Từ cơn sốt 'Star Wars': Viễn cảnh về một cuộc chiến tranh không gian thực sự
(Thethaovanhoa.vn) - Hàng triệu người đã khoái trá thưởng thức các hình ảnh về những cuộc giao chiến trong không gian mà Hollywood đã tưởng tượng ra trong tập phim Star Wars mới nhất. Có điều họ không biết rằng viễn cảnh chiến tranh tại môi trường không gian không chỉ là sản phẩm hư cấu mà hoàn toàn có thể thành hiện thực.
- 'Star Wars', siêu phẩm không đáng xem?
- 'Star Wars' giúp hồi sinh nghệ thuật... múa rối
- Những lý do khiến 'Star Wars' phần mới là bộ phim đặc biệt
Những mục tiêu nằm ở độ cao 36.000 km
Nếu xảy ra, nhiều khả năng cuộc chiến ấy chỉ xoay quanh thứ rất có ý nghĩa với chúng ta: các vệ tinh.
Có thể nói rằng càng ngày vệ tinh càng trở nên quan trọng với đời sống của nhân loại. Vệ tinh giúp chúng ta xác định thời gian, dò đường, liên lạc, rút tiền từ một ngân hàng... Vệ tinh cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng với các quân đội hiện đại, mang tới khả năng do thám mục tiêu, dẫn đường vũ khí tới đích một cách chính xác.
Theo Singer, các vệ tinh hình thành cái gọi là "hệ thống thần kinh" trong quân đội Mỹ, được sử dụng để thực hiện 80% hoạt động liên lạc, bao gồm các cuộc gọi tới lực lượng vũ khí hạt nhân.
Theo Brian Weeden, cựu sĩ quan phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, Mỹ luôn cần có các kênh giao tiếp "hoàn toàn đáng tin cậy", hoạt động liên tục giữa Tổng thống Mỹ và lực lượng răn đe hạt nhân. Điều này nhằm đảm bảo khả năng tiến hành đáp trả trong tình huống bị đối phương dùng vũ khí hạt nhân tấn công. Các vệ tinh được thiết kế để cung cấp những cuộc gọi như thế, bên cạnh nhiều tính năng khác, như phát hiện nguy cơ bị tấn công hạt nhân.
Dựa vào những điều trên, có thể thấy cuộc sống thiếu vệ tinh là một cơn ác mộng cực lớn.
Vệ tinh thường nằm trên quỹ đạo địa tĩnh, cách xa mặt đất và cho tới gần đây vẫn được xem là an toàn trước nguy cơ bị tấn công. Tuy nhiên điều này đã không còn đúng nữa. Năm 2013, Trung Quốc đã bắn thử một quả tên lửa lên tới gần 36.000 km, độ cao mà các vệ tinh địa tĩnh thường hoạt động. Năm 2007, Trung Quốc cũng bắn nổ thành công một vệ tinh của nước này, đã không còn hoạt động.
Trong thông báo hiếm hoi được đưa ra trước công chúng hồi đầu năm nay, Tướng John Hyten thuộc Bộ Tư lệnh không gian của Mỹ đã lên tiếng báo động trước các cuộc thử nghiệm kiểu đó của Trung Quốc, nói rằng nó có thể đe dọa hệ thống vệ tinh Mỹ. Ông còn kêu gọi việc tìm ra cách bảo vệ các vệ tinh Mỹ.
Đưa vũ khí lên không gian
Đây không phải lần đầu tiên khả năng xung đột trên không gian được nêu ra. Năm 1983, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã triển khai Sáng kiến phòng vệ chiến lược, còn được biết tới với tên chương trình Chiến tranh giữa các vì sao. Chương trình này đề xuất việc chế tạo các vũ khí đặt trong không gian để chống lại tên lửa đạn đạo bắn sang từ Liên Xô.
Sự kiện đánh dấu một bước ngoặt mới, trong đó nước nào sở hữu sức mạnh trên không gian có thể phá vỡ sự cân bằng quyền lực trên Trái đất. Vì thế, một trong những phản ứng đầu tiên của Liên Xô là nghĩ cách bắn hạ các vệ tinh của Mỹ.
Bhupendra Jasani thuộc trường King's College London, người là chuyên gia về an ninh không gian, nói rằng Liên Xô đã thực hiện một số cuộc thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh trên quỹ đạo Trái đất và còn vạch ra kịch bản bắn hạ toàn bộ vệ tinh của đối phương nếu chiến tranh hạt nhân xảy ra.
Nhằm phô trương khả năng sức mạnh, cả Mỹ và Liên Xô đều đã thực hiện các vụ nổ hạt nhân trong không gian. Mỹ còn muốn tạo ra một vụ nổ hạt nhân trên Mặt trăng. "Ý tưởng của việc này là nếu bạn đặt một quả bom (hạt nhân) lên Mặt trăng, bạn có thể nhìn thấy miệng hố do vụ nổ tạo ra từ dưới Trái đất.
Vì thế đây là một cách thể hiện sức mạnh đáng chú ý" - Jill Stuart, Tổng biên tập tuần báo Space Policy, cho biết - "Toàn bộ ý tưởng của việc này là gửi thông điệp tới cho Liên Xô. Tuy nhiên sau đó nó đã bị dẹp bỏ khi người ta cảm thấy công chúng Mỹ sẽ không ủng hộ".
Thay vì nổ vũ khí hạt nhân trên Mặt trăng, Mỹ chỉ tìm cách đưa người tới đây. Nỗ lực của Mỹ về sau trở thành biểu tượng hợp tác quốc tế, thay vì xung đột. Năm 1967, Hiệp ước Thượng tầng không gian ra đời, cấm hoàn toàn việc đưa vũ khí hủy diệt hàng loạt lên không gian.
Khả năng nóng lên trong tương lai
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Brian Weeden, thế giới hôm nay đã trở nên bất ổn và khó đoán hơn những năm 1980.
"Trước kia, Mỹ và Liên Xô đều hiểu rằng việc tấn công vệ tinh của nhau, vốn là vô hiệu hóa cơ quan chỉ huy và kiểm soát vũ khí hạt nhân của đối phương, có thể dẫn tới nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân. Bởi vậy đôi bên đều không muốn tấn công vệ tinh của nhau" - ông nói.
Nhưng trong thời kỳ mới, các đối thủ tiềm năng của Mỹ, như Trung Quốc chẳng hạn, lại được lợi nếu tấn công hoặc vô hiệu hóa các vệ tinh Mỹ, bởi họ biết rõ chúng đóng vai trò chủ chốt trong khả năng khuếch trương sức mạnh của nước này.
Trong bầu không khí nghi kị, hoàn toàn có khả năng một vệ tinh vô tình bị hư hại - như do va chạm với rác vũ trụ - sẽ bị hiểu lầm là hành vi thù địch, do ai đó thực hiện. Ngoài ra, cũng phải tính tới khả năng tấn công mạng, khiến vệ tinh bị vô hiệu hóa hoặc chiếm quyền kiểm soát. Những tình huống này, nếu bị hiểu sai, đều có thể gây ra các phản ứng quân sự khó lường.
Và khi vệ tinh đang ngày càng trở nên quan trọng, giúp các nước do thám, điều khiển vũ khí nhằm vào đối phương, sự cạnh tranh, đối đầu trên không gian sẽ càng lúc càng tăng lên.
"Hiện không gian vẫn chưa bị các cuộc xung đột gây ảnh hưởng. Nhưng đây là điều không thể đảm bảo trong tương lai" - Singer nói.
Tường Linh (Theo BBC)
Thể thao & Văn hóa