Từ 'cậu bé hư' với kỷ lục thẻ đỏ, Bunmathan được HLV Tottenham nâng tầm trở thành nhà vô địch Nhật Bản
Hậu vệ cánh Theerathon Bunmathan được xem là cầu thủ thành công nhất của Thái Lan khi xuất ngoại.
Bunmathan và con số gần 100 kiến tạo trước khi xuất ngoại
Theerathon Bunmathan đã làm nên lịch sử khi trở thành cầu thủ đầu tiên của Thái Lan vô địch J-League khi anh và CLB Yokohama F. Marinos đăng quang năm 2019. Có thể nói, việc thi đấu ở giải VĐQG Nhật Bản đã giúp Bunmathan nâng tầm và đạt đẳng cấp châu Á.
Hậu vệ cánh sinh năm 1990 này khởi đầu sự nghiệp ở đội bóng Assumption College Thonburi, nơi cũng sản sinh ra 2 ngôi sao của bóng đá Thái Lan cùng lứa với anh là Teerasil Dangda và Kawin Thamsatchanan.
Sau khi thi đấu cho CLB Rajpracha và Provincial Electricity Authority, Theerathon Bunmathan đã chuyển tới Buriram United vào năm 2010 và tỏa sáng tại đây trong gần 6 mùa giải.
Xen giữa khoảng thời gian đó, Bunmathan có thời điểm khó khăn trong sự nghiệp khi nhận vô số chỉ trích do việc nhận 2 thẻ đỏ trong vòng 3 ngày. Anh chính là cầu thủ đầu tiên của Thái Lan rơi vào trường hợp đen đủi này.
Cụ thể, Bunmathan nhận thẻ đỏ trong trận thua 0-3 của Thái Lan trước Saudi Arabia ở vòng loại World Cup 2014 vào cuối năm 2011. Sau đó, Bunmathan sang dự SEA Games 26 và nhận thẻ đỏ ở trận thua 1-3 của Thái Lan trước chủ nhà Indonesia. Lúc ấy, Bunmathan mới 21 tuổi và bị CĐV công kích trên mạng xã hội.
Nhiều người coi Bunmathan là "cậu bé hư". Bản thân cầu thủ này thổ lộ anh đã rất chán nản và muốn từ bỏ bóng đá. Tuy nhiên sự động viên từ người thân và bạn bè đã giúp Bunmathan vượt qua khoảng thời gian đen tối. Bunmathan lặng lẽ đáp trả những chỉ trích bằng màn trình diễn ở trên sân.
Năm 2016, Bunmathan cập bến CLB Muangthong United với mức giá chuyển nhượng kỷ lục lúc đó là 35 triệu bath.
Cầu thủ này khiến báo chí Thái Lan tốn giấy mực khi anh cập bến đội bóng của Nhật Bản là Vissel Kobe vào năm 2018 theo dạng cho mượn. Theo thống kê của Goal Thái Lan, Bunmathan đã thực hiện gần 100 kiến tạo trước khi sang Nhật Bản.
Với nhãn quan và khả năng chuyền bóng tốt, Bunmathan đã thực hiện tổng cộng 97 pha kiến tạo tại Thái Lan. Theo đó, Bunmathan có 2 kiến tạo ở Provincial Electricity Authority, 68 kiến tạo ở Buriram và 27 kiến tạo ở Muangthong.
Đây là con số phi thường đối với một cầu thủ Thái Lan, cho thấy tài năng của Bunmathan. Lúc bấy giờ, Bunmathan đã là cầu thủ hàng đầu ở Đông Nam Á với 1 chức vô địch AFF Cup (2016) và 1 HCV SEA Games (2013). Anh đã kết hôn và vừa có em bé nhưng dù vậy, hậu vệ trái này vẫn quyết tâm xuất ngoại.
"Cảm giác của tôi trong 2 năm cuối chơi bóng ở Thái Lan là tôi không thể tiến bộ hơn được nữa. Tại Thái Lan, tôi có danh tiếng nhất định và kiếm được nhiều tiền. Nhưng lúc đó tôi rất băn khoăn về bản thân và khi sang Nhật Bản, tôi xác định được mục tiêu cho mình, đó là tiến bộ hơn, cạnh tranh với những cầu thủ ở đây", Bunmathan chia sẻ.
Trưởng thành hơn trên đất Nhật Bản
Sau khi cập bến Vissel Kobe, Bunmathan có cơ hội thi đấu với các cầu thủ đẳng cấp thế giới là Andres Iniesta và Lukas Podolski. Tại mùa giải đầu tiên của Bunmathan ở Nhật Bản, anh đã đối mặt với nhiều khó khăn cả trong và ngoài sân cỏ. Bunmathan đã phải cố gắng để thích nghi. Kết thúc mùa bóng, hậu vệ này có 2 kiến tạo sau 28 lần ra sân ở giải VĐQG Nhật Bản. Tuy nhiên Vissel Kobe đã quyết định không mua đứt Bunmathan và để anh trở lại Thái Lan.
