Nam dự 9 giải quốc tế lớn như Cúp kiếm 3 cạnh tại Đức, kiếm chém nam tại Italy, Cúp đấu kiếm ở Canada, Bulgaria, giải vô địch trẻ châu Á tại UAE, Cup kiếm chém nữ ở Italy, Grand Prix tại Hàn Quốc… Đây là những điều kiện để VĐV va chạm rèn luyện, sau đó là chuyến tập huấn hơn 2 tháng ở Trung Quốc.
Được thi đấu tập huấn nhiều nên đấu kiếm được chuẩn bị kỹ cho SEA Games 2015. Đội tuyển đấu kiếm Việt Nam có những chuyên gia giỏi và việc mua sắm, dụng cụ phương tiện, tập huấn nhiều là cơ sở cho thành công của đấu kiếm. Ngoài ra còn phải kể đến sự đóng góp của các địa phương như Hải Dương (3 VĐV nữ Trần Thị Len, Hoài Thu, Lê Thị Bích), Bắc Ninh, TP.HCM mà điển hình là Tiến Nhật. Đây đều là những VĐV ưu tú.
Tại SEA Games 2015, đấu kiếm có 24 VĐV, việc họ giành 6 đến 7 HCV thì tôi cho rằng đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Chúng ta có quyền tin tưởng đấu kiếm đã và đang mang lại thành tích cho TTVN. Sau SEA Games đấu kiếm còn dự giải VĐ châu Á, giải VĐ thế giới và phấn đấu đạt chuẩn dự Olympic 2016.
Sự thống nhất ý thức để tập trung các VĐV ưu tú, được trang bị, tập huấn tốt sẽ đạt thành tích, đó là con đường phát triển đúng của Thể thao Việt Nam.
Lâm Chi (ghi)
Thể thao & Văn hóa