Trước thềm Cánh diều vàng 2017: Nếu 'Vàng vớt' thì không nên trao
(Thethaovanhoa.vn) - Vào tối ngày 15/4 tới đây, lễ trao giải thưởng Cánh diều vàng 2017 sẽ chính thức diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Năm nay, danh sách phim tham gia tranh giải ở hạng mục Phim truyện điện ảnh là 13 phim, bằng 1/3 so với lượng phim ra rạp năm 2017 (tổng số 39 phim).
- 'Em chưa 18', 'Người phán xử' tranh giải Cánh diều 2017
- Giải Cánh diều 2017: Theo quy chế, Minh Trang và Lã Thanh Huyền chung 1 chiếc cúp
Tuy nhiên, khi Cánh diều vàng chưa chính thức được công bố, thì nhiều thành viên BGK đã phải thở dài vì quá nhiều phim dở.
Tràn lan phim hài, diễn lố
Đạo diễn Nhuệ Giang - thành viên BGK Phim truyện điện ảnh cho rằng. "Với 13 phim tranh giải năm nay có nhiều phim còn thiếu chuyên nghiệp, trong quan niệm và vấn đề thẩm mỹ. Ví như quan niệm hài là phải diễn cương, diễn đến mức mà với người xem như tôi thấy thành như người bị điên, do quá cường điệu làm sai lạc thẩm mỹ tối thiểu và gây khó chịu cho người xem.
Nhìn vào mặt bằng phim tôi có cảm giác các nhà sản xuất nghĩ cứ hài mới ăn khách và họ lại dùng hài diễn xuất mang tính cường điệu chứ không phải hài trong tình huống hoặc hài có duyên”.
Giám khảo Vũ Xuân Hưng cũng cho rằng, các bộ phim tham dự giải năm nay chưa đề cập được đến những vấn đề bức thiết của cuộc sống, chưa có các nhân vật mang sức vóc cả về tinh thân và thể chất để xử lý những vấn đề của xã hội.
Nhiều bộ phim áp đặt câu chuyện và tình huống cho các nhân vật làm cho phim bị giả, xa rời cuộc sống. Các phim hài vẫn còn lạm dụng các yếu tố về giới tính để gây cười.
Giám khảo Nhuệ Giang thậm chí còn thẳng thắn: Có ba ngày chấm giải thì với bà, hai ngày là thảm họa.
“Diều vớt” có nên trao?
Với mặt bằng chung của phim gây nhiều thất vọng, đạo diễn Nhuệ Giang cho rằng: Có những năm rất thành công nhưng cũng có những năm không có tài năng lớn, bởi thế giải thưởng rơi vào cảnh huống "so bó đũa, chọn cột cờ" là điều đương nhiên. Và năm nay, Cánh diều vàng vẫn sẽ có "Vàng", nhưng là một Cánh diều vàng chưa thực sự thỏa mãn.
Với một giải thưởng thường niên của một hội nghề nghiệp, chuyện trao "Vàng vớt" cũng dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều.
Đạo diễn, diễn viên Hồng Ánh - GĐ Hãng phim Xanh, đơn vị có phim tham dự cánh diều năm nay (phim Đảo của dân ngụ cư) cũng là diễn viên từng đoạt Cánh diều vàng Diễn viên chính xuất sắc nhất và từng ngồi vị trí giám khảo Cánh diều cho rằng: “Cánh diều vàng là giải thưởng thường niên mang tính nghề nghiệp, nơi mà BGK là những người có chuyên môn cao, và Hồng Ánh kỳ vọng giải thưởng cũng phải đề cao những sáng tạo mang tính chuyên môn.
Nó cho những người làm nghề có một sự kích thích dấn thân vào những bộ phim mà ở những liên hoan phim giải trí lớn, thương mại cao không được quan tâm nhiều. Chính ở nơi đây họ mới được xem những bộ phim mà có thể bình thường không được công chiếu rộng rãi, thậm chí chỉ được chiếu ở phạm vi khán giả rất nhỏ phục vụ nghiên cứu.
BKG cánh diều cần có cái nhìn tươi mới, chấp nhận tranh cãi nhưng quyết định phải thuyết phục vì chính họ là người nhìn ra tài năng, đi tiên phong với những cấu trúc mới, cách kể mới của điện ảnh tiên tiến. Và nếu như không có một bộ phim nào như vậy, hãy sẵn sàng không có Cánh diều vàng, hãy thử như vậy để kích thích sự sáng tạo”.
Hãy để “diều bay” đúng hướng
Lý giải cho việc Cánh diều năm nay có quá nhiều phim "dở", các đạo diễn, biên kịch cho rằng, sự thiếu vắng các bộ phim được đầu tư bởi nhà nước đã khiến cho điện ảnh Việt Nam mất đi sự cân bằng.
Đạo diễn Nhuệ Giang bày tỏ: Tôi mong muốn nhà nước tiếp tục đầu tư để có những bộ phim phát triển nghệ thuật điện ảnh. Bởi lẽ, phim là ngôn ngữ của điện ảnh, đôi khi không cần quá nhiều lời và không phải luôn đi phục vụ nhu cầu vui vẻ mà còn là những trăn trở về xã hội về con người… Một nền nghệ thuật như thế mới đầy đủ. Tư nhân, đương nhiên sẽ đề cao yếu tố thị trường, có rất ít các hãng phim chịu bỏ tiền để đầu tư các dòng phim nghệ thuật, phim tác giả.
Về điều này, nhà biên kịch Hồng Ngát - Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh VN - lại cho rằng: Đó sẽ chỉ là giấc mơ, bởi xin kinh phí nhà nước làm phim ở thời điểm hiện tại là vô cùng khó khăn, chính bởi vậy, điều cần làm là ủng hộ các hãng phim tư nhân dám bỏ tiền để làm phim như hiện nay. Đương nhiên, các hãng phim tư nhân cũng cần trân trọng lắng nghe ý kiến những nhà chuyên môn để tạo sự vững chãi, tránh những hạt sạn không đáng có.
Quả thực, khi điện ảnh tư nhân đang gánh trên mình nhiều trọng trách từ thị trường, đến nghệ thuật, và những yếu tố lên quan đến những giá trị nhân văn của xã hội, của đất nước thì hơn bao giờ hết, sự đồng hành của giới chuyên môn là vô cùng cần thiết để các hãng phim tư nhân có thêm những đánh giá về nghề, từ đó hài hòa các yếu tố và nâng cao chất lượng tác phẩm của mình, góp phần vào sự phát triển của điện ảnh nước nhà.
Và với dưới góc nhìn của một hãng phim tư nhân tâm huyết với dòng phim nghệ thuật, đạo diễn - diễn viên Hồng Ánh nhấn mạnh: Hãy để Cánh diều vàng thực sự là nơi mà những người làm điện ảnh chờ đợi được tham gia, tìm kiếm những đổi mới, kích thích sự sáng tạo thay vì những sản phẩm chỉ an toàn hay đáp ứng thị hiếu số đông.
Yên Khương