Từ 2014 đến nay, ít nhất 6 người đã tự tử vì bị 'ném đá tập thể' trên mạng xã hội
(Thethaovanhoa.vn) - Trong phiên trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội hôm nay về tình trạng thông tin giả, xấu, độc trên mạng xã hội, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết,mạng xã hội khi ra đời đã mang lại nhiều tiện ích cho con người. Vai trò của mạng xã hội và internet nói chung không ai có thể phủ nhận.
- Bộ Trưởng Trương Minh Tuấn: Báo chí cần giữ vững tôn chỉ, mục đích
- Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Báo chí đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ chủ quyền biển đảo
Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích rất lớn, thì những tác hại của mạng xã hội đem lại cũng không nhỏ. Đó là những thông tin bôi nhọ, xúc phạm danh dự nhân phẩm, xâm hại đời tư, kích động bạo lực, khiêu dâm, chia rẽ dân tộc tôn giáo… ngày càng phát triển nhiều hơn.
Có ý kiến cho rằng, mạng xã hội phát triển như vậy thì có nên sử dụng nữa không? Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng, chúng ta phải nhìn nhận rõ, phải xem mạng xã hội là phương tiện, công cụ cho người dùng. Không thể coi mạng xã hội là xấu, vấn đề là ý thức của người dùng mạng xã hội như thế nào.
Cũng theo Bộ trưởng, Việt Nam hiện có khoảng 53 triệu người dùng Facebook, 70% người dân sử dụng internet, chỉ có một bộ phận nhỏ sử dụng mạng xã hội để “ném đá”, nói xấu, xúc phạm nhau.
Tuy nhiên, “năng lượng đen”, “năng lượng xấu” của một bộ phận rất ít người dùng này cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến môi trường mạng xã hội.
Bộ trưởng cũng chỉ ra một thực tế là, nếu nói tốt ở trên mạng xã hội thì ít người quan tâm, nhưng xúc phạm nhau thì rất nhiều người quan tâm. Đây là vấn đề nhức nhối.
Từ năm 2014 đến nay, có ít nhất 6 trường hợp đã tự tử vì bị bôi nhọ, “ném đá tập thể” trên mạng xã hội. Điều này đã dẫn đến tình trạng năng lượng xấu bắt đầu lấn lướt trên mạng xã hội.
Trong thời gian qua, Bộ TT&TT cũng đã làm việc với rất nhiều cơ quan có liên quan để phối hợp xử lý, tăng cường năng lượng tốt trên mạng xã hội, giảm bớt năng lượng xấu, và hạn chế tối đa năng lượng xấu trên mạng xã hội.
Cụ thể là, Bộ TT&TT đã tăng cường cùng Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan tuyên truyền, làm rõ tiện ích, vai trò to lớn của mạng xã hội, đồng thời cũng làm rõ hạn chế của mạng xã hội.
Bộ cũng đã làm việc với các mạng xã hội nước ngoài yêu cầu khi hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam thì phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Bộ TT&TT đã yêu cầu gỡ bỏ khoảng gần 5.000 clip trên youtube khi những clip này xâm hại đến lợi ích của Đảng, Nhà nước và nhân dân, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cá nhân.
Cùng với đó là tăng cường hoạt động của mạng xã hội trong nước. Bộ cũng sẽ tiếp tục phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương để tăng cường tuyên truyền trên báo chí, đầy lùi thông tin tiêu cực trên mạng xã hội.
Trả lời chất vấn về tình trạng báo chí vi phạm tràn lan, đưa tin sai sự thật, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, năm 2016, Bộ TT&TT đã kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính với gần 150 cơ quan báo chí. Năm 2016 là năm Bộ xử phạt nhiều nhất từ trước đến nay. Trong đó, vi phạm đưa thông tin sai sự thật chiếm tỷ lệ lớn. Đưa thông tin gây phương hại đến lợi ích của quốc gia có 2 cơ quan báo chí bị xử lý.
Có thời điểm trong một tháng có 70 cơ quan báo chí bị xử lý về đưa thông tin sai sự thật, trong đó riêng vụ nước mắm có 50 cơ quan báo chí bị xử lý, vụ cháu bé tự tử ở Gia Lai có 12 cơ quan báo chí bị xử lý. Như vậy việc tăng cường xử lý vi phạm được thực hiện nghiêm túc, mọi hành vi cố ý hay vô tình xâm hại lợi ích quốc gia đều được xử lý nghiêm.
Về vấn đề xã hội hóa truyền hình, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết: Các chương trình truyền hình liên kết hầu hết là các chương trình giải trí. Xu hướng chung là tăng cường giải trí xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc phối kết hợp với văn hóa hiện đại.
Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều chương trình có vấn đề, cách đây mấy năm sai phạm ở trong chương trình xã hội hóa còn nhiều.
Gần đây hầu hết các đài đã có quy trình chuẩn hơn, chấn chỉnh lại quá trình xã hội hóa từ quy trình kiểm duyệt do đó mức độ vi phạm giảm.
Bộ TT&TT cũng thường xuyên kiểm tra, xử lý, nhắc nhở với chủ trương các chương trình xã hội hóa không lấn át chương trình thiết yếu.
Ngay lúc này, tại nghị trường, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và các thành viên Chính phủ đang tiếp tục trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thứ 3 về việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử.
Theo Chính phủ