Trung Quốc kêu gọi nam giới đi hiến tinh trùng: Tiền trợ cấp cực "khủng" nhưng yêu cầu khó hơn cả đi tuyển dụng
Không chỉ đạt chỉ tiêu về mặt sức khoẻ, người đi hiến tinh trùng cần phải có ngoại hình ưa nhìn và bằng tốt nghiệp đại học.
Lời kêu gọi nam giới toàn quốc đi hiến tinh trùng
Zhong Ming - đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ bước vào ngân hàng tinh trùng của Bệnh viện số 3 Đại học Bắc Kinh. Anh ngạc nhiên khi thấy cơ sở này chật kín đàn ông.
Đây là lần thứ tư Zhong đến đây với tư cách người hiến tặng, nhưng lần đầu tiên anh thấy đông người như vậy. Phần lớn trong đó là những người trong độ tuổi 20 và 30.
“Nam giới 20-40 tuổi, cao ít nhất 1m7, sạch sẽ, không mắc các bệnh truyền nhiễm hoặc di truyền, không rụng tóc nhiều”, South China Morning Post dẫn lời kêu gọi trên mạng xã hội của một ngân hàng tinh trùng phi lợi nhuận có trụ sở tại Bắc Kinh. Đây là bài đăng tìm kiếm người hiến tặng cho các cặp vợ chồng hiếm muộn.
Tương tự, các ngân hàng tinh trùng ở nhiều khu vực cấp tỉnh như Vân Nam, Thiểm Tây, Thượng Hải cũng có lời "tổng động viên" đàn ông và nam sinh viên đại học tham gia khiến cho dòng người hiến tặng ngày càng đông.
Được biết, chiến dịch này khởi phát từ một ngân hàng ở Vân Nam ngày 9/2 với nội dung những người có bằng đại học trở lên đi hiến tặng tinh trùng. Nếu hiến thành công từ 10-12 lần sẽ được bồi dưỡng 4.500 tệ (khoảng 15 triệu đồng). Tiêu chuẩn là nam giới cao 1,65 m trở lên, không mù màu, nhược thị, viêm gan B và các bệnh di truyền, truyền nhiễm.
Tin tức này đã nhanh chóng xuất hiện trên Weibo và kích hoạt các sáng kiến tiếp theo ở nhiều tỉnh và thành phố như Chiết Giang, Thiểm Tây, Hồ Bắc, Sơn Đông, Thượng Hải và Bắc Kinh.
Tại Thiểm Tây có áp phích quảng cáo với nội dung "Hiến tặng tinh trùng được trả tiền, vinh quang không giới hạn", kêu gọi những người trẻ tuổi tham gia, đồng thời khuyến khích cư dân mạng chia sẻ với thông điệp "hãy lan tỏa yêu thương". Mức bồi dưỡng ở Thiểm Tây cao hơn ở Vân Nam, những người đã hoàn thành số lần nhất định có thể nhận được trợ cấp 5.000 tệ.
Tiêu chuẩn với người hiến tặng ở Bắc Kinh cao nhất, ngoài học vấn, còn chiều cao còn từ 1,7 m trở lên, khuôn mặt ưa nhìn, không hói, không cận thị, chỉ số BMI (tỷ lệ chiều cao, cân nặng) dưới 30.
Một nhân viên của Ngân hàng tinh trùng tỉnh Thiểm Tây chia sẻ, sau lời kêu gọi đã dẫn đến bùng nổ lượng người đăng ký hiến tặng. Do số lượng tăng đột biến nên nhiều người phải đợi. Hai lần đầu khám sức khỏe sẽ được hỗ trợ 50 tệ mỗi lần. Nếu vượt qua lần hiến đầu sẽ được 300 tệ và tổng quá trình có thể được 6.800 tệ.
Số người đến hiến tặng đông nhưng không phải ai cũng đủ tiêu chuẩn. Các đơn vị cho biết khoảng 20% người đăng ký hiến tặng thành công.
“Một tình nguyện viên đủ điều kiện cần có nồng độ tinh trùng gấp ba lần so với nam giới bình thường”, nhân viên cho hay.
