Trùm phát xít Hitler đã 'đạo' ý tưởng đường cao tốc autobahn như thế nào?
(Thethaovanhoa.vn) - Nhắc tới nước Đức, người ta không thể không đề cập tới hệ thống đường cao tốc autobahn lừng danh, nơi các tài xế có thể chạy xe với tốc độ cực nhanh mà ít nơi trên thế giới có được. Rất nhiều người vẫn tưởng rằng tuyến đường này là "đứa con" của trùm phát xít Adolf Hitler, dù thực tế lại rất khác.
Với các công cụ có trong tay, năm 1933, Hitler động thổ việc xây cao tốc autobahn đầu tiên, tuyên bố rằng tuyến đường sẽ là "bằng chứng về sự can đảm" của chính quyền.
Trắng trợn gắn ý tưởng cho Hitler
Theo lời nhà thơ nổi tiếng thời phát xít Đức Herybert Menzel, sự kiện năm 1933 là kết quả từ một quá trình "trăn trở" kéo dài của Hitler.
Ông viết rằng nhiều năm trước đó, khi đang bị tống giam và thai nghén cuốn Mein Kampf (Cuộc tranh đấu của tôi), Hitler đã “mở một bàn đồ in hình Tổ quốc, đặt trên chân mình và mường tượng ra rằng hệ thống autobahn là một phần trong đó".
Tới giữa những năm 1930, quan điểm này của Menzel đã được nâng tầm trở thành học thuyết quốc gia. Đỉnh điểm của nó là một lễ ăn mừng long trọng tổ chức vào ngày 19/5/1935, nhân dịp khai trương tuyến đường autobahn dài 22km, nối giữa Frankfurt và Darmstadt.
Tới ngày hôm nay, vẫn còn người tin Adolf Hitler là người duy nhất có công xây dựng mạng đường cao tốc cho nước Đức hiện đại. Nhưng những người có suy nghĩ này chỉ là nạn nhân của một chiến dịch tuyên truyền quá đỗi tinh vi, do phát xít Đức thực hiện.
Thực tế thì ý tưởng về hệ thống đường autobahn đã được đề xuất từ những năm 1920, trong thời Cộng hòa Weimar. Tuy nhiên hoạt động xây dựng diễn ra chậm chạp. Nhiều đoạn đường được lên kế hoạch xây dựng rốt cục vẫn chỉ nằm trên giấy, do khó khăn kinh tế và thiếu sự ủng hộ chính trị.
Đáng chú ý nhất là các kế hoạch do một nhóm có tên HaFraBa thực hiện. Từ năm 1926, nhóm này đã vận động việc xây autobahn, nối các thành phố thuộc vùng Hamburg với Basel ở Thụy Sĩ, qua đường Frankfurt.
Ngày hôm nay, có 2 tuyến đường autobahn của Đức vẫn được xây dựng dựa trên bản thiết kế gốc của nhóm HaFraBa, vốn nêu ra đủ mọi chi tiết, từ dải phân cách xanh tới các điểm tạm nghỉ, các điểm giao cắt, trạm xăng và điểm bảo trì cao tốc...
Bản thân đảng Quốc xã lại phản đối việc xây các đường autobahn ngay từ đầu. Đảng Quốc xã thậm chí còn lên án chúng là "các xa lộ xa xỉ", dành cho những kẻ lắm tiền nhiều của. Một trong những nguyên nhân dẫn tới sự phản đối là do các thành viên đảng Quốc xã sợ chọc giận nhiều nhà tài phiệt ngành đường sắt - những kẻ lo ngại sự xuất hiện của đường cao tốc sẽ phá vỡ thế độc quyền của họ.
Chỉ là một công cụ chính trị
Thế nhưng không lâu sau khi lên nắm quyền vào năm 1933, Hitler đã đảo ngược 180 độ, khi quay sang ủng hộ autobahn. Các sử gia nói rằng Hitler muốn bỏ bùa nước Đức qua một dự án hoành tráng như xây autobahn, và qua đó sẽ giúp củng cố tốt hơn quyền lực chính trị của ông ta.
