Từ giải Oscar dành cho 'The Shape of Water': Nhìn lại lịch sử dòng phim 'quái vật'
(Thethaovanhoa.vn) - Bộ phim kỳ ảo The Shape Of Water (Người đẹp & thủy quái) vừa giành 2 giải thưởng hàng đầu tại Oscar 2018 (Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất). Đây là bộ phim viễn tưởng thứ 2 giành giải Phim hay nhất trong lịch sử giải Oscar, sau The Lord of the Rings: The Return Of The King (2003).
- 'Giải mã' chiến thắng của 'phim vàng' Oscar lần thứ 90: The Shape Of Water
- 'The Shape Of Water' giành giải 'Phim xuất sắc nhất' ở Oscar lần thứ 90
- Phim thống trị đề cử Oscar ‘The Shape of Water’ bị kiện 'ăn cắp'
1. Không chỉ vậy, đó còn là sự ghi nhận về dòng phim "quái vật" - vốn đã xuất hiện từ thuở sơ khai của nền điện ảnh.
The Shape Of Water lấy bối cảnh tại Baltimore năm 1962, kể về một cô gái bị câm có tên Elisa (Sally Hawkins). Làm việc tại một phòng thí nghiệm an ninh cao cấp của chính phủ, Elisa luôn cảm thấy trống vắng, cô đơn.
Rồi cuộc đời cô gái thay đổi mãi mãi khi cô và cộng sự Zelda khám phá ra một vụ thí nghiệm kinh hoàng: tạo ra thủy quái lốt người (Doug Jones). Cô đã kết bạn với một sinh vật nửa người nửa lưỡng cư bị giam giữ tại đây.
Sự cô đơn và đồng cảm đã kéo hai tâm hồn đồng điệu lại gần nhau bất chấp sự khác biệt về giống loài. Song, mối tình của họ nhanh chóng biến thành thảm họa bởi những kẻ quản lý trung tâm.
Thành công của câu chuyện về mối tình nảy nở giữa thủy quái và cô gái câm trong The Shape Of Water tại lễ trao giải Oscar một lần nữa chứng minh sức hút của dòng phim này.
Trong quá khứ, các sinh vật kỳ dị của hãng Universal, câu chuyện ma Nhật Bản hiện đại và vô số các quái vật khác xoay quanh ý tưởng "undead" (người chết có thể cử động hoặc suy nghĩ như người sống) trong các trạng thái phân rã khác nhau có thể không thu hút được số đông khán giả - khi những bộ phim kiểu như vậy không dành cho những người "yếu bóng vía".
Nhưng The Shape Of Water lại không phải là phim rùng rợn mà kết hợp nhiều thể loại, từ hài và kỳ ảo tới khoa học viễn tưởng. Đạo diễn Del Toro đã khôn ngoan khi biết lợi dụng truyền thống làm phim về các quái vật của nền điện ảnh và thị trường rộng mở dành cho thể loại phim này.
"Quái vật không phải lúc nào cũng khiến người ta sợ hãi hoặc là nhân vật phản diện. Các quái vật trong Monsters Inc của Pixar hay nhân vật "Bigfoot" trong phim Harry And The Hendersons (1987) đều rất lôi cuốn và ngọt ngào" - John Landis, đạo diễn phim An American Werewolf In London (1981), viết trong cuốn sách Monsters In The Movies - "Kể cả quái vật nổi tiếng nhất, Frankenstein do Boris Karloff thủ diễn trong phim Frankenstein, cũng dễ bị tổn thương và đầy tình cảm".
2. Bộ phim câm Đức The Golem (1915) của Paul Wegener được xem là phim đầu tiên làm về quái vật, trong khi Nosferatu, hiện vẫn là một trong những phim rùng rợn được sùng bái nhất của Đức, ra đời 7 năm sau đó.