Tuy nhiên một CLB khác của Nhật Bản là Yokohama F. Marinos đã để mắt tới hậu vệ này và mượn anh vào năm 2019. Như vậy, Bunmathan lại có cơ hội thứ 2 để chứng tỏ bản thân ở Nhật Bản.
"Tôi quyết định chuyển sang Nhật Bản lần nữa bởi tôi muốn con của mình tự hào. Khi nó lớn lên, nó sẽ biết tôi đã chơi cho 2 CLB của Nhật Bản", Bunmathan chia sẻ.
Bunmathan cũng gặp những khó khăn giống như ở Vissel Kobe khi anh cố gắng thích nghi với môi trường bóng đá tại Yokohama F. Marinos. Mọi thứ trở nên khó khăn hơn khi anh làm việc với HLV Ange Postecoglou, người hiện đang dẫn dắt CLB Tottenham ở Premier League.
Bunmathan đã giành được thành công ở Nhật Bản
Lúc đầu, Bunmathan không hiểu rõ chiến thuật của HLV nhưng sau đó, anh đã cố gắng tìm tòi, tập luyện chăm chỉ cho đến khi chiếm được niềm tin của nhà cầm quân người Australia.
Bunmathan đã học tiếng Nhật và cố gắng giao tiếp với các đồng đội. Cầu thủ người Thái Lan cũng dành thời gian trước trận đấu để nghiên cứu đối thủ, tìm ra điểm yếu của họ để khai thác.
Bunmathan cũng đặc biệt lưu ý về những thống kê của đối phương về số km mà họ chạy trong trận đấu, số lần tắc bóng để từ đó vạch ra kế hoạch cho bản thân khi thi đấu.
Những nỗ lực không biết mệt mỏi của Bunmathan đã được đền đáp. Ở mùa bóng 2019, Bunmathan ghi được 3 bàn và 4 kiến tạo tại J-League sau 25 trận đấu. Anh đã góp công lớn vào chức vô địch J-League 2019 của đội bóng và được HLV Ange Postecoglou khen ngợi: "Bunmathan là 1 cầu thủ tuyệt vời. Cậu ấy đã làm việc chăm chỉ ở mùa giải này và học được việc chơi bóng theo cách mới. Tôi hài lòng với Bunmathan. Cậu ấy là cầu thủ quan trọng với chúng tôi trong cả khâu tấn công và phòng ngự".
Sẽ không quá lời nếu cho rằng chính ông Ange Postecoglou đã giúp Bunmathan trở thành một hậu vệ cánh với lối chơi hiện đại hơn.
Ở trận đấu cuối của mùa giải quyết định tới chức vô địch, khi Yokohama F. Marinos gặp FC Tokyo, đẳng cấp của Bunmathan đã lên tiếng với 1 bàn thắng và 1 kiến tạo, giúp đội bóng giành chiến thắng 3-0 dù đá thiếu người.
Năm 2020, IFFHS (Tổ chức thống kê và lịch bóng đá quốc tế) bình chọn đội hình 11 cầu thủ hay nhất châu Á năm 2020 và Bunmathan là cầu thủ Đông Nam Á duy nhất góp mặt trong đội hình này. Đó là sự công nhận về tài năng của hậu vệ trái người Thái Lan.
Đẳng cấp của Bunmathan tiếp tục được thể hiện khi anh góp công giúp ĐT Thái Lan vô địch AFF Cup 2020 và 2022. Đặc biệt, Bunmathan còn được bầu là Cầu thủ hay nhất AFF Cup 2022 dù đã 33 tuổi.
Khi nói về Bunmathan, nhà báo Suwicha của Thái Lan đã phân tích nguyên nhân mà cầu thủ này gặt hái được thành công: "Điều khiến Bunmathan trở nên đặc biệt hơn các cầu thủ Thái Lan khác, đó chính là tinh thần, tâm lý thi đấu. Bunmathan rất tự tin. Khi thi đấu, cậu ấy cho thấy mình không sợ bất cứ ai dù đối thủ có trình độ ra sao. Giống như trận gặp ĐT Việt Nam ở vòng loại World Cup 2022, Bunmathan đá hỏng 11m trong hiệp 1. Lúc đó tôi nghĩ Bunmathan sẽ suy sụp nhưng sang hiệp 2, Bunmathan còn chơi tốt hơn. Sau khi trận đấu kết thúc, Bunmathan là người đầu tiên tới chỗ các CĐV để cám ơn họ. Bunmathan thực sự có ý chí mạnh mẽ".