TS Đặng Hoàng Giang, tác giả 'Thiện, Ác và Smartphone': Đừng chạy theo làm những món 'ăn nhanh'
(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2016, Chương trình 60 phút mở với chủ đề Người ta làm từ thiện là vì ai? có sự tham gia của TS Đặng Hoàng Giang với tư cách là khách mời đã gây nên tranh cãi không ngớt trên các trang mạng xã hội xoay quanh những phát ngôn của anh. Sự việc đó đã khiến anh suy nghĩ rất nhiều về ứng xử trên mạng xã hội.
“Tôi khá phiền muộn về những gì mà mình đã gặp phải sau chương trình ấy vì tác động tâm lý của nó khá là lớn. Đôi khi tôi có cảm giác như mình bị lột trần, trói vào cột, bất kể ai - dù mình không quen biết - đi qua cũng nhổ vào một bãi nước bọt, thậm chí có người còn nhắn tin dọa giết. Những người thân của tôi hàng ngày lên mạng đọc được những lời chửi mắng, lăng nhục tôi khiến họ cũng buồn rầu, đau đớn…” - TS Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES), bắt đầu cuộc trò chuyện với Thể thao và Văn hóa (TTXVN).
* Có phải từ việc đó mà anh đã viết “Thiện, Ác và Smartphone”?
- Đúng! Tôi thấy đó là một vấn đề rất lớn trong xã hội, rằng nếu chúng ta không thể chuyện trò được với nhau một cách đàng hoàng, văn minh và có tôn trọng nhau thì không thể đi đến đâu được mà chỉ biến thành một mớ bùng nhùng.
Nếu ai cũng có nền tảng tôn trọng những ý kiến khác mình, chịu lắng nghe người khác, cho họ không gian để họ lên tiếng thì hai bên vẫn có thể sống với nhau một cách hòa thuận, dù trái ngược nhau về quan điểm.
Nền tảng ấy, chính là cái xã hội đang rất thiếu và vì thế rất khó để tìm được tiếng nói chung.
* Trong "Thiện, Ác và Smartphone", bằng những ví dụ cụ thể, sự kiện cụ thể, anh đã đưa ra thực trạng của "văn hóa làm nhục" thời mạng xã hội. Nguyên nhân là do đâu thưa anh?
- Hàng ngày tôi tìm hiểu thì thấy có vô vàn nạn nhân mà mình không biết họ là ai nhưng cứ bị ném đá, lăng nhục, bị bắt nạt trên mạng xã hội. Khi không gian mạng ấy trở thành không gian cho những người hay đi bắt nạt thì những nạn nhân sẽ co cụm vào nhau, chỉ còn những người thích bắt nạt "đi tuần" với nhau hàng ngày và trừng phạt những người trái ý họ.
Vì thế, mạng xã hội đã và đang đánh mất tiềm năng xây dựng xã hội của nó, trong khi lẽ ra đó phải là nơi mà ai cũng có thể lên tiếng và được lắng nghe.
* Có ý kiến cho rằng không chỉ trên mạng xã hội mà ngay cả ở những trang thông tin điện tử, liều lượng thông tin hướng thiện, nhân văn vẫn quá ít so với sến, sốc, sex?
- Sốc, sến, sex từ trước đến nay nó vẫn tồn tại trên báo chí truyền thông, không chỉ ở nước ta mà trên thế giới cũng vậy.
Tuy nhiên, từ khi mọi người tham gia vào đời sống mạng xã hội thì sốc, sến, sex hay nói gọn lại là thông tin lá cải ngày càng lan rộng và lấn át phần báo chí truyền thông có chất lượng. Đó là nguy cơ do công nghệ mang lại. Trước kia, những thông tin kiểu như đã nói chỉ truyền miệng ở những quán nước vỉa hè, nhưng bây giờ tin nhảm, tin sai, tin không được kiểm chứng hay một cái ảnh nhạy cảm cũng có thể lan truyền trên mạng một cách nhanh chóng và trở nên nguy hại hơn so với truyền miệng trước kia.
Vì thế bây giờ chúng ta không tránh khỏi được cái cảm giác mình đang chìm ngập trong một khối năng lượng xấu khổng lồ bởi những thông tin như vậy.
Nếu lúc nào cũng xuất hiện thông tin nhảm, tin sốc... thì không khí xã hội, tâm trí của cộng đồng cũng bị méo mó, không còn thời gian, tâm sức để ý đến cái đẹp dù là rất nhỏ ở xung quanh.
* Và hậu quả của nó sẽ còn nghiêm trọng đến mức nào nữa, thưa anh?
- Một khi chúng ta bị bấn loạn bởi những thông tin tiêu cực thì dần dần chúng sẽ làm nhiễm độc đầu óc của mình, biến mình trở thành dạng người cau có, trầm cảm, sợ hãi mà lại bị nghiện nó, không nhận ra được.
Cho nên, công nghệ + ham muốn đọc những tin lá cải + báo chí truyền thông sẵn sàng phục vụ độc giả để có lợi nhuận sẽ trở thành một guồng xoáy, càng ngày càng đi sâu xuống, khiến cho những tin/ bài văn hóa, văn nghệ, những thông tin hướng thiện, nhân văn dù rất được đầu tư cũng rất khó đến được với bạn đọc. Trong khi đó, càng ngày càng khó có thêm những phóng viên, nhà báo viết được những bài về văn hóa, văn nghệ, những bài hướng thiện, nhân văn một cách chuyên sâu mà phải chạy theo luồng thông tin lá cải, khiến thông tin ngày càng bị thiên lệch đi. Đó chính là trend, là xu hướng của truyền thông và mạng xã hội ngày nay. Vì thế đòi hỏi cần phải có ý thức rõ và sự luyện tập cơ thể, tinh thần mình thật tốt thì mới có thể cưỡng lại được xu thế này.
* Vậy theo anh, báo chí chính thống cần phải làm thế nào?
- Những thông tin chính thống, có chất lượng, đi ngược lại với trào lưu lá cải, tôi tin rằng sẽ vẫn có bạn đọc và mong muốn tìm đến nó. Vì vậy, đừng bao giờ đổ lỗi chỉ cho bạn đọc hay do sự lớn mạnh không ngừng của mạng xã hội. Một món ăn có chất lượng có thể khó ăn lúc đầu, nhưng dần dần họ sẽ quen đi, không nên theo kiểu thấy mọi người đi ăn KFC thì mình cũng chạy theo làm những món "ăn nhanh" kiểu như thế.
Báo chí nước ngoài cũng vậy, bên cạnh luồng thông tin lá cải, có nhiều tờ báo lớn vẫn giữ được tôn chỉ mục đích của mình, có khi để lên trang được một bài báo, phóng viên của họ đã phải điều tra, xác minh thông tin mất cả năm trời.
Ngoài trách nhiệm của chính đội ngũ những người làm báo, còn phải có trách nhiệm của giáo dục. Ví dụ các em học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường phải được "bồi bổ" vào người những giá trị tốt đẹp, lành mạnh, tích cực, tránh bị buông trôi, thả lỏng để rồi tiếp cận với luồng thông tin dễ dãi! Các em phải được dạy cách "tự vệ", tỉnh táo khi đọc báo, lướt mạng và phải biết đọc báo, lướt mạng một cách thông minh. Bởi nếu mình không trở thành một người sử dụng mạng xã hội thông minh thì chính bản thân mình sẽ trở thành một con mồi béo bở cho người khác kiếm tiền. Người dân bình thường cũng cần phải có kiến thức và sự tỉnh táo nhất định trong môi trường thông tin đa chiều như hiện nay.
Vì vậy, trách nhiệm ở đây thuộc về hai phía: Những người sản xuất thông tin và người tiêu dùng thông tin.
* Làm thế nào để xây dựng được một dòng báo chí nhân văn, thưa anh?
- Trong môi trường hiện nay, có lẽ để xây dựng được một dòng báo chí nhân văn, chúng ta phải tạo ra được những sản phẩm đặc biệt, dù chỉ về một lĩnh vực nhỏ, thậm chí là "xương xẩu" mà không nhất thiết phải chạy theo thời sự.
Hay nói cách khác, để sống sót và có chỗ đứng trong thời đại 4.0 này, báo chí có lẽ cần phải thu hẹp lại diện hoạt động, chỉ nên tập trung vào những thứ mà mình xuất sắc nhất, chứ không nên "ôm tất".
Đương nhiên, cách này cần phải có thời gian nhưng sẽ chất lượng hơn rất nhiều so với việc cứ cố xuất hiện thật nhiều để người đọc không quên mình, trước sau gì cũng sẽ rơi vào trạng thái ngắn, không sâu, giống như mọi báo khác. Khi ấy, bạn đọc sẽ không có, không còn lý do gì để chọn hoặc trả tiền để đọc thông tin của mình nữa.
Hãy đừng để giọng nói của mình lẫn trong khối khổng lồ hàng nghìn giọng nói khác!
Tỉnh táo trước "tin giả" như trước "hàng giả" "Trong đời sống hàng ngày, thật lạ là người dân rất nhạy cảm với những sản phẩm kém chất lượng, sai nguồn gốc như thực phẩm chẳng hạn, nhưng khi tiếp xúc với tin tức, nhiều người lại không "truy xuất nguồn gốc", xem thông tin đó đúng hay sai. Vì vậy, cần phải có thói quen xem tin tức như những mặt hàng khác, thận trọng trước khi mua và có thể tẩy chay đối với những người sản xuất ra thông tin kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Cách đây 2 năm, khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra đã có rất nhiều thông tin giả hoành hành, thậm chí làm thay đổi quan điểm của nhiều người dân Mỹ. Vì thế việc này cần phải nhiều nỗ lực từ các tòa soạn. Ngoài việc phải kiếm sống hàng ngày ra vẫn cần phải có một mảng nào đó thật sự có chất lượng. Ví dụ Thể thao và Văn hóa có thể mất hàng tháng, hàng quý để chạy một chuyên đề về văn hóa, về nghệ thuật cũng không sao, miễn là chuyên đề ấy là “hàng chất lượng cao”. Về phía người đọc thì cần phải được giáo dục về sự tỉnh táo trước những thông tin sai, thông tin giả, biết cách trân trọng những bài báo có chất lượng. Và thứ ba là về phía quản lý nhà nước. Cần phải có chế tài xử phạt đối với những tin bài xào xáo lại của nhau, những tin giả, tin sai. Đứng trên cái kiềng ba chân ấy thì cơ may truyền thông báo chí mới đi lên được". (Phát biểu của TS Đặng Hoàng Giang) |
Vài nét về TS Đặng Hoàng Giang Tốt nghiệp Thạc sĩ công nghệ thông tin, ĐH Kỹ thuật llmenau (Đức) và có bằng Tiến sĩ trong lĩnh vực kinh tế phát triển của ĐH Công nghệ Vienna (Áo). Là người Áo gốc Việt, ông sở hữu nhiều kinh nghiệm nghiên cứu trong các lĩnh vực xã hội và kinh tế Việt Nam. Các lĩnh vực chuyên môn của ông gồm kinh tế trong thời kỳ chuyển đổi, quản trị nhà nước và minh bạch cùng khía cạnh văn hóa của công nghệ. Từ năm 2008, ông là Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES). |
Huy Thông (thực hiện)