'Tụ’ của 16 họa sĩ lứa đầu trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh
(Thethaovanhoa.vn) – Triển lãm Tụ của 16 họa sĩ thuộc lứa đầu trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh khai mạc 17h30 hôm nay (2/11) tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ (50, Đào Duy Từ, Hà Nội).
- Sẽ triển lãm ảnh 'Người Hà Nội ứng xử văn minh, thanh lịch'
- Đi tìm 'Linh hồn Hà Nội' cho sách ảnh và triển lãm về Thủ đô
Gần 40 bức tranh với nhiều chất liệu, triển lãm quy tụ các họa sĩ như: Đào Hải Phong, Nguyễn Từ Ninh, Trần Lưu Mỹ, Nguyễn Kim Sơn, Trần Thái, Tô Hiến Chiến, Nguyễn Lê Dũng, Đào Nguyên Nhất, Phan Thục Anh, Nguyễn Tuyết Lan, Nguyễn Đan Phượng, Hà Thanh Vân, Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Thế Hiệp, Đậu Quang Toàn, Nguyễn Tất Ngọc.
Tụ kỷ niệm 30 năm ngày ra trường (1987-2017), đồng thời là triển lãm chung đầu tiên của lớp mỹ thuật khóa 3 (1982-1987) Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Ở những độ tuổi khác nhau (từ 52 đến 70), với trải nghiệm và đời sống cá nhân khác nhau, mỗi họa sĩ có một cách biểu đạt nghệ thuật riêng của mình.
Nếu như tranh của họa sĩ Đào Hải Phong mang tính dân gian đương đại với bảng màu đối chọi mạnh, thì họa sĩ Đậu Quang Toàn lại sử dụng bảng màu trầm gồm những màu tương đồng.
Họa sĩ Trần Lưu Mỹ theo đuổi dòng tranh trừu tượng thì họa sĩ Nguyễn Tất Ngọc trở về hiện thực với những quang cảnh bình dị mang hơi thở làng quê. Họa sĩ Nguyễn Từ Ninh tìm mình ở chất liệu sơn mài, gợi hình bằng tâm trạng, tạo hình bằng mảng miếng thì họa sĩ Phan Thục Anh, Nguyễn Đan Phượng lại vẽ những tranh sơn dầu tĩnh vật nhẹ nhàng, tươi sáng. Trần Thái khai thác đề tài miền núi, những hình ảnh rất đời thường như lợn cắp nách, những cô gái tắm suối trong tranh của anh gợi lên bầu không khí thực sự yên bình và trong lành.
Tuy mỗi họa sĩ có một cách biểu đạt riêng nhưng điểm chung của họ là đã đem mỹ cảm sân khấu- điện ảnh vào tranh. Hiện thực qua con mắt của họ phần lớn hoặc được ước lệ, hoặc được phản chiếu dưới ánh sáng của sân khấu chứ không thuần túy là ánh sáng tự nhiên. Cho nên những khoảng sáng - tối, đậm - nhạt, hay những mảng mờ - nét của bức tranh là những khoảng “hiện thực được nhìn lại”, đọng lại, thậm chí là “hiện thực tưởng tượng”.
Hai chuyên ngành chính mà các họa sĩ lứa đầu trường Sân khấu- Điện ảnh được đào tạo là trở thành họa sĩ thiết kế mỹ thuật sân khấu và họa sĩ thiết kế điện ảnh. Hội họa tạo hình có những điểm khác với chuyên ngành đào tạo nhưng đó là nền tảng cơ bản để từ đó các họa sĩ làm nghề. Vô hình trung nền tảng đó lại một lần nữa kết nối, quy tụ họ lại trong một triển lãm, bỏ qua những ranh giới nghề nghiệp hay vị trí hiện tại mà họ đảm nhiệm.
Nói như họa sĩ Đào Hải Phong: “Nghệ thuật đẹp, đôi khi không phải là bằng thủ pháp thể hiện mà nó đẹp bởi tình cảm mang lại”. Theo nghĩa đó, “Tụ” sau 30 năm là một triển lãm có đủ yếu tố để “đẹp”.
Triển lãm mở cửa hết ngày 13/11/2017. Cùng xem 1 số tác phẩm tại triển lãm:
Một đỏ- Đào Hải Phong
Hoàng hôn đỏ- Đào Hải Phong
Khát vọng 1- Đậu Quang Toàn
Một ngày cuối năm- Nguyễn Từ Ninh
Không gian và thời gian - Nguyễn Kim Sơn
Khúc hoan ca - Phan Thục Anh
Suối và em- Trần Thái
Ký ức- Trần Lưu Mỹ
Tác phẩm của Nguyễn Thế Hiệp
Miu- Nguyễn Đan Phượng
Hoa chuối - Nguyễn Tuyết Lan
Chợ quê- Nguyễn Tất Ngọc
Hoài Ngọc