Trương Liêu không kém Quan Vũ, vì sao không có trong top 10 võ tướng mạnh nhất Tam Quốc?
Quan Vũ từng buột miệng thừa nhận võ công của Trương Liêu không hề thua kém ông và Trương Phi. Vậy, tại sao võ tướng này lại không được xướng tên trong top 10 của Tam Quốc? Lý do hóa ra rất đơn giản.
Trong Tam Quốc, bên cạnh các mưu sĩ tài danh, võ tướng cũng được coi là một trong những nhân tố quan trọng đối với những trận đấu trí và lực giữa ba tập đoàn Tào Ngụy, Thục Hán và Đông Ngô.
Hiểu được điều này, cả ba tập đoàn này đều chú trọng chiêu mộ nhiều binh hùng, tướng mạnh. Trong số đó, Tào Tháo được coi là một trong những "ông chủ" thu hút được nhiều nhân tài nhất.
Ngay từ lúc gây dựng cơ nghiệp, Tào Tháo đã rất chú trọng đến việc tìm kiếm hiền tài. Trong các võ tướng hàng đầu của ông, có một nhân vật đặc biệt, thậm chí còn từng được Quan Vũ coi trọng, khiến Tôn Quyền và Đông Ngô khiếp vía khi nghe thấy tên. Đó là Trương Liêu.
Trương Liêu (169 – 222), tự Văn Viễn, là người huyện Mã Ấp, quận Nhạn Môn, nay thuộc thành phố Sóc Châu, tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc). Ông là một trong những võ tướng giỏi nhất phục vụ dưới trướng của nhà Tào Ngụy. Lúc sinh thời, ông từng tham gia vào nhiều trận đánh lớn trong Tam Quốc, trong đó nổi tiếng nhất là trận Hợp Phì với quân của Đông Ngô.
Trên thực tế, trước khi đầu quân cho Tào Tháo, Trương Liêu từng là thuộc hạ của Lã Bố. Ông cùng với Cao Thuận được coi là hai võ tướng hàng đầu dưới trướng của Lã Bố.
Vào năm 198, do lo ngại thế lực của Lưu Bị nên Tào Tháo sai Trương Liêu và Cao Thuận đem quân đi đánh Lưu Bị ở Tiểu Bái.
Lúc bấy giờ, Trương Phi định đánh với Trương Liêu một trận, nhưng võ tướng này sau đó lại nhanh chóng rút quân. Theo Tam Quốc diễn nghĩa, khi đến nơi, Quan Vũ đã nói với Trương Phi rằng: "Võ công của người này không thua gì ta và đệ. Hắn vì chính nghĩa mà có lòng ăn năn hối cải nên không đánh với ta".
Dựa vào câu nói trên, có thể thấy rằng, võ công của Trương Liêu không thua kém so với Quan Vũ và Trương Phi.
Với một người tính cách kiêu ngạo như Quan Vũ, việc đánh giá Trương Liêu ngang hàng với mình và Trương Phi, đủ để thấy ông coi trọng võ tướng này như thế nào.
Vì sao Trương Liêu không có trong top 10 võ tướng hàng đầu Tam Quốc?
Theo Tam Quốc diễn nghĩa và đánh giá trong dân gian, 10 võ tướng hàng đầu trong Tam Quốc có thể kể đến: Lã Bố, Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Mã Siêu, Hoàng Trung, Hứa Chử, Điển Vi, Nhan Lương và Văn Xú.
Vậy, tại sao Trương Liêu, võ tướng được Quan Vũ tán thưởng là có võ công không kém ông và Trương Phi lại không có tên trong bảng xếp hạng này?
Nhìn vào danh sách trên, có thể thấy Trương Liêu không phải là đối thủ của Lã Bố, người được xưng tụng là chiến thần số 1 trong Tam Quốc. Võ công và tài nghệ của Lã Bố là điều không cần phải bàn cãi.
Mặc dù được Quan Vũ tán thưởng có võ công ngang cơ, nhưng Trương Liêu tuyệt đối không phải là đối thủ của danh tướng này. Đương nhiên, ông cũng không thể đánh bại được bốn hổ tướng còn lại của Thục Hán, đó là Trương Phi, Triệu Vân, Mã Siêu và Hoàng Trung.
