Truyền thông Hàn Quốc trầm trồ: Đến Hội An, du khách như du hành ngược thời gian về thế kỷ 19
Giữa bầu không khí cổ xưa, du khách dạo bước trong lòng phố cổ mà ngỡ như du hành ngược thời gian.
"Vốn là thương cảng sầm uất nhất của Việt Nam nhưng đến sau thế kỷ 19, Hội An dần trở lên mờ nhạt khi hàng loạt thương cảng khác hình thành dọc bờ biển Việt Nam. Thời gian của Hội An cũng ngưng đọng lại ở thời điểm đó. Những ngôi nhà, cuộc giống của người dân vẫn tương tự thuở xưa. Cho nên, Hội An rất có sức hấp dẫn. Giữa bầu không khí cổ xưa, bạn dạo bước trong lòng phố cổ mà ngỡ như du hành ngược thời gian", tờ Mekong sustainable tourism (Hàn Quốc) miêu tả.
Theo truyền thông Hàn Quốc, Hội An sở hữu nhiều kiến trúc cổ có tuổi đời hàng thế kỷ. Đó là những ngôi nhà cổ được xây dựng từ thế kỷ 19 và thời gian dường như đang ngưng đọng ở đâu đó trong những ngôi nhà này.
Thực tế, ở những kiến trúc cổ này, vẫn có người sinh sống, vẫn đón khách tham quan. Do đó, nếu có cơ hội tới Hội An, du khách có thể đến thăm nét văn hóa độc đáo rất Hội An này.
Truyền thông Hàn Quốc cho biết, có 3 ngôi nhà cổ cực kỳ nổi tiếng ở Hội An.
Đó là nhà cổ Tấn Ký
Ngôi nhà này được xây dựng bởi một gia đình người Việt sống ở Hội An khoảng hai thế kỷ trước, là nơi sinh sống của ít nhất 7 thế hệ cho đến thời điểm hiện tại.
Kiến trúc ngôi nhà là sự pha trộn giữa phong cách kiến trúc Việt Nam, Nhật Bản và Trung Quốc.
"Trần nhà theo phong cách Nhật Bản, mái nhà theo phong cách Trung Quốc và các cột trụ được trang trí bằng những bài thơ tiếng Hán. Vật liệu làm ban công được cho là nhập từ châu Âu nên du khách có thể tự đoán tàu của nước nào cập bến Hội An vào thời điểm đó.
Hãy tìm những chi tiết ẩn giấu trong mọi ngóc ngách của ngôi nhà. [Ngôi nhà] quả thực là một tác phẩm nghệ thuật", Mekong sustainable tourism viết.
Đó là nhà cổ Phùng Hưng
Ngôi nhà được xây dựng theo phong cách phổ biến ở Hội An trong thế kỷ 19.
Đây là một cấu trúc bằng hai tầng bằng gỗ và có sự pha trộn giữa mái nhà kiểu Nhật và mái nhà kiểu Trung Quốc. Giống như nhà cổ Tấn ký, nhà cổ Phùng Hưng cũng là sự kết hợp của phong cách kiến trúc Việt Nam, Nhật Bản và Trung Quốc.
Đặc biệt, lối vào nhà được trang trí bằng đèn lồng, tranh treo tường và tranh thêu rất thu hút.
Đó là nhà cổ Quân Thắng
Cũng giống như nhà cổ Tấn Ký và nhà cổ Phùng Hưng, nhà cổ Quân Thắng được xây dựng từ thế kỷ 18. Ngôi nhà ban đầu thuộc sở hữu của một thuyền trưởng người Hoa nên được đặt tên theo tên của người chủ đầu tiên, Quân Thắng.
Quân Thắng là kiến trúc được sử dụng làm cửa hàng buôn bán và nhà trọ. Phong cách kiến trúc Trung Quốc chiếm ưu thế và có nhiều yếu tố độc đáo xuyên suốt.
Ngôi nhà có dạng ống, chia thành ba phần: không gian kinh doanh, không gian sống và không gian thờ cúng, mỗi không gian đều có đặc điểm riêng và được trang trí tinh tế.
Giếng trời giữa không gian tiếp khách và không gian sống là đặc điểm độc đáo của ngôi nhà này.
Người ta nói rằng nhờ giếng trời mà ngôi nhà ấm áp vào mùa đông do ánh sáng mặt trời xuyên qua sân và mát mẻ vào mùa hè do thông gió tốt.
Ngoài ra, nét quyến rũ của ngôi nhà cổ này còn là những đồ vật có lịch sử lâu đời vẫn còn được lưu giữ, làm tăng thêm bầu không khí cổ xưa.