Trưởng ban Kỷ luật VFF kêu gọi giáo dục cầu thủ…
(Thethaovanhoa.vn) - Ở cuộc họp tổng kết mùa giải 2021 của bóng đá Việt Nam vào ngày 15/10, Trưởng ban Kỷ luật VFF Vũ Xuân Thành đặt vấn đề về việc các đội bóng ở V-League cần giáo dục cầu thủ.
“Tôi tha thiết kêu gọi các CLB giáo dục cầu thủ và chú ý đến vấn đề này. Bản thân cầu thủ cần có ý thức trong các tình huống xử lý để không bị thổi phạt. Ở các trận đấu vừa qua của đội tuyển Việt Nam, chúng ta thấy có nhiều tình huống khi cầu thủ Việt Nam không bắt lỗi thì VAR bắt, không qua mặt được VAR”, ông Thành nói.
Ông Thành cho rằng, có một văn hóa không tốt ở V-League là các lỗi phản ứng gia tăng so với mùa giải trước, mà ở đó, cầu thủ, HLV cứ xúm vào phản ứng dù chưa biết hay sai.
Ông Trưởng ban Kỷ luật VFF lại đề cập đến giáo dục cầu thủ trong một cuộc họp tổng kết mùa giải. Đó là vấn đề không mới ở bóng đá Việt Nam bởi thực tế, câu chuyện này xảy ra từ mùa giải này qua các mùa giải khác. Song, vấn đề là nhận thức của cầu thủ và cách làm của các đội bóng ra sao.
Những thất bại của đội tuyển Việt Nam có dấu ấn đậm nét từ cách hành xử thiếu “văn minh” của các cá nhân đã gióng lên hồi chuông lớn về vấn đề này. Thực tế, môi trường V-League chưa phải là nơi lý tưởng để các cầu thủ phát huy hết năng lực khi ở đó đầy rẫy các vấn đề.
Tuy nhiên, giải vô địch quốc gia là nền tảng cho sự phát triển của một nền bóng đá. Việc đội tuyển Việt Nam góp mặt ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 là thành quả lớn của cả một quá trình. Nhưng, cũng chính từ các trận đấu đẳng cấp với tất cả công nghệ tối tân của bóng đá thế giới đã phơi bày thực trạng của bóng đá nước nhà.
Có vẻ như, cầu thủ Việt Nam chưa kịp thích nghi với sự phát triển của bóng đá thế giới. 7 quả phạt đền cùng hàng loạt tình huống VAR can thiệp khiến tuyển Việt Nam không có kết quả tốt. Đó là bước ngoặt để dẫn đến cục diện trận đấu đảo chiều. Điển hình là tấm thẻ đỏ cùng quả penalty của Duy Mạnh ở trận gặp Saudi Arabia.
Chúng ta không thể đổ lỗi cho trọng tài vì không “nương tay” cho Việt Nam nhưng dưới góc nhìn luật, trọng tài đã đúng. Chỉ trách là trách cầu thủ không đủ tỉnh táo để vượt qua thời khắc đó.
Có thể thấy, thói quen phản ứng với các quyết định trọng tài, chơi bóng tiểu xảo ở V-League đang khiến các cầu thủ Việt Nam bị lạc lõng khi ra đấu trường quốc tế. 12 đội bóng góp mặt ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 và Việt Nam bị thổi phạt đền nhiều gần bằng 11 đội còn lại.
Đó là con số giật mình để suy ngẫm, giáo dục lại tư tưởng, cách chơi ở các đội bóng. Thực tế, vấn đề này không được xem trọng ở các CLB trong nước. Chính bản thân các ông chủ, chủ tịch, quan chức hay BHL có cách hành xử thiếu văn minh thì thật khó để làm gương cho cầu thủ.
Chính họ phải nhìn nhận vào những gì đã xảy ra ở vòng loại World Cup vừa qua để rút tỉa kinh nghiệm, bài học vào đội bóng. Và điều đầu tiên là thay đổi tư duy làm bóng đá. Tư duy cấp tiến ở giới thượng tầng mỗi đội bóng là kim chỉ nam để đội bóng đó có sự thay đổi, ít nhất ở khía cạnh chấp nhận cuộc chơi.
Đối với các cầu thủ, họ cũng cần có sự thay đổi theo hướng tích cực về nhận thức. Bóng đá luôn cần tiểu xảo và độ quái nhưng có vẻ như, cầu thủ Việt Nam đang rơi vào trạng thái ngợp hay ngây thơ khi ra “biển” lớn.
Sự thay đổi từ các trận đấu ở V-League có ý nghĩa lớn trong việc thay đổi cách chơi khi thi đấu ở môi trường lớn hơn. Muốn như thế, VFF, VPF cần xây dựng môi trường sạch, để các đội, cầu thủ không còn nghi kị về các vết nhơ trước đây ở giải đấu này. Chỉ có sự chung tay từ nhiều phía, bóng đá Việt Nam may ra mới thay đổi.
Gia Bình