Từ chấn thương của Nguyễn Minh Triết, nhìn lại những sự cố kinh hoàng cướp sự nghiệp VĐV Việt Nam
Thể thao thành tích cao Việt Nam đã chứng kiến vô số chấn thương kinh hoàng khiến vận động viên mãi mãi không thể tiếp tục sự nghiệp thi đấu.
Từ tổn thương liệt tủy của Nguyễn Minh Triết, nhìn lại những chấn thương kinh hoàng cướp sự nghiệp VĐV Việt Nam
Nguyễn Minh Triết (thể dục dụng cụ)
Ngày 19/12, Liên đoàn Thể dục Việt Nam đã đăng tải thông tin và kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng đối với VĐV Nguyễn Minh Triết thuộc đội tuyển thể dục dụng cụ trẻ Việt Nam. Theo thông tin từ Liên đoàn Thể dục Việt Nam, ngày 10/11/2023, trong lúc tập luyện tại đội tuyển thể dục dụng cụ trẻ quốc gia, VĐV Nguyễn Minh Triết đã không may bị tai nạn trong lúc tiếp đất. Triết bị chấn thương nặng, dẫn đến liệt tủy, viêm phổi xẹp, khả năng hồi phục rất thấp.
VĐV Nguyễn Minh Triết sinh năm 2006, là một VĐV tiềm năng của thể dục dụng cụ Việt Nam. Chấn thương của Nguyễn Minh Triết ở tuổi 17 khiến tất cả đều xót xa, đặc biệt khi em có hoàn cảnh hết sức khó khăn, bố đã nghỉ hưu, mẹ bị ung thư, anh trai bị bệnh không có khả năng lao động và một em gái mới 5 tuổi. Trước tình trạng nguy kịch của Triết và hoàn cảnh khó khăn của gia đình em, Liên đoàn Thể dục Việt Nam kêu gọi sự chung tay ủng hộ của các tổ chức, cá nhân để giúp em và gia đình có thêm nguồn lực trong quá trình điều trị và phục hồi.
Nguyễn Thị Thà (xe đạp)
Chấn thương nghiêm trọng để rồi mất cả sự nghiệp là điều người trong giới xe đạp vẫn nhắc lại khi nói về trường hợp của Nguyễn Thị Thà. Năm 2014, khi thi đấu tại Đại hội TDTT toàn quốc năm 2014, cua rơ của đội An Giang gặp tai nạn nghiêm trọng trên đường đua ở Hòa Bình. Xe của Nguyễn Thị Thà bị vấp ổ gà và ngã. Cú ngã định mệnh khiến Nguyễn Thị Thà bị gãy 4 xương sườn, dập một quả thận, tổn thương gan, tràn dịch màng phổi. Nguyễn Thị Thà nhanh chóng được đưa về bệnh viện Việt Đức tại Hà Nội cấp cứu nhưng các bác sĩ đã không thể cứu được 1 quả thận bị hỏng. Chấn thương quá nặng khiến Thà đã phải từ giã nghiệp thể thao.
Trương Thanh Hằng (điền kinh)
Năm 2012, thời điểm quan trọng nhất để tranh vé dự Olympic London và sự nghiệp cũng đang vào độ chín, VĐV Trương Thanh Hằng không may gặp chấn thương. Đang tập luyện trên đường chạy ngoài trời tại Đà Nẵng, Trương Thanh Hằng bị một chiếc xe máy tông trúng, khiến cô gãy chân.
Dù rất nỗ lực tập luyện sau điều trị nhưng Trương Thanh Hằng không bao giờ lấy lại được phong độ và thể lực tốt nhất. Thanh Hằng giải nghệ năm 2015 và chuyển dần sang công tác huấn luyện rồi lập gia đình.
Trần Anh Khoa (bóng đá)
Trần Anh Khoa từng là cái tên được nhắc nhiều tới ở cuối năm 2015. Cầu thủ của SHB Đà Nẵng đã gặp chấn thương phức tạp sau pha vào bóng thô bạo của Quế Ngọc Hải, lúc này vẫn còn thi đấu cho SLNA.
Theo xác nhận của bác sỹ, ca chấn thương của Anh Khoa thời điểm đó rất hiếm gặp đối với cầu thủ Việt Nam. Anh bị vỡ sụn chêm đầu gối trái, các dây chằng chéo trong, ngoài, trước và sau đều bị đứt hoặc rách.
Anh Khoa đã phải trải qua ca phẫu thuật tại Singapore kéo dài 6 tiếng, tổng chi phí điều trị lên tới hơn 800 triệu đồng. Dẫu vậy, đầu năm 2017, Anh Khoa cũng đã thông báo treo giày do không thể bình phục chấn thương.
Lê Thị Huệ (vật)
Năm 2003, Lê Thị Huệ khi ấy đang là niềm hi vọng vàng của đô vật Việt Nam trước thềm SEA Games với hai lần liên tiếp vô địch quốc gia ở hạng cân 55kg. Nhưng rồi một bi kịch xảy đến đã tước đi tất cả của chị. Trong một buổi tập luyện trước thềm SEA Games, Huệ bị ngã dẫn đến bất tỉnh.
Sau khi tỉnh dậy và trải qua cuộc phẫu thuật, nữ đô vật 24 tuổi khi đó nghe tin dữ: chị bị chấn thương đốt sống cổ, liệt cả tứ chi và cả đời sẽ phải ngồi xe lăn. Sự nghiệp thể thao đặt dấu chấm hết. Cuộc đời Huệ sau đó gắn liền với những đợt điều trị, phẫu thuật, châm cứu. Đến nay, sau 20 năm, cựu VĐV này không còn phải ngồi hoàn toàn trên xe lăn mà đang dần đi lại được với sự hỗ trợ của chiếc nạng. Huệ hiện tại mưu sinh bằng việc bán hàng tạp hóa tại quê nhà.
Trần Thanh Ngời (judo)
Năm 2003, võ sĩ Trần Thanh Ngời, 21 tuổi, thuộc tuyển judo Việt Nam trong giai đoạn chuẩn bị cho SEA Games sẽ diễn ra trên sân nhà. Trong một buổi tập, Trần Thanh Ngời đang tung người lên thì bị mất đà và cắm đầu xuống nệm. Ngời nằm bất động trên nệm và lập tức được đưa đến Bệnh viện Xanh Pôn cấp cứu. Kết quả chụp X-quang cho thấy đốt xương cổ bị lệch, tủy sống bị tổn thương nghiêm trọng.
Ngày 16/6/2003, sau 95 ngày điều trị chấn thương đốt sống cổ, Trần Thanh Ngời - niềm hy vọng vàng của SEA Games 22, đã ra đi. SEA Games năm đó, judo Việt Nam lên ngôi số 1 Đông Nam Á với 6 HCV. Giành chiến thắng nhưng khi lên nhận HCV, cả thầy và trò đều nước mắt chứa chan, tiếc cho một người đồng nghiệp tài hoa nhưng bạc mệnh.