Một ngân hàng khác ở tỉnh Sơn Đông nói họ có thể đông lạnh và lưu trữ mẫu tinh trùng của người hiến tặng trong 10 năm. Những mẫu này sẽ được sử dụng miễn phí khi cần thiết.
Nghi ngờ về tỷ lệ vô sinh gia tăng
Trước "chiến dịch" nam giới đi hiến tinh trùng mạnh mẽ nhưng tỷ lệ đạt chuẩn lại quá thấp, dư luận Trung Quốc đã dấy lên bàn tán về việc liệu có phải đàn ông nước này ngày càng ít có khả năng sinh con hay không.
Đặc biệt, một nghiên cứu vào năm 2016 cho thấy chất lượng tinh dịch của đàn ông Trung Quốc trẻ tuổi đã suy giảm trong 15 năm.
Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng đây không phải bằng chứng cho thấy khả năng sinh sản của nam giới đang suy giảm. Huang Chuan, phó giám đốc một ngân hàng tinh trùng, nói rằng tỷ lệ chất lượng tinh binh giảm do nhiều yếu tố thông thường như thiếu ngủ, hút thuốc, lạm dụng các chất có cồn, cùng các yếu tố tâm lý như áp lực công việc, áp lực tình cảm và các yếu tố môi trường như ô nhiễm không khí.
Li Fuping, giám đốc Ngân hàng tinh trùng ở Tứ Xuyên, cho biết tinh trùng đủ tiêu chuẩn được đặt ra ngay từ đầu vì người hiến tặng phải trải qua nhiều vòng kiểm tra y tế. Chỉ 20% đáp ứng, không đồng nghĩa là 80% nam giới "không tốt", mà do yêu cầu của ngân hàng đối với chất lượng đông lạnh tặng vượt xa tiêu chuẩn của người bình thường.
Cũng bàn luận về vấn đề này, Zhang Zhichao, bác sĩ trưởng khoa Nam khoa, Bệnh viện số 1 Đại học Bắc Kinh cho hay: "Xu hướng vô sinh ngày càng tăng có thể liên quan đến ngày càng nhiều nam giới trì hoãn việc sinh con, khiến họ không thể có con ở thời điểm tối ưu, còn con số người hiến tặng đáp ứng tiêu chuẩn không nói lên thực tế khả năng sinh sản của nam giới".
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng bác bỏ suy đoán trên mạng rằng Trung Quốc đang cạn kiệt tinh trùng hiến tặng. Thực tế, tổng số lượng tinh trùng được lưu trữ trong các ngân hàng tinh trùng trên cả nước thực sự lớn hơn mức cần thiết.
Trước năm 2011, các cặp vợ chồng tìm đến cơ sở này phải xếp hàng chờ đợi một thời gian dài, nhưng trong vài năm qua, nguồn cung cấp tại ngân hàng tinh trùng đã được cải thiện đáng kể và hiện có 80.000 mẫu tinh trùng của người hiến tặng được lưu trữ.
"Ngay cả khi chúng tôi không nhận bất kỳ người hiến mới nào trong vòng 3 đến 5 năm tới, nguồn cung vẫn đủ", bác sĩ Zhang nói.
Trung Quốc hiện có hơn 500 đơn vị được cấp phép thực hiện công nghệ hỗ trợ sinh sản ở người, trong đó có 27 cơ sở y tế thành lập ngân hàng tinh trùng, theo dữ liệu từ Ủy ban Y tế và Sức khỏe quốc gia tháng 7/2021.
Ngân hàng tinh trùng đóng vai trò giúp đỡ các cặp vợ chồng muốn có con nhưng không thể thụ thai do các vấn đề về sinh sản hoặc rối loạn di truyền. Khi dân số Trung Quốc già đi, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ ít muốn có con hơn, những người trong ngành sinh sản cho biết vai trò chính của các ngân hàng tinh trùng có thể được chuyển từ phục vụ các cặp vợ chồng hiếm muộn sang bảo tồn khả năng sinh sản của người dân.