Tu bổ di tích lịch sử, văn hóa cần ưu tiên phương pháp thi công truyền thống
(Thethaovanhoa.vn) - Đây là nội dung tại dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích do Bộ VHTTDL soạn thảo và đang được lấy ý kiến rộng rãi.
Cụ thể, hoạt động thi công tu bổ di tích phải đảm bảo nguyên tắc sau: Tuân thủ thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích đã được phê duyệt, quy định về quản lý chất lượng, tiến độ, khối lượng thi công, an toàn lao động và các quy định pháp luật có liên quan trong quá trình thi công tu bổ di tích. Ưu tiên sử dụng phương pháp thi công truyền thống, chú trọng bảo tồn các yếu tố gốc cấu thành di tích, bảo vệ cấu kiện, thành phần kiến trúc trong suốt quá trình thi công tu bổ di tích.
Khi có những phát sinh, phát hiện mới về di tích khác với thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích đã được phê duyệt, đơn vị thi công và giám sát thi công phải kịp thời thông báo với chủ đầu tư dự án tu bổ di tích. Trong trường hợp điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích, chủ đầu tư dự án tu bổ di tích phải xem xét điều chỉnh thời gian thi công tu bổ di tích để đảm bảo chất lượng công trình. Hoạt động thi công tu bổ di tích được thực hiện bởi tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa, pháp luật về xây dựng, dưới sự giám sát của cộng đồng dân cư nơi có di tích.
Bên cạnh đó, phải thường xuyên tham vấn ý kiến nhân chứng lịch sử, chuyên gia, nghệ nhân và cộng đồng dân cư trong suốt quá trình thi công tu bổ di tích. Ghi nhận đầy đủ trong Nhật ký công trình và Hồ sơ hoàn công mọi hoạt động thi công tu bổ di tích đã thực hiện tại công trường. Bảo đảm an toàn cho di tích và khách tham quan. Việc giám sát thi công tu bổ di tích được thực hiện bởi tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa, pháp luật về xây dựng, theo các nguyên tắc về giám sát thi công xây dựng công trình và quy định về giám sát đầu tư của cộng đồng.
Theo dự thảo, trường hợp tu bổ tại chỗ hoặc tháo rời một số cấu kiện, thành phần kiến trúc, tổ chức thi công tu bổ di tích bao che khu vực cấu kiện, thành phần kiến trúc cần tu bổ bảo đảm an toàn. Bên cạnh đó, tổ chức thi công tu bổ di tích lập hệ thống ký hiệu các cấu kiện, thành phần kiến trúc trên bản vẽ và đánh dấu chúng vào cấu kiện, thành phần kiến trúc của di tích. Ký hiệu đánh dấu trên cấu kiện, thành phần kiến trúc không được làm ảnh hưởng đến đặc điểm, giá trị của cấu kiện, thành phần kiến trúc, được bảo vệ trong suốt quá trình thi công tu bổ di tích và dễ loại bỏ sau khi hoàn thành thi công tu bổ di tích. Chụp ảnh, ghi hình sau khi đánh dấu ký hiệu vào cấu kiện, thành phần kiến trúc. Đồng thời, phối hợp với chủ đầu tư, tổ chức tư vấn thiết kế, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng xác nhận tình trạng kỹ thuật của cấu kiện, thành phần kiến trúc. Thực hiện thi công tu bổ di tích theo nội dung thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích đã được duyệt.
Tổ chức thi công tu bổ di tích hạ giải di tích theo quy định. Phối hợp với Hội đồng đánh giá di tích nghiên cứu, đánh giá tình trạng kỹ thuật cấu kiện, thành phần kiến trúc và phân loại, lựa chọn cấu kiện, thành phần kiến trúc có giá trị nhưng bị xuống cấp nghiêm trọng không được sử dụng lại để bảo quản, trưng bày tại di tích hoặc tại Bảo tàng cấp tỉnh. Thực hiện thi công tu bổ di tích theo nội dung hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích đã được phê duyệt, Biên bản của Hội đồng đánh giá di tích hoặc hồ sơ điều chỉnh, bổ sung thiết kế tu bổ di tích đã được phê duyệt.
Theo Báo Văn hóa