Truy tìm hầm mộ Alexander Đại đế
(Thethaovanhoa.vn) - Năm ngoái, dư luận Hy Lạp và thế giới lên cơn sốt sau khi các nhà khảo cổ tìm thấy một hầm mộ cổ có niên đại từ thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên ở Amhipolis. Người ta tưởng như đã sắp tìm thấy nơi an nghỉ của Alexander Đại đế.
Tuy nhiên nhà khảo cổ Katerina Peristeri, người đứng đầu dự án khai quật hầm mộ ở Amhipolis cho biết, đây có thể chỉ là nơi chôn cất Hephaestion, người bạn thân của Alexander Đại đế.
Hephaestion là ai?
Hầm mộ ở Amhipolis có niên đại vào khoảng năm 300 - 325 trước Công nguyên. Các cuộc khai quật tại di chỉ này đã được tiến hành từ năm 2012 đã thu hút sự quan tâm lớn khi các nhà khảo cổ thông báo họ đã tìm thấy một ngôi mộ có mái vòm, với 2 bức tượng nhân sư gác cổng.
Sau đó, họ tìm thấy một sàn đá với tranh chạm khắc mô tả cuộc bắt cóc Persephone, con gái thần Zeus bên cạnh các bức khảm mô tả Alexander Đại đế. Tại ngôi mộ có mái vòm này, các nhà khảo cổ còn tìm thấy hài cốt của một phụ nữ lớn tuổi và họ từng hy vọng đây có thể là mẹ của Alexander. Bên cạnh đó, họ còn tìm thấy 2 bộ hài cốt đàn ông, hài cốt của một trẻ sơ sinh và xương động vật.
Peristeri và kiến trúc sư chính của bà, Michalis Lefantzis, cho biết họ cũng tìm thấy 3 bản khắc có chữ “parelavon” (nhận) và chữ lồng tên Hephaestion. Những dấu vết này, cộng với các dữ liệu thu được tới nay, khiến Peristeri tin tưởng người nằm trong mộ là Hephaestion.
Hephaestion, một quý tộc ở Macedonia, đã lớn lên cùng Alexander và về sau thành một vị tướng trong quân đội của ông. Hephaestion được tin tưởng giao phó nhiều nhiệm vụ trong suốt chiến dịch xâm chiếm châu Á kéo dài 10 năm của Alexander.
Hephaestion thường xuyên trao đổi thư từ với các triết gia Aristotle, Xenocrates và tích cực hỗ trợ Alexander trong các cuộc chinh phạt. Ông qua đời trước Alexander Đại đế 1 năm, vào năm 324 trước Công nguyên, ở Iran.
Cái chết của Hephaestion khiến Alexander Đại đế vô cùng đau buồn. Ông đã ra lệnh xây dựng một loạt công trình tôn vinh Hephaestion trên khắp đế chế rộng lớn của mình.
Vẫn nuôi mộng tìm thấy mộ Alexander Đại đế
Trong giai đoạn đầu của cuộc khai quật hầm mộ tại Amhipolis, các nhà khảo cổ tìm thấy một bộ hài cốt. Hồi đầu năm nay, các chuyên gia đã tiến hành phân tích bộ hài cốt và tuyên bố đây là một đàn ông, có lẽ là một “vị tướng quan trọng”. Người này cao vừa phải, có nước da tái và tóc đỏ.
Dựa vào những gì được tìm thấy trong ngôi mộ, các nhà khảo cổ cho rằng người này có địa vị xã hội cao. Mặc dù, nhiều của cải, đồ tùy táng trong hầm mộ đã bị đánh cắp, các nhà khảo cổ vẫn nhận ra rằng nó được xây cho các chiến binh Macedonia.
Các chuyên gia hiện đang tiếp tục nghiên cứu bộ hài cốt để biết được nguyên nhân cái chết, độ tuổi của người đàn ông này và để xem có phải ông ta là thành viên hoàng gia không.
Do tuyên bố của Katerina Peristeri chỉ là phỏng đoán nên vẫn có người hy vọng hầm mộ là nơi chôn cất Alexander Đại đế. Ông sinh năm 356 trước Công nguyên ở Pella, kinh đô của vương quốc Macedonia cổ đại.
Alexander từng dẫn đầu một đội quân đi chinh phạt khắp các vùng lãnh thổ của Ba Tư ở châu Á, Syria, Ai Cập và chưa bao giờ thua trận. Chính vì thành tích này mà ông được gọi là Alexander Đại đế. Ông chết sau một cơn sốt ở Babylon vào tháng 6 năm 323 trước Công nguyên.
Sau khi qua đời, Alexander được chôn cất ở Ai Cập. Song người ta tin rằng thi hài ông đã được chuyển đi để tránh nạn cướp mộ. Đã có phỏng đoán Alexander được chôn trong một nghĩa trang gần vùng Vergina của Hy Lạp. Trong những năm 1970, hoạt động khai quật khu vực này đã phát lộ phần mộ Philip II, cha của Alexander Đại đế.
Việt Lâm (theo Daily Mail)
Thể thao & Văn hóa