Trường học cổ Hà Nội có cần xếp hạng di tích?
(Thethaovanhoa.vn) - Tranh cãi quanh chuyện bảo tồn ngôi trường cổ trăm tuổi Châu Văn Liêm tại Cần Thơ, cũng như việc TP. HCM vừa xếp hạng di tích cấp thành phố cho 4 trường học, đã đặt ra một câu hỏi: Hà Nội có nên xếp hạng di tích cấp thành phố cho những ngôi trường cổ của mình?
Thực tế, ngoài trường Trung học Phổ thông Chu Văn An (trường Bưởi cũ) từng được công nhân là di tích cấp quốc gia, Hà Nội cũng có khá nhiều ngôi trường mang đậm kiến trúc Pháp và đã tồn tại gần trăm năm qua.
Kiến trúc Pháp đặc trưng
Những ngôi trường này được người Pháp xây dựng vào khoảng thập niên 1920. Đây là thời điểm bắt đầu giai đoạn khai thác thuộc địa lần thứ 2 của Pháp tại Việt Nam, nên một số lượng lớn người Pháp đã có mặt tại Hà Nội và mang theo gia đình đến làm ăn sinh sống. Về cơ bản, các trường học được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu giáo dục cho trẻ em của những công dân người Pháp này, cũng như một số ít các công chức cao cấp người Việt.
Lớn và đẹp nhất trong số đó phải kể đến trường Albert Sarraut (nay là trụ sở Ban đối ngoại Trung ương Đảng) và trường nữ học Pháp (nay là trụ sở Bộ Tư Pháp). Còn ở trường hợp vẫn giữ nguyên công năng sử dụng, 2 ngôi trường nổi bật là Petit Lycée (nay là THPT Trần Phú) xây năm 1919 và École Normale Supérieur Đỗ Hữu Vị (nay là THPT Phan Đình Phùng).
Theo KTS Trần Quốc Bảo, giảng viên Đại học Xây dựng, hai ngôi trường này đều mang những nét độc đáo của phong cách kiến trúc địa phương Pháp. Cụ thể, trường Trần Phú có thiết kế tòa nhà chính hình chữ U với hệ thống hành lang rộng có cửa sổ bao quanh, các khối phòng học ở hai phía có cửa sổ cuồn vòm với bán kính nhỏ dần, các chi tiết trang trí bằng gạch trần tuy không cầu kỳ nhưng có tính thẩm mỹ cao. Còn trường Phan Đình Phùng lại có cấu trúc khá phân tán trong một khuôn viên cây xanh rộng, giữa hành lang bao quanh và không gian bên trong chỉ được phân định tương đối bằng những cuốn vòm...
Xa hơn, dù không quá nổi bật về mặt kiến trúc, người ta có thể nhắc tới trường hợp của THPT Việt Đức – vốn là trường dòng Puginier được xây dựng từ năm 1897, hoặc trường cấp 2 Trưng Vương, tiền thân là trường nữ sinh Đồng Khánh được xây năm 1917 – ngôi trường duy nhất của miền Bắc dành cho các học sinh nữ người Việt. Một số trường hợp khác đã bị phá đi xây mới, hoặc qua nhiều lần tu sửa và mất đi gần hết kiến trúc ban đầu.
Cần xếp hạng di tích và giữ nguyên công năng
Ở thời điểm hiện tại, ngoại trừ trường Chu Văn An, các trường học trên đều chưa được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa (dù chỉ là cấp thành phố). Và theo nhà sử học Dương Trung Quốc, đây là một điều nên được tính đến về lâu dài.
"Thư viện, bảo tàng và trường học luôn là những công trình đặc thù, gắn với chiều sâu văn hóa của mỗi thành phố trên thế giới" – ông Quốc nói. "Với Hà Nội, việc người Pháp từng trang trọng đặt trường Albert Sarraut ngay cạnh Dinh Toàn quyền Đông Dương cũng đủ cho thấy họ đánh giá cao vai trò của kiến trúc này thế nào. Trong tình trạng phát triển đô thị thiếu kiểm soát như hiện tại, việc xếp hạng di tích ít nhiều cũng là hữu ích để bảo vệ, cũng như tôn vinh giá trị của các trường cổ Hà Nội".
Nhìn vào thực tế tại TP. HCM, khi vẫn đang được khai thác theo công năng của một trường học, việc được xếp hạng di tích đã bắt đầu đặt ra những lúng túng của giáo viên và học sinh trong việc sử dụng các trường cổ. Bởi vậy, đã có một số ý kiến đề xuất nên xây dựng các trường học mới và chuyển đổi công năng của các kiến trúc cũ thành bảo tàng giáo dục, hoặc công trình văn hóa. Tuy nhiên, ông Dương Trung Quốc không tán thành cách tiếp cận này.
"Những ngôi trường cũ vẫn nên sử dụng vào mục đích giáo dục. Bởi, gắn liền với kiến trúc cũ ấy là câu chuyện về lịch sử, truyền thống, văn hóa của từng ngôi trường" – ông Quốc nói.
Nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh: "Nếu cần thiết, các trường có thể mở thêm cơ sở tại những địa điểm khác, hoặc tìm những hình thức phù hợp về quy mô để bảo tồn được nguyên dạng kiến trúc ban đầu".
Tuy nhiên, trao đổi với Thể thao & Văn hóa ông Trương Minh Tiến (Phó giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội) cho biết: cơ quan quản lý này trước mắt chưa tính tới việc xếp hạng di tích cho các trường cổ Hà Nội. Lý do là thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục khảo sát và lên danh sách về các kiến trúc Pháp cổ còn được lưu giữ, để từ đó đưa ra những quy định về bảo tồn.
Ông Tiến cho biết: "Chắc chắn, các trường cổ tại Hà Nội sẽ nằm trong danh sách này và chịu sự quản lý nghiêm ngặt của thành phố trong việc sử dụng, cũng như sửa chữa cơi nới. Còn về lâu dài, việc xếp hạng di tích cho các kiến trúc này cũng có thể được cân nhắc, dựa trên điều kiện thực tế, cũng như kinh nghiệm bảo tồn - khai thác các trường cổ tại Cần Thơ và TP. HCM".
Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa