Truyện tranh 'Cửa sổ' của Tạ Huy Long: Nỗi cô đơn của đứa trẻ phố cổ Hà Nội
Cửa sổ là sáng tác thử nghiệm của Tạ Huy Long, một họa sĩ vẽ tranh minh họa văn học hoặc theo đề tài lịch sử của NXB Kim Đồng.
Ngoài những hình ảnh phố cũ, nhà cổ, con người đậm chất đời thường, Cửa sổ còn mang yếu tố huyền hoặc, kinh dị. Yếu tố này ở một tác phẩm truyện tranh Việt, lại viết về trẻ em, có thể khiến người đọc bất ngờ.
Một Hà Nội chưa giàu, không màu mè, nhưng tình cảm
Tạ Huy Long vẽ không gian sống tuổi thơ của mình như thế này: căn phòng chật hẹp của một căn nhà phố cổ (trong tuổi thơ của tác giả là phố Hàng Bồ), cửa sổ gỗ luôn khép nhưng vẫn có lỗ hổng vì một mảnh vỡ. Ngôi nhà cũ kỹ, bức tường loang lổ gạch, gian bếp nhỏ của người mẹ với những vật dụng gia đình như mâm đồng, chạn bát, bếp than, chiếc máy khâu…
Mở rộng ra một chút, là phố cổ nhìn từ tầng cao của khu tập thể toàn những nóc nhà cũ kỹ. Hay cầu Long Biên với những ông bố mặc quần áo bộ đội màu xanh chở đứa con nhỏ đi học trên chiếc xe đạp kiểu cũ. Những hình ảnh đó quen thuộc hầu như với bất cứ người Việt Nam nào từng trải qua thời thơ ấu ở thành thị những thập niên trước, chứ không riêng gì người Hà Nội, nhưng riêng cầu Long Biên hay phố cổ thì đậm chất Hà Nội.
Nội dung Cửa sổ thu hẹp lại trong một ngôi nhà, đúng hơn là một hộ dân với người mẹ và đứa con trai nhỏ. Những khu nhà lụp xụp nơi phố cổ, đứa trẻ nhân vật chính cả ngày ngồi trong phòng đợi mẹ đi làm về. Cậu chơi một mình, cười đùa và buồn chán một mình. Ánh sáng duy nhất phát ra từ khung cửa sổ đóng kín. Khung cửa sổ này luôn đóng vì từng có môt cậu bé trèo lên đó và ngã chết, biến thành một bóng ma lẩn khuất quanh cậu bé nhân vật chính.
Đó là một thứ thành thị chưa giàu, chưa sôi động, vẫn in sâu dấu vết của đồng nội ở những con châu chấu bày ào ào trên thảm cỏ hay trên cầu Long Biên. Nhưng đó cũng không còn là khi những đứa trẻ sinh ra được chạy nhảy thoải mái giữa đồng ruộng, làm bạn với những con châu chấu và tận hưởng bầu trời rộng lớn. Không còn nữa.
Một khía cạnh lẩn khuất, khó nhận ra hơn trong câu chuyện là tình mẫu tử. Người mẹ của nhân vật chính nuôi con một mình, sự vắng mặt của người cha cũng là điều tác giả để ngỏ cho độc giả tự suy đoán. Giao tiếp giữa hai mẹ con chỉ xoay quanh chuyện ăn, ngủ, đi học… cơ bản hàng ngày, không nhiều chi tiết thể hiện tình thân. Nhưng với Tạ Huy Long, đó chính là cách sống của con người phố cổ một thời.
“Họ sống mộc mạc, không màu mè, nhưng thực ra lại rất tình cảm. Tình mẹ con thiên về chiều sâu chứ không nằm ở hình thức. Trẻ con cùng một nhà chơi với nhau rất thân” - anh nói. Cuốn truyện này, hoàn thành năm họa sĩ gần 40 tuổi, được anh đề “Tặng mẹ”.
