Trực thăng Mi-171 gặp nạn: Có một người lính dù như thế
(Thethaovanhoa.vn) - Trên chuyến bay bị tai nạn sáng 7/7/2014 tại xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất (Hà Nội) có 21 cán bộ chiến sĩ thực hiện bay huấn luyện nhảy dù. 16 quân nhân đã hy sinh tại chỗ, trong đó có Thiếu tá Đặng Thành Chung (sinh năm 1966) - giáo viên dù Trung tâm Huấn luyện tìm kiếm cứu nạn đường không và là người khá thân cận với Thể thao & Văn hóa.
1. Thiếu tá Đặng Thành Chung, vốn nhập ngũ là lính quân nhu của Quân chủng Không quân. Sau một thời gian công tác, vị trí công tác mới ở đội huấn luyện dù đã chính thức se duyên anh với những cánh dù.
Có tố chất của lính dù bởi sức vóc khỏe mạnh, nhanh nhẹn, anh nhanh chóng trở thành một người lính tinh nhuệ và nòng cốt trong đội dù của Quân chủng. Với tính cách của một người lính có kỷ luật nhưng lại quảng giao, công việc của anh dần được mở rộng hơn. Người ta thấy anh xuất hiện như một mắt nối giữa những gì vốn là bí mật quân sự với xã hội.
Lịch trình đi dạy, huấn luyện, tập huấn dù của anh từ đầu năm tới giờ kín mít. Vừa thấy anh ở Nha Trang huấn luyện bay lại đã thấy anh về Hòa Lạc tổ chức lớp cho các học viên dân sự khóa mới. Còn chưa kịp gặp anh lại đã thấy đội dù lượn Sài Gòn đón tiếp. Hôm sau trên Facebook cá nhân lại đã thấy hình anh cùng các thành viên dù lượn bay biểu diễn ở Đà Nẵng. Nói vậy để thấy anh nhiệt tình với anh em và yêu công việc huấn luyện dù thế nào.
Anh gặp tôi vào khoảng đầu năm 2011. Lúc đó môn dù lượn đã mở ra và tiếp nhận học viên bên ngoài nhưng thông tin vẫn chưa được phổ biến rộng rãi. Anh bàn với tôi tìm một cách truyền thông hiệu quả, trước là để mọi người cùng biết về môn thể thao hấp dẫn này đã có mặt ở Việt Nam, sau là làm cơ sở để phát triển mạnh, tiến tới hòa nhập quốc tế. Và bộ ảnh Bay trên gấm vóc mà anh và tôi thực hiện đã ra đời chỉ sau đó vài tháng (tháng 7/2011).
Để thực hiện bộ ảnh Bay trên gấm vóc, đó là một chuyến bay nhớ đời của tôi. Thường thì anh Chung vừa bay dù vừa chụp ảnh. Lúc đó anh tự nhận mình chỉ có ảnh độc chứ không có ảnh đẹp mà anh lại đang cần ảnh đẹp để chia sẻ với cộng đồng. Anh quyết định bay đôi, anh lái, tôi chụp.
Thời tiết Hoằng Trường hôm đó tuyệt đẹp. Nắng nhẹ, gió tốt, những thửa ruộng mới xanh mượt. Có vẻ như chuyến bay đầu tiên của tôi sẽ thành công mỹ mãn. Sau vài lần chỉ huy bay, anh nói tôi chuẩn bị. Chuyện tôi có đôi chút sợ sệt khi lần đầu tiên bay chỉ là chuyện nhỏ bởi nhìn anh, tôi tràn đầy sự tin tưởng.
“Chú muốn thế nào?” - anh hỏi. Tôi vừa ngắm góc, vừa nói: “Anh lao thẳng vào dù kia cho em”. Anh lái thẳng vào bất cứ chiếc dù nào đang bay hướng ngược lại. Cần lấy nền ruộng, anh bay đè lên trên, cần nền trời anh lại vòng xuống dưới. Vừa lái, anh vừa chỉ huy qua bộ đàm cho những dù khác bay đúng theo hướng mà tôi cần để lấy biển đảo, ruộng muối, chòi ngao. Công việc của tôi chỉ là làm sao để có được những bức ảnh tốt nhất. Và tôi đã được một phi công huấn luyện dù xuất sắc tạo điều kiện để cho ra đời những bức ảnh tuyệt vời như thế.
2. Hiệu ứng của chùm ảnh Bay trên gấm vóc đăng trên báo Thể thao & Văn hóa thực sự khiến anh và tôi hài lòng. Cộng đồng mạng liên tục chia sẻ với sự tự hào về một hình ảnh quá đẹp, nhất là khi hình ảnh đó gắn liền với những phi công Việt Nam. Về phía CLB Vietwings Hà Nội, lượng thành viên đăng ký theo học tăng vọt. Những chương trình giao lưu, thi dù liên tục diễn ra. Nhiều phi công quốc tế cũng tìm đến Việt Nam không chỉ để giao lưu mà còn để khám phá bầu trời và vẻ đẹp của đất nước này.
Công việc cứ cuốn đi khiến tôi không có nhiều điều kiện đi cùng các anh. Thi thoảng tôi và anh đồng hành trong những cuộc thi dù, anh nói về ước mong được mang về nhiều thiết bị hiện đại nhất để anh em thử nghiệm. Mong mỏi lớn hơn nữa là các phi công Việt Nam sẽ ra đấu trường quốc tế thi đấu và khẳng định sự trưởng thành của mình.
Biết tôi không có nhiều thời gian theo sát sự phát triển của các bộ môn dù, anh quyết định tự làm phóng viên ảnh. Đam mê chụp ảnh của anh lúc này phát huy tác dụng. Anh chụp lại tất cả các sự kiện, vừa chia sẻ lên Facebook cá nhân, vừa chia sẻ với cộng đồng lại vừa gửi cho tôi ảnh và những thông tin cần thiết để đăng báo. Cứ như vậy suốt từ năm 2012 tới nay, anh trở thành phóng viên không chính thức của Thể thao & Văn hóa lúc nào không hay.
Mấy ngày trước khi máy bay gặp nạn, anh liên tục chia sẻ những hình ảnh cùng gia đình đi du lịch. 7h sáng ngày 7/7/2014, anh vẫn như thường lệ, chia sẻ những hình ảnh ngày hôm trước huấn luyện thành viên dù dân sự. Mọi người vào chia sẻ và chúc mừng các thầy trò đã hoàn thành xuất sắc khóa học. Nhưng chỉ gần 1 tiếng sau, tất cả điếng lòng khi nhận hung tin chiếc Mi171 rơi tại khu vực gần sân bay Hòa Lạc.
Điều thần kỳ đã không tới. Thiếu tá Đặng Thành Chung và những người học trò của mình đã vĩnh viễn ra đi để lại một khoảng trời buồn vô hạn.
Những người bạn, học trò của Thiếu tá Chung những ngày qua vẫn cố kìm nén cảm xúc dù cả xã hội đang bày tỏ niềm tiếc thương những người con của đất nước. Họ giờ đây chỉ tâm niệm một điều: Sẽ giữ mãi ngọn lửa đam mê bầu trời mà anh Chung cùng những người lính không quân đã để lại.
Cao Mạnh Tuấn
Thể thao & Văn hóa