Truyền thông Mỹ nhận định 5 thách thức đối ngoại của chính quyền Tổng thống Joe Biden
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, trang Foreign Policy mới đây đã đưa ra nhận định về 5 thách thức đối ngoại lớn mà chính quyền của Tổng thống Joe Biden có thể phải đương đầu trong năm 2023.
Thách thức đầu tiên là chính quyền của Tổng thống Biden sẽ phải duy trì viện trợ quân sự cho Ukraine trước sự giám sát chặt chẽ của các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Quốc hội. Với tư cách là nhà cung cấp viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine, chính quyền của Tổng thống Biden sẽ phải duy trì nguồn cung cấp vũ khí ổn định cho Ukraine, đồng thời phải duy trì sự thống nhất với các đối tác châu Âu.
Thách thức thứ hai là quản lý cạnh tranh công nghệ với Trung Quốc. Tổng thống Biden đã đẩy cuộc cạnh tranh chất bán dẫn với Trung Quốc lên thêm nấc thang mới trong năm 2022. Mặc dù các biện pháp kiểm soát xuất khẩu có hiệu quả, ít nhất trong ngắn hạn, vẫn còn hai câu hỏi bỏ ngỏ là Trung Quốc có thể đáp trả như thế nào và các đồng minh của Mỹ tham gia ở mức độ nào ?.
Thách thức thứ ba là vấn đề hạt nhân trong bối cảnh những nỗ lực nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 rơi vào bế tắc; Triều Tiên liên tục phóng đạn pháo và tên lửa, trong khi tương lai của Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) - hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng còn sót lại giữa Mỹ và Nga không chắc chắn.
Thách thức thứ tư là Hạ viện sẽ do đảng Cộng hòa kiểm soát. Ưu tiên cao nhất trong chương trình nghị sự của các nghị sĩ đảng Cộng hòa sẽ là điều tra cuộc rút quân hỗn loạn khỏi Kabul (Afghanistan) năm 2021, sau đó là viện trợ cho Ukraine, cũng như chính sách đối với Trung Quốc.
Thách thức cuối cùng của chính quyền Mỹ là đảm bảo nguồn cung năng lượng, tránh tăng giá đột biến ở trong và ngoài nước. Quốc hội Mỹ năm 2022 đã thông qua dự luật lớn về khí hậu, thuế và chăm sóc sức khỏe của Tổng thống Biden để dần giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, làm gia tăng căng thẳng với các đồng minh châu Âu. Ông Ben Cahill, chuyên gia an ninh năng lượng tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) nhận định việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau 3 năm phòng chống dịch COVID-19 nghiêm ngặt sẽ gây áp lực lớn cho thị trường dầu khí toàn cầu vốn đã quay cuồng trong năm 2022.