Phải đến những năm 1930, các nhà làm phim Mỹ mới lao vào dòng phim này và sản xuất một loạt phim mang ảnh hưởng của phim Đức, như Dracula, Frankenstein, The Mummy và The Invisible Man.
Nhiều thập kỷ sau đó, dòng phim này được tiếp nối với Công viên kỷ Jura (Jurassic Park - 1993), Cloverfield (2008), Troll Hunter (2010) và phim Pacific Rim (2013) của Del Toro, vốn nhận được nhiều lời phê bình tích cực và gặt hái cả thành công thương mại.
Song phim King Kong (1933), có lẽ là quái vật "khủng" nhất trên màn bạc và đã trở thành một biểu tượng văn hóa thông qua nhiều bản phim của Nhật Bản và Mỹ. Gần đây nhất, các phim King Kong (2005) và Kong: Skull Island (Kong: Đảo đầu lâu - 2017) đã thu về được hơn 1 tỷ USD từ các phòng vé trên toàn thế giới.
Các quái vật khác tạo được ấn tượng trong lòng khán giả còn phải kể đến những nhân vật trong phim Mighty Joe Young (1949) tới Jason And The Argonauts (1963) và Clash Of The Titans (1981) của bậc thầy hiệu ứng thị giác Ray Harryhausen.
Trong đó, bộ phim về khủng long The Beast From 20,000 Fathoms (1953) của Harryhausen đã tạo nên làn sóng làm phim về quái vật gắn với đề tài bom nguyên tử, thứ vũ khí hủy diệt là "nỗi ám ảnh" nhân loại của thời kỳ đó.
The Beast From 20,000 Fathoms kể chuyện một quả bom nguyên tử được thả ra ở Bắc Cực đã "rã đông" cho một con khủng long và nó đã biến New York thành một sân chơi mới cho mình,
3. Kendall Phillips, giáo sư Trường Đại học Syracuse đồng thời là tác giả của cuốn sách mới xuất bản A Place Of Darkness: The Rhetoric Of Horror In Early American Cinema, cho rằng "sự khác biệt" của các quái vật khiến con người kinh hãi, song nó cũng tạo nên sự đồng cảm bởi "ở sâu thẳm bên trong tất cả chúng ta cũng có chút gì đó giống quái vật".
"King Kong là một quái vật nguy hiểm khủng khiếp, kể cả trong phim năm 1933 và trong cả những phim mới, song nó vẫn nhận được sự đồng cảm nhất định từ phía khán giả" - Phillips nói với AFP.
Tuy nhiên, không phải lúc nào các nhân vật quái vật trong phim cũng chinh phục được khán giả, trong số đó thất bại đáng kể nhất là phim Xác ướp (The Mummy - 2017) của Universal. Phim chỉ nhận được 16% ủng hộ trên Rotten Tomatoes và lỗ khoảng 95 triệu USD.
Đáng nói là trong năm 2017, Guillermo del Toro lại thành công khi tung ra phim The Shape Of Water, được xem là bức thư tình ngọt ngào của kỷ nguyên khi phim nắm bắt được chiều sâu tinh thần của các quái vật đó.
Theo Phillips, The Shape Of Water là thuốc giải độc hữu hiệu cho các cuộc chiến văn hóa đang gây chia rẽ nước Mỹ.
"Phim là câu chuyện tình đẹp, kể về hai cá nhân thực sự cảm thấy bị phân cách và không thuộc về thế giới. Họ tìm mọi cách để thu hẹp khoảng cách đó" - Phillips nói.
Theo các nhà phê bình, một trong những sức mạnh giúp The Shape Of Water thuyết phục được các thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học & Nghệ thuật Điện ảnh là tính trung dung trong phim, một bộ phim không khiến người xem mất lòng. Trong khi đó, phim Three Billboards Outside Ebbing, Missouri được nhiều kỳ vọng song lại thất bại ở hạng mục hàng đầu này. |
Việt Lâm (tổng hợp)