Cậu bé phố cổ và giấc mơ châu chấu
Trò chuyện với Thể thao & Văn hóa Cuối tuần, họa sĩ Tạ Huy Long cho biết anh lên ý tưởng thực hiện một truyện tranh nói về ước mơ bay cao, bay xa của con người từ năm 2009, sau khi sang Đan Mạch tham gia một trại sáng tác truyện tranh. Nhưng lúc đó, ý tưởng chưa gắn với phố cổ hay tuổi thơ Hà Nội.
Đầu năm 2012, họa sĩ trở lại với ý tưởng này với chất liệu rõ ràng hơn: anh muốn vẽ về giấc mơ được biến thành con châu chấu bay tự do trên bầu trời của một cậu bé phố cổ suốt ngày bị nhốt trong nhà, bởi tuổi thơ luôn in hằn trong tâm trí anh.
Truyện tranh Cửa sổ ra đời từ đó. Trái với những tác phẩm vẽ cho thiếu nhi hay tranh minh họa trước đây, Tạ Huy Long coi đây là “thử nghiệm sáng tác” của anh trong vai trò tác giả ý tưởng, kịch bản và tranh vẽ. “Không gì hay hơn vẽ về chính bản thân mình, nói lên tiếng nói riêng của mình” - họa sĩ nói.
Cửa sổ dày 82 trang, in màu toàn bộ, do Nhã Nam ấn hành. Cuốn truyện được phát hành sát dịp kỷ niệm ngày Giải phóng thủ đô 10/10 nhưng không hẳn là để hưởng ứng sự kiện này bởi tác giả đã hoàn thành tác phẩm từ năm 2012.
Tạ Huy Long là người Hà Nội nên anh viết vẽ về Hà Nội không cần theo dịp, nhưng tác phẩm lại mang tinh thần chung của trẻ thơ mọi miền về khao khát thoát khỏi sự tù túng, chật hẹp của không gian sống, muốn bay nhảy tự do trên bầu trời như những con châu chấu.
“Đối tượng độc giả của cuốn truyện có thể từ 12 đến 16 tuổi, cũng có thể lớn hơn, và cả những người đã lớn tuổi. Tôi tin rằng Cửa sổ có thể được cảm nhận từ nhiều khía cạnh khác nhau”. Có lẽ, để hiểu thấu nỗi cô đơn và hoài niệm của tác phẩm, độc giả phải là người trưởng thành, nhưng không có nghĩa là độc giả nhỏ tuổi sẽ không tìm thấy mình trong đó.
Họa sĩ Tạ Huy Long sinh năm 1974, là biên tập viên NXB Kim Đồng. Anh là tác giả bộ tranh minh họa cho các cuốn sách Dế mèn phiêu lưu ký, Sự tích chú Cuội Cung trăng, Đam Dông, tranh truyện Lịch sử Việt Nam, Lịch sử nước Việt bằng tranh, Lá cờ thêu 6 chữ vàng... Nhà văn Lê Phương Liên nhận xét Tạ Huy Long là cây bút vẽ minh họa xuất sắc.
Có yếu tố kinh dị Cửa sổ không dừng lại ở cách mô tả thế giới tuổi thơ đơn điệu, thông điệp là những bài học giáo điều mà là một câu chuyện có cả yếu tố xã hội, tâm linh, phảng phất chút kinh dị. Đó là chi tiết hồn ma đứa bé ngã chết hay đoạn nhân vật chính mơ thấy mẹ mình biến thành một con châu chấu khổng lồ. Chất trẻ thơ trong tác phẩm vừa đáng yêu vừa đượm buồn. Đoạn kết lại khá mơ hồ với bức tranh cậu bé và đôi cánh châu chấu vừa nhú, lửng lơ trước khung cửa sổ, ngay trong gian bếp tối om với những vật dụng đời thường. Tác giả để ngỏ khả năng câu chuyện sẽ còn tiếp diễn ở những tác phẩm sau. |
Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần