Từ bê bối của nhóm Seungri: Cơn sóng ngầm đã lan khắp Hàn Quốc
(Thethaovanhoa.vn) - Với vẻ ngoài hoàn hảo và lượng người hâm mộ trên toàn cầu ngày càng gia tăng, K-pop từng cho thấy các ngôi sao nền công nghiệp này mang những hình ảnh cực kỳ “sạch sẽ”. Nhưng, đó là câu chuyện của giai đoạn trước…
Vụ bê bối kinh khủng của Seungri và các gương mặt K- pop khác đã xóa đi tất cả. Trong những diễn biến ngày càng phức tạp của nó, người ta bắt đầu nhìn rõ những mặt trái của nền công nghiệp này - và xa hơn, là những góc tối về nạn tấn công tình dục tại Hàn Quốc
Dính sâu vào bệnh dịch “quay lén”
Cần nhắc lại, vài ngày trước, lần lượt Seungri (thành viên nhóm Big Bang), ca sĩ kiêm nhà soạn ca khúc Jung Joon Young và Yong Jun Hyung, thành viên (nhóm Highlight) đều đã thông báo giải nghệ. Cả 3 ngôi sao kể trên đều có trong “chatroom” mà Jung Joon Young và một số người khác đã chia sẻ những nội dung bất hợp pháp liên quan đến ít nhất 10 phụ nữ.
Jung Joon Young (30 tuổi) đã thừa nhận quan hệ tình dục và chia sẻ nhiều clip mà không có sự đồng ý của các “đối tác”, trong khi Seungri (tên thật là Lee Seung Hyun) đang bị điều tra với những cáo buộc liên quan đến việc “dắt gái” cho các nhà đầu tư nước ngoài, ma túy, hay hối lộ cảnh sát.
Những năm trước, Hàn Quốc đang chiến đấu với “bệnh dịch” ngày càng lan nhanh với tên gọi “molka”, liên quan tới các video sử dụng phần mềm quay lén spycam. Rất nhiều phụ nữ bị đàn ông quay lén theo cách này.
Nhưng phải đến khi vụ Seungri bị “phanh phui”, nhiều người mới “ngã ngửa” khi biết bệnh dịch này đã lan khá rộng vào giới giải trí. Các ngôi sao K-pop vốn được Chính phủ Hàn Quốc quảng bá là sản phẩm xuất khẩu văn hóa quan trọng cũng “dính chàm”.
Đối với các nhà hoạt động vì nữ quyền của Hàn Quốc, vụ bê bối này chẳng hề đáng ngạc nhiên. Cùng với việc quay phim lén phụ nữ trong các trường học, toilet và văn phòng, các “video khiêu dâm mang tính trả thù” (những video mà nhiều người đàn ông quay cảnh họ quan hệ tình dục với những người cũ hoặc đối tác mà không được sự đồng ý của phụ nữ) được cho là phổ biến như nhau.
Rõ ràng, trong một xã hội mà thói gia trưởng vẫn “thâm căn cố đế” thì việc lưu hành những nội dung như vậy gây tổn hại đáng kể tới danh tiếng của người phụ nữ.
Theo Han Sol, một nhà hoạt động thuộc Flaming Feminist Action, từ lâu nhiều đàn ông Hàn Quốc đã xem và chia sẻ các video spycam và coi đây như một hình thức giải trí và là cách để củng cố “mối quan hệ anh em” của họ.
Hồi năm 2018, Seoul chứng kiến nhiều lần hàng ngàn phụ nữ phản đối việc lan truyền spycam video trong bối cảnh phong trào #MeToo đang diễn ra ở đất nước này.
“Bê bối Seungri cho thấy các ngôi sao K-pop nam không ngoại lệ. Họ là một phần của thực tế rằng việc bóc lột, lợi dụng phụ nữ đang diễn ra với mức độ rất đáng lo ngại”, nhà hoạt động về nữ quyền phụ nữ Bae Bok Ju nói.
Lật lại quá khứ
Mới nhất, hôm qua 18/3, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã ra lệnh điều tra kỹ lưỡng một loạt các vụ bê bối từ quá khứ tới hiện tại. Ngoài vụ việc của nhóm Seungri, đó còn là vụ tự tử năm 2009 của nữ diễn viên Jang Ja Yeon và cáo buộc về tình dục năm 2013 với cựu Thứ trưởng Bộ Tư pháp Kim Hak Eui.
“Điểm chung giữa các vụ việc này nằm ở sự liên quan tới những người có đặc quyền, đặc lợi. Và có bằng chứng cho thấy các công tố viên và cảnh sát cố tình tiến hành điều tra không đầy đủ và chủ động ngăn chặn tiết lộ sự thật” - Tổng thống Moon Jae In nói.
Vị Tổng thống này cũng khẳng định: trừ khi sự thật của những trường hợp này được làm rõ, các cảnh sát và công tố viên sẽ vĩnh viễn không thể lấy lại được uy tín của mình và Hàn Quốc sẽ vẫn là một xã hội bất công.
“Có những vụ án đã là quá khứ. Nhưng việc tìm ra sự thật và lập lại công tác điều tra sẽ làm người dân tin tưởng. Và đây là điều mà lãnh đạo ngành tư pháp và cảnh sát nhất định phải đảm bảo”, ông Moon Jae In nói.
10 năm trước, khi tự vẫn vào ngày 9/3/2009, nữ diễn viên Jang Ja Yeon đã để lại nhiều trang thư tuyệt mệnh viết tay, trong đó mô tả chi tiết về việc cô bị nhiều nhân vật có thế lực bạo hành tình dục và thân thể. Những trang thư tuyệt mệnh của Jang Ja Yeon còn liệt kê một danh sách những người đã ép nữ diễn viên này quan hệ tình dục, trong đó có cả các thành viên của gia đình sáng lập tờ báo lớn của Hàn Quốc Chosun Ilbo.
Còn Kim Hak Eui, cựu Thứ trưởng Bộ Tư pháp,vào năm 2013 đã bị cáo buộc nhận hối lộ với hình thức nhận “dịch vụ tình dục” trái với ý muốn của người phụ nữ liên quan, trong vụ án gắn đến một nhà thầu tên là Yoon Jung Cheon.
Mặc dù các video clip cho thấy Kim có các hành vi tình dục, song công tố viên đã bỏ qua vụ này với tuyên bố thiếu bằng chứng. Năm 2014, một người phụ nữ tuyên bố chính là nhân vật trong video và cho biết Kim đã cưỡng hiếp cô nhiều lần trong khi cô bị đánh thuốc mê. Song công tố viên vẫn tiếp tục “phớt lờ”, tuyên bố thiếu bằng chứng và cho rằng lời khai của người phụ nữ không đáng tin.
Dù vậy, mới đây, ông Min Gap Ryong, thuộc Tổng cục Cảnh sát Quốc gia, đã khẳng định tại Quốc hội rằng có thể dễ dàng xác định được gương mặt ông Kim trong ít nhất là vài băng video có liên quan.
Trươc mắt, cả 2 vụ việc này đang được một ủy ban tìm kiếm sự thật thuộc Văn phòng Công tố viên Tối cao xem xét.
Việt Lâm (tổng hợp)