Vào thời ấy, ít người Đức có đủ tiền để mua xe hơi. Bộ máy tuyên truyền của phát xít Đức đã hứa hẹn với họ rằng điều này sẽ thay đổi và bất kỳ ai cũng có thể mua xe, có thể đi lại thuận tiện và nhanh chóng, không chỉ người giàu.
Cùng với autobahn, chiếc Volkswagen - xe của nhân dân - cũng ra đời để phục vụ mục tiêu này.
Trong khuôn khổ chính sách trên, Hitler đã động thổ việc xây đường Nam Hessen1933. Con đường được chính quyền phát xít quảng bá là nằm trong một hệ thống đường autobahn "đầu tiên".
Tuyên bố được đưa ra bất chấp việc trước đó, Thị trưởng Cologne là ông Konrad Adenauer đã xây trước một tuyến autobahn nối giữa Cologne với Bonn. Để giành lấy vị trí "đầu tiên" một cách thuyết phục, chính quyền phát xít đã hạ cấp con đường gồm 4 làn đó xuống thành "đường nông thôn".
Berlin cũng có một đoạn cao tốc 4 làn đường, nhưng chính quyền phát xít dễ dàng gạt bỏ, khi cho rằng nó không được nối với hệ thống giao thông chung.
Thách thức lớn nhất vẫn là xóa bỏ kế hoạch phản đối autobahn của đảng Quốc xã trong giai đoạn trước đây. Những bộ não truyền thông của chính quyền phát xít đã làm việc không mệt mỏi để đánh cướp ý tưởng xây dựng autobahn, với mục tiêu chính là nhóm HaFraBa đã nêu ở trên.
Báo chí khi ấy viết rằng trước năm 1933, nhóm HaFraBa “có động cơ chủ yếu là lợi nhuận, phục vụ lợi ích Do Thái". Vì lý do này, Hitler đã sa thải Chủ tịch ban điều hành HaFraBa, một người Do Thái tên Ludwig Landmann, khiến tổ chức phục vụ nước Đức.
Các chuyên gia tuyên truyền của Hitler còn nhấn mạnh tới các lợi ích "xã hội và chính trị" của autobahn, bên cạnh việc kiến tạo việc làm. Không ít người vẫn tin rằng dự án autobahn của Hitler đã giúp giải quyết vấn đề 6 triệu người thất nghiệp, dù thực tế, chỉ có hơn 100.000 lao động xây dựng các tuyến đường cao tốc.
Kể cả tính thêm các nhà thầu phụ và tác động kinh tế rộng lớn hơn, hình thành từ xây autobahn, dự án cũng chỉ kiến tạo tối đa 250.000 việc làm.
Một số người còn bị dụ dỗ để tin rằng autobahn đóng vai trò quan trọng trong chương trình phòng vệ của Hitler. Trong một báo cáo nội bộ, Bộ trưởng Vũ khí và Đạn dược Fritz Todt từng tư vấn Hitler rằng autobahn sẽ giúp một đạo quân gồm "300.000 người với 100.000 xe pháo có thể tiến từ biên giới phía Đông tới phía Tây nước Đức trong vòng 36 giờ". Nhiều tài liệu khác cũng nêu bật tầm quan trọng về quân sự của autobahn.
Nhưng các sử gia không đồng tình, cho rằng việc thêm thắt tầm quan trọng quân sự chỉ để khiến kế hoạch xây autobahn có vẻ như là một chính sách đúng đắn của riêng Hitler.
Tháng 1/1938, huyền thoại đua xe người Đức Bernd Rosemeyer đã thiệt mạng khi cố ghi tốc độ trên bộ tại chính cung đường autobahn "đầu tiên" mà Hitler đã khai trương trước đó 3 năm.
Với việc đã có hơn 2.500 km đường autobahn được xây dựng vào thời điểm ấy, nhiều người đã tin và vẫn tin dưới tác động của các chuyên gia tuyên truyền của phát xít Đức, rằng dự án là kết quả từ trí tuệ hơn người của Hitler, dù thực tế thì ông ta chẳng đóng góp mấy và tuyến đường cũng chỉ là công cụ chính trị mà thôi.
Tường Linh (Theo Ozy)
Thể thao & Văn hóa