Trong Tam Quốc chí, sử gia Trần Thọ xếp Trương Liêu vào nhóm Ngũ tử lương tướng của Tào Ngụy, bên cạnh 4 người là Nhạc Tiến, Vu Cấm, Trương Cáp và Từ Hoảng. Đây là 5 viên tướng dũng mạnh nhất, có tài nghệ vượt trội ở dưới trướng của Tào Tháo.
Tuy nhiên, Điển Vi, Hứa Chử lại được công nhận là hai võ tướng tâm phúc mạnh nhất của Tào Tháo. Cả hai đều là tướng hộ vệ và rất được Tào Tháo tin tưởng, thậm chí yên tâm giao trọn cả tính mạng cho họ bảo vệ. Bất cứ khi nào Tào Tháo gặp phải kẻ địch mạnh, ông đều âm thầm sắp xếp cho hai võ tướng này ở bên cạnh mình.
Điển Vi từng được Tào Tháo ví như "Cổ chi Ác Lai", một vị đại thần vô cùng dũng mãnh thời Trụ Vương. Trong khi đó, Hứa Chử lại được gọi là "Hổ hầu", nhằm ví sức mạnh của ông như hổ hoang. Cả Điển Vi và Hứa Chử từng tham gia vô số trận đánh lớn nhỏ trong đời, lập nhiều chiến tích, được Tào Tháo đánh giá rất cao. Do đó, trong đại bản doanh của Tào Ngụy, Trương Liêu chắc hẳn không phải là đối thủ của Điển Vi và Hứa Chử.
Trong trận Bạch Mã năm 200, Nhan Lương từng đánh bại Từ Hoảng chỉ trong 20 hiệp. Thành tích này quả đúng là vượt xa Hứa Chử. Bởi khi lần đầu tiên gặp Từ Hoảng, Hứa Chử đã đơn đấu suốt 50 hiệp mà vẫn bất phân thắng bại. Từ đó có thể thấy thực lực của Nhan Lương mạnh hơn cả Hứa Chử. Do đó, võ công của Nhan Lương nhất định phải vượt trội hơn Trương Liêu.
Văn Xú cũng có thực lực không hề thua kém danh tướng Hà Bắc Nhan Lương. Vì nóng lòng muốn báo thù cho người anh em này, Văn Xú đã tự dẫn quân đến trước trận. Ông một mình giao đấu với cả Trương Liêu và Từ Hoảng mà vẫn thắng. Điều này có thể thấy thực lực của Văn Xú rất mạnh, đến mức các tướng lĩnh hàng đầu dưới trướng của Tào Tháo cũng đánh không lại.
Trương Liêu từng vang danh Tam Quốc trong trận bảo vệ Hợp Phì. Trận đánh lấy ít địch nhiều này cho thấy tài thao lược, mưu trí cùng sự dũng cảm hơn người của Trương Liêu. Trương Liêu tuy có tài dụng binh nhưng đơn đấu dường như không phải là thế mạnh của ông. Do đó, luận về võ công, Trương Liêu lại không phải là đối thủ của 10 võ tướng trên.
Vậy, tại sao Quan Vũ lại đánh giá cao Trương Liêu?
Nguyên nhân hóa ra rất đơn giản. Câu nói tán thưởng năm xưa của Quan Vũ là lời nói không chính xác. Quan Vũ nhận xét võ công của Trương Liêu không thua gì mình, thực ra là nói quá. Câu nói của Quan Vũ thực ra có dụng ý. Ông nhìn ra Trương Liêu có ý hối cải và lo sợ Trương Phi có ý làm hại võ tướng này. Do đó, để tránh Trương Phi đơn đấu với Trương Liêu, Quan Vũ đã nói ra câu tán thưởng trên cho tam đệ của mình.
Sau khi nghe Quan Vũ nói vậy, Trương Phi mặc dù là người nóng nảy nhưng cũng nhanh chóng hiểu ra được ngụ ý của nhị ca nên không ra trận.
Như vậy, chỉ với một câu nói mà Quan Vũ đã tránh cho Trương Liêu được một trận đơn đấu cam go. Điều này cho thấy ngoài võ công, Quan Vũ là danh tướng biết suy nghĩ thấu đáo và có tài mưu lược hơn người.
Bài viết tham khảo nguồn: Sohu, 163